Thứ ba, 16/07/2019 17:04 GMT+7

Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống tằm sắn tại một số tỉnh miền núi phía Bắc

Tằm thầu dầu - lá sắn (Eri silkworm) thường gọi là Tằm sắn là loại tằm dại, nó khác với tằm dâu là chỉ ăn duy nhất một loại thức ăn là lá dâu thì tằm sắn có thể ăn được nhiều loại lá khác nhau như lá thầu dầu, lá sắn, lá sơn, lá quế,... nuôi tằm sắn là một nghề khá phổ biến, đã gắn bó với nghề trồng sắn ở các tỉnh miền núi phía Bắc từ nhiều năm nay. Thức ăn nuôi tằm là nguồn lá sắn tận dụng mà không phải mất thêm đất đai và vốn đầu tư để trồng trọt. Đáng kể nhất là việc sử dụng có hiệu quả nguồn lao động gia đình, đặc biệt là những người già, những người bị trở ngại trong lao động, phụ nữ và trẻ em đều có thể tham gia vào công việc nuôi tằm. Tằm sắn dễ nuôi không đòi hỏi kỹ thuật cao, đầu tư nhiều, rất phù hợp với trình độ và điều kiện kinh tế của bà con nông dân miền núi, nhờ vậy mà nghề nuôi tằm sắn đã trở thành một trong những giải pháp xóa đói, giảm nghèo của đồng bào miền núi. Sợi tơ tằm sắn tuy không tốt bằng tơ tằm dâu nhưng có nhiều ưu điểm hơn tơ hóa học về độ đàn hồi hút ẩm, cách nhiệt, cách điện, chịu đựng tác dụng của axit, độ bao hợp cao nên chúng rất có ý nghĩa trong may mặc, trang trí, y học, quốc phòng (Ping Wen-Yeu, 2007).

Kết quả điều tra tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nghề nuôi tằm sắn trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc, Phú Thọ và Yên Bái cho thấy ngoài việc nuôi tằm để lấy kén kéo sợi may quần áo, dệt khăn... do phong tục tập quán nên có thói quen dùng con tằm chín và nhộng tằm làm thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày. Sản phẩm chăn nuôi được sử dụng theo 3 hƣớng đó là 52-56% số lượng tằm nuôi được sử dụng tằm chín làm thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày, 5-8% số lƣợng kén tằm được sử dụng để nhân giống và từ 38-40% đƣợc sử dụng vỏ kén để rút sợi may quần áo hoặc bán cho tư thương xuất khẩu sang Thái Lan, Trung Quốc, Ẩn Độ... Tằm chín và nhộng là một loại thực phẩm rất giàu dinh dưỡng vì có hàm lượng Protein, lipit rất cao (1516%), nhộng còn chứa nhiều axit amin không thay thế.

Tuy nhiên so với tằm dâu thì tằm sắn chưa được quan tâm nhiều mà chủ yếu do người dân phát triển tự phát, qui mô nhỏ lẻ manh mún, sản xuất theo hình thức tự sản, tự tiêu. Chưa có bộ giống tằm tốt thích hợp với từng mùa vụ vùng miền, trong sản xuất giống tằm sắn do người dân và một số cơ sở tư nhân tự lưu giữ và sản trứng giống tằm sắn nên chất lượng không đảm bảo, giống bị thoái hóa và không kiểm soát bệnh tằm gai dẫn đến năng suất thấp và không ổn định. Do đó yêu cầu của thực tiễn sản xuất rất cần có các giống tằm sắn thích hợp với từng mùa vụ, giống tằm có chất lượng dinh dưỡng cao nuôi làm thực phẩm có khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu của các tỉnh miền núi phía Bắc và các quy trình kỹ thuật nuôi trồng, khai thác lá sắn thích hợp nhằm tận dụng được sản luonwgj lá sắn để nuôi tằm, nâng cao năng suất, phẩm chất tằm kén, tăng hiệu quả kinh tế/ha sắn góp phần xoá đói giảm nghèo cho bà con các dân tộc miền núi.  Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trên được sự Phê duyệt của Bộ Nông nghiệp và PTNT cho phép Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương triển khai thực hiện đề tài: “Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống tằm sắn tại một số tỉnh miền núi phía Bắc” phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Nguyễn Thị Len thực hiện. Với mục tiêu chọn tạo giống tằm sắn có năng suất cao, chất lƣợng tốt, phục vụ cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tăng thu nhập cho nông dân vùng miền núi phía Bắc.
 

Trong thời gian 05 năm, từ năm 2012-2016 đề tài đã hoàn thành được các mục tiêu đề ra, tóm tắt kết quả đạt được như sau:

1. Từ một số giống tằm sắn được thu thập tại các tỉnh có nghề nuôi tằm sắn trên cả nước đề tài đã chọn tạo được 03 giống tằm sắn PQ1 cho vụ Hè; Giống TS3 cho vụ Thu và giống TS5 làm thực phẩm có năng suất cao, chất lượng tốt, thích hợp với điều kiện khí hậu của các tỉnh miền núi phía Bắc. Ba giống tằm sắn mới chọn tạo đã đƣợc công nhận là Tiến bộ kỹ thuật và đƣợc đặt tên là giống TS1-H cho vụ Hè, TS1-T cho vụ Thu và TS1-TP làm thực phẩm. Đặc điểm chính của các giống như sau:

- Giống tằm sắn TS1-H cho vụ Hè (thời vụ nuôi từ tháng 6-9): Tằm trơn, thời gian phát dục giai đoạn tằm 16-17 ngày. Tằm khỏe chống chịu tốt với điều kiện thời tiết vụ Hè, năng suất kén đạt 14,50 kg/hộp 20 g trứng, cao hơn giống PT1 (đ/c) 15,8%, kén hình thoi màu trắng ngà, chất lượng tơ kén khá. 

 - Giống tằm sắn TS1-T cho vụ Thu (thời vụ nuôi từ tháng 9-11): Tằm trơn, thời gian phát dục giai đoạn tằm 17-18 ngày. Năng năng suất kén 16,6 kg/hộp trứng cao hơn giống PT1 là 13,8%. Kén hình thoi màu trắng đục, chất lƣợng tơ kén cao, khối lƣợng toàn kén 3,14 g, khối lượng vỏ kén 0,43 g, tỷ lệ vỏ kén 13,8%, cao hơn giống PT1 lần lƣợt là 9,9%, 22,9 và 12,2%.  

- Giống tằm sắn TS1-TP làm thực phẩm (thời vụ nuôi từ tháng 6-11): Tằm trơn, tằm chín có màu vàng. Năng suất tằm chín đạt 25,1 kg/hộp trứng cao hơn giống PT1 là 15,7%. Giống TS1-TP có chất lượng dinh dưỡng trong con tằm chín và nhộng tằm cao, tằm và nhộng có 16 axit amin trong đó có đủ 08 axit amin thiết yếu với hàm lượng từ 5,42-5,54%. 

2. Đã xác định được chất lượng lá sắn dùng cho nuôi tằm của 04 giống sắn KM94, KM98-7, KM60 và KM21-12, cả 04 giống sắn này đều có thể sử dụng lá để nuôi tằm sắn. Trong đó lá của giống sắn KM94 cho kết quả tốt nhất, tiếp đến là lá giống KM21-12, hai giống KM60 và KM98-7 kết quả nuôi tằm tương đương với giống địa phương Xanh Vĩnh Phú (đ/c). 

3. Đã nghiên cứu xây dựng được 02 Quy trình kỹ thuật có giá trị cho nghiên cứu và chỉ đạo sản xuất: Quy trình nuôi và sản xuất trứng giống tằm sắn: Cho hệ số nhân giống đạt trên 34 g trứng/kg kén giống, tỷ lệ trứng nở trên 95%, bệnh gai < 2%.  Năng suất kén đạt trên 16 kg/hộp 20 g trứng và Quy trình kỹ thuật trồng và khai thác lá sắn nuôi tằm: Số lượng lá sắn khai thác thích hợp từ 10-20% số lá thành thục trên cây không làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng củ sắn. Sản lượng lá sắn khai thác từ 3,85-4,74 tấn lá/ha/năm, nuôi từ 14-18 hộp trứng giống, cho thu nhập từ nuôi tằm tăng thêm 35-38 triệu đồng/ha/năm so với chỉ trồng sắn lấy củ.

4. Xây dựng được 06 Mô hình (03 Mô hình sản xuất thử nghiệm trứng giống và 03 Mô hình nuôi các giống tằm sắn mới chọn tạo) tại 02 tỉnh Phú Thọ và Yên Bái:

- Mô hình sản xuất thử nghiệm trứng giống: Sản xuất được tổng số 13.508,5 g trứng của 03 giống TS1-H, TS1-T và TS1-TP, hệ số nhân giống đạt lần lượt là 36,5 g; 36,2 g và 34,8 g, cao hơn so với giống đối chứng PT1 là 18,6%; 13,1% và 14,1%.

- Mô hình nuôi giống tằm mới: Nuôi tổng số 623 hộp trứng của 03 giống tằm sắn TS1-H, TS1-T và TS1-TP. Giống TS1-H cho năng suất kén bình quân đạt 14,7 kg/hộp, TS1-T năng suất kén bình quân đạt 16,3 kg và giống TS1-TP có năng suất tằm chín bình quân đạt 25,1 kg, cao hơn nuôi giống PT1 (đ/c) lần lượt là 16,5%; 15,2% và 17,8%. Nuôi các giống tằm mới cho hiệu quả kinh tế cao, thu nhập cao hơn 4,8-5,5 triệu đồng/ha/năm so với nuôi giống PT1.  

5. Đăng tải được 03 bài báo trên Tạp chí KH&CN Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam. 

6. Đào tạo được 01 Thạc sĩ Khoa học cây trồng.

 

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 13923/2017) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

 

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 6824

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)