Thứ sáu, 12/07/2019 14:07 GMT+7

Tạo giống lúa mới từ “lúa ma”

Trong hơn 25 năm làm nghiên cứu, GS.TS Nguyễn Thị Lang đã lai tạo thành công hơn 73 giống lúa mới mà “bố” là lúa ma. Với kết quả này, bà vinh dự là nhà khoa học nữ đầu tiên được trao Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2019.

GS.TS Nguyễn Thị Lang. Ảnh: KH&PT
 

GS.TS Nguyễn Thị Lang tự nhận mình là một người nông dân, rất yêu và trăn trở về cây lúa. Nữ GS chia sẻ: “Tôi đã thấy những giống lúa ngày xưa cho cơm ăn rất ngon, sao giờ lại mất? Chính vì vậy, từ năm 1998, tôi đã cùng GS.TS Bùi Chí Bửu đi tìm cây lúa “ma”- tổ tiên của giống lúa trồng hiện nay.

Theo GS Nguyễn Thị Lang, trên thế giới, hiện nay có 26 loài lúa “ma” hoang dại. Riêng ở Việt Nam có bốn quần thể gồm: Oryza officinalis, Oryza rufipogon, Oryza nivara và Oryza granulata.

Lúa “ma” Oryza officinalis phân bố rộng từ bờ biển phía Tây Ấn Độ kéo dài đến Philippines và Borneo. Nhóm này được tìm thấy ở miền Đông Nam bộ Việt Nam. Cây lúa “ma” cao khoảng 2m, bông lúa dài khoảng 30cm, xòe. Hạt lúa rất nhỏ (4 - 5mm), râu hạt ngắn, mềm.Thời gian trổ bông quanh năm, nhưng chủ yếu từ tháng 8 - 9. Do loài này có gene kháng rầy nâu tốt nên rất có triển vọng lai tạo ra lúa kháng rầy nâu, rầy lưng trắng cho năng suất, chất lượng cao.

Còn lúa “ma” Oryza rufipogon được tìm thấy từ miền Bắc đến miền Nam, kể cả vùng duyên hải Trung bộ với nhiều quần thể đa dạng về di truyền. Ở Đồng bằng sông Cửu Long thì Vườn quốc gia Tràm Chim là vùng bảo tồn in-situ các loài động thực vật quý hiếm, trong đó có lúa “ma” Oryza rufipogon. Kết quả nghiên cứu chuyên sâu loài Oryza rufipogon cho biết đây là giống lúa có nguồn gene kháng rầy nâu và rầy lưng trắng khá tốt.
 

Thân cây "lúa ma" nhìn không khác so với cây lúa nước.

 

Loài lúa “ma” Oryza granulata, vốn chỉ có ở Mường Tè (Lai Châu), thì hiện không còn tìm thấy trong tự nhiên nữa. Nhưng gene của loài này vẫn đang được bảo quản tại Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhà lưới số 5, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, được các nhà khoa học Nhật Bản gọi vui là “bảo tàng lúa ma” của Việt Nam. Đây chính là ngôi nhà đầu tiên của lúa “ma”, do GS. TS Nguyễn Thị Lang trực tiếp chăm sóc và nghiên cứu mỗi ngày.

Từ năm 1998, GS.TS Nguyễn Thị Lang đã cùng GS.TS Bùi Chí Bửu, hai nhà khoa học chuyên sâu về lúa “ma”, dành rất nhiều công sức và tâm huyết để nghiên cứu lai tạo các giống lúa mới mà bố là lúa “ma”. Ngoài ba loài lúa “ma” tại Việt Nam, bà còn thử lai lúa “ma” ở Lào, Úc, châu Phi... với các giống lúa thơm, lúa chất lượng cao của Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam.

Trong hơn 25 năm làm nghiên cứu, GS.TS Nguyễn Thị Lang đã lai tạo thành công hơn 73 giống lúa, trong đó có 31 giống lúa đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và đưa vào sản xuất tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, 106 giống lúa được đánh giá là triển vọng và đang trong quá trình khảo nghiệm cấp quốc gia.

Sau khi tạo ra các giống mới, bà tìm cách ứng dụng. Có khi, bà phải đi vận động từng địa phương cho thử giống mới của mình. “Tôi đưa cho họ ứng dụng 10 giống, cuối cùng họ chọn được 1 đến 2 giống thích hợp cho địa phương. Có khi mình cho dân, không lấy tiền. Thậm chí, tôi cùng với nông dân thực hành gieo giống, chăm sóc lúa trên ruộng”, bà nói.

Như ở Vĩnh Long- quê hương của GS Trần Đại Nghĩa, cả lãnh đạo và người dân địa phương đã nhiệt tình ủng hộ việc GS Lang triển khai ứng dụng các giống lúa. Bạc Liêu, một địa phương có nhiều vùng đất nhiễm mặn, lãnh đạo địa phương đã chủ động đặt hàng GS Lang nguồn giống thích nghi với đất mặn để người dân canh tác.

Một giáo sư lội đồng cùng dân. Một giáo sư thành danh với việc bảo tồn gene quý, lai tạo giống lúa mới cho vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long. Một giáo sư khi bước lên bục danh dự để nhận Giải thưởng Trần Đại Nghĩa đã khiêm tốn nói về mình, trích dẫn câu nói của Đại văn hào Tagore rất ý nghĩa: “Chúng ta biết ơn ngọn đèn cho chúng ta ánh sáng. Chúng ta cũng phải biết ơn giá chân đèn đã âm thầm đứng trong bóng tối để mang ngọn đèn tỏa sáng khắp nơi nơi”. Với GS. TS Nguyễn Thị Lang, bà biết ơn những nhà khoa học, hàng triệu người nông dân đã làm giá chân đèn đứng trong bóng tối.

Dù rằng, lợi ích mấu chốt của công trình mà bà đoạt giải là mang lại cho nông dân. Ở đồng bằng sông Cửu Long, lúa là cây lương thực số 1. Vì thế, bà luôn muốn “lao” vào triển khai ứng dụng, từ giống lúa 6 tháng, 4 tháng, rồi 3 tháng. Giống mới càng ngắn ngày thì làm càng rút ngắn thời gian lao động của nông dân, nhưng vẫn có khả năng tăng năng suất. Hiện, bà đang hợp tác với đối tác Nhật Bản để nghiên cứu sâu hơn về giống lúa “ma”. Và đó là cuộc trường chinh đúng nghĩa của một nhà khoa học đã dành một tình yêu đặc biệt cho cây lúa.

GS.TS Nguyễn Thị Lang sinh năm 1957, tại Bến Tre.

- Năm 1979, sau khi tốt nghiệp ngành sinh học tại trường Đại học Tổng hợp TP.HCM.

- Năm 1994, bà bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ chuyên ngành Di truyền chọn giống với luận án: “Nghiên cứu di truyền tính trạng sinh lý ưu thế lai trên lúa”.

- GS. TS Nguyễn Thị Lang, hiện là nghiên cứu viên cao cấp của Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Trưởng Bộ môn Công nghệ sinh học trường Đại học Cửu Long.

Liên kết nguồn tin: http://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/tao-giong-lua-moi-tu-lua-ma/20190704021049853p1c160.htm

Nguồn: Báo Khoa học và Phát triển

Lượt xem: 7199

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)