Báo cáo tổng kết Giải thưởng sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2018, TS Lê Xuân Rao, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội cho biết, trong năm 2018, Ban Tổ chức nhận được nhiều công trình thuộc nhiều lĩnh vực dự thi khác nhau.
Tổ chức các hội đồng khoa học nghiệm thu, đánh giá, tư vấn và nhất trí gửi 7 công trình dự thi vào cuối tháng 10/2018. Trong đó, 3 công trình thuộc lĩnh vực công nghệ vật liệu; 3 công trình thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học, 1 công trình thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Căn cứ Thể lệ Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2018, Ban Tổ chức đã thống nhất trao giải cho 3 công trình của thành phố Hà Nội gồm: 3 giải Nhì và 1 công trình bảo lưu để tiếp tục hoàn thiện. Đó là công trình “Sử dụng các vật liệu tiên tiến trong thiết kế, chế tạo thiết bị liên hợp Oxi - Ozon và ứng dụng để khử khuẩn, nấm mốc trong môi trường nước và không khí quy mô công nghiệp” của KS Nguyễn Cao Cường và cộng sự (Công ty cổ phần Công nghiệp và dịch vụ Khoa học kỹ thuật Bách khoa – BKIDT). Công trình có ý nghĩa thực tiễn, với máy liên hiệp Oxi - Ozon công suất lớn tạo thêm một phương pháp diệt khuẩn hiệu quả và thân thiện môi trường cho cả môi trường nước và không khí với công suất đủ lớn (100gam-200gam/giờ) phục vụ các mục tiêu khử khuẩn cho các công trình công cộng như bể bơi, ao nuôi thủy sản, các xí nghiệp được phẩm...
Công trình "Thiết kế chế tạo phao báo hiệu hàng hải bằng vật liệu mới PPC (Copolyme Polypropylen Polystone P) ứng dụng công nghệ cao” của tác giả Nguyễn Kim Sơn và cộng sự (Công ty cổ phần công nghệ James Boat). Công trình đã thiết kế, chế tạo thành công phao báo hiệu hàng hải từ vật liệu PPC dạng tấm, có các tính chất sử dụng cao; tính sáng tạo thể hiện ở chỗ lựa chọn vật liệu do chưa có sản phẩm tương tự từ vật liệu này.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: KTĐT
Công trình "nghiên cứu xây dựng công thức bào chế một số sản phẩm thuốc dạng lỏng chứa trong bao bì PVC/PE (nhóm sản phẩm 1)" của tác giả Trần Thị Phương Thảo và cộng sự (Công ty Cổ phần dược phẩm CPC1 Hà Nội). Công nghệ này đã loại bỏ hoàn toàn các nhược điểm trong quy trình sản xuất thuốc tiêm thủy tinh truyền thống. Việc ứng dụng vào sản xuẩt các thuốc dung dịch vô khuẩn cũng là xu hướng phù hợp với sự phát triển của xã hội trong và ngoài nước.
Bà Hà Hoàng Yến, Đại diện Quỹ Vifotec Việt Nam cho biết, năm 2019, Giải thưởng có nhiều đổi mới theo hướng tích cực. Cụ thể, theo Quyết định số 484/2019/QĐ-LLHVN, Quy chế Giải thưởng sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam sẽ được ban hành, trong đó nhấn mạnh các thành viên đoạt giải ngoài tiền thưởng theo quy định, còn được tặng thêm Bằng khen và Biểu trưng vàng sáng tạo.
Theo Thông tư 27/2018/TT- BTC ngày 21/3/2018, mức Giải thưởng sẽ được tăng gần gấp đôi so với những năm trước. Theo đó, giải Nhất là 80 triệu đồng; giải Nhì là 60 triệu đồng; giải 3 là 40 triệu đồng và giải Khuyến khích là 20 triệu đồng.
Cũng tại sự kiện, TS Trần Danh Lợi, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội đã tuyên bố phát động Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ năm 2019. TS Trần Danh Lợi đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước động viên khuyến khích và giúp đỡ các đơn vị, cá nhân có đề tài, công trình tham dự Giải thưởng.
Đồng thời khẳng định, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cùng các sở, ban, ngành, động viên số lượng lớn đề tài, công trình có giá trị cao về khoa học và ứng dụng thực tiễn, tham gia Giải thưởng; thực hiện tốt kế hoạch đã đề ra, đảm bảo đúng ngày 15/10/2019 các công trình đã lựa chọn được gửi dự thi Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam 2019.
Liên kết nguồn tin: http://vietq.vn/trao-giai-thuong-sang-tao-khoa-hoc-cong-nghe-viet-nam-cho-3-cong-trinh-d160809.html