Thứ ba, 25/06/2019 20:40 GMT+7

Hội thảo hệ thống chính sách và quy hoạch phát triển ngành năng lượng Việt Nam

Sáng 25/6, tại TP.Hồ Chí Minh, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH&CN) phối hợp với Cục Năng lượng Hàn Quốc và các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo “Hệ thống chính sách và quy hoạch phát triển năng lượng Việt Nam”. Đây là hoạt động trong khuôn khổ “Diễn đàn công nghệ và năng lượng Việt Nam năm 2019” diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh từ ngày 25-27/6/2019 tại TP. Hồ Chí Minh.

Tham dự Hội thảo có Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ Trần Thị Hồng Lan, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam Phạm Xuân Đà, Chủ tịch Trung tâm năng lượng tái tạo Hàn Quốc Sang-Hoon Lee cùng đông đảo các doanh nghiệp và nhà đầu tư tham dự.

Hội thảo “Hệ thống chính sách và quy hoạch phát triển năng lượng Việt Nam” được tổ chức nhằm giới thiệu đến các cơ quan quản lý có liên quan, các tổ chức nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp các thông tin tổng quan về chính sách năng lượng tái tạo của Việt Nam, triển vọng năng lượng Việt Nam cũng như giới thiệu về kinh nghiệm xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển ngành năng lượng tái tạo của Chính phủ Hàn Quốc trong thời gian qua.
 


Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ Trần Thị Hồng Lan cho biết, trong thời gian qua, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ đã có nhiều hoạt động hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài nhằm xúc tiến các hoạt động chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam. Nhiều công nghệ mới, tiên tiến của nước ngoài đã được Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ tập hợp, giới thiệu cho các tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam và một số công nghệ đã được chuyển giao thành công góp phần nâng cao năng lực công nghệ cũng như hiệu quả sản xuất cho các doanh nghiệp Việt Nam.

“Hiện nay, ngoài việc giới thiệu và chuyển giao các công nghệ mới trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh thì các công nghệ ứng dụng trong việc bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, các công nghệ tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo, quản lý và giám sát tiêu thụ năng lượng cũng được Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ quan tâm tìm kiếm, giới thiệu và chuyển giao. Thông qua các hoạt động này chúng tôi nhận thấy rằng sự quan tâm và nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp đối với vấn đề phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên và môi trường đang tăng lên một cách nhanh chóng”, bà Trần Thị Hồng Lan cho hay.
 


Bà Trần Thị Hồng Lan phát biểu khai mạc

Tại Hội thảo có 5 báo cáo tham luận được trình bày tập trung vào các nội dung: giới thiệu về triển vọng năng lượng Việt Nam, tổng quan về chính sách năng lượng tái tạo của Việt Nam; giới thiệu về kinh nghiệm xây dựng hệ thống chính sách năng lượng tái tạo của Hàn Quốc, giới thiệu tổng quan về chương trình năng lượng tái tạo của Trung tâm năng lượng tái tạo thuộc Cục Năng lượng Hàn Quốc nhằm triển khai và hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo tại Hàn Quốc; giới thiệu về Mạng lưới tư vấn tài chính tư nhân PFAN - là mạng lưới toàn cầu về đầu tư tài chính cho các dự án năng lượng sạch và chống biến đổi khí hậu, do Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) và Chương trình đối tác năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng (REEEP) triển khai.

Các diễn giả là các nhà quản lý, các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia diễn đàn cho rằng, tiềm năng của năng lượng tái tạo như thủy điện, phong điện, năng lượng mặt trời của Việt Nam có tiềm năng rất lớn và đã được Chính phủ ban hành nhiều chính sách để thu hút đầu tư trong nhiều năm qua.

Với điều kiện về địa lý, khí hậu, Việt Nam được đánh giá là nước có tiềm năng để phát triển nguồn năng lượng tái tạo, có khả năng thay thế nguồn năng lượng hóa thạch, giảm thiểu tác động tới môi trường. Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là một trong số 14 nước trên thế giới đứng đầu về tiềm năng thủy điện. Hiện nay, Việt Nam có trên 120.000 trạm thủy điện, với tổng công suất ước tính khoảng 300MW. Ngoài ra, Việt Nam có tiềm năng về năng lượng gió khá lớn, với đường biển trải dài khiến lưu lượng gió dồi dào, tổng tiềm năng ước đạt 513.360 MW. Về năng lượng mặt trời, với lợi thế là một trong những nước nằm trong dải phân bố ánh nắng mặt trời nhiều nhất trong năm trên bản đồ bức xạ của thế giới, Việt Nam có rất nhiều thuận lợi để khai thác nguồn năng lượng này. Thực tế, trong vòng 2 năm trở lại đây chúng ta đã và đang chứng kiến sự phát triển bùng nổ trong lĩnh vực năng lượng mặt trời với cơ chế hỗ trợ của nhà nước ngày càng thiết thực hơn.

Theo số liệu của Bộ Công thương, hiện có hơn 330 dự án điện mặt trời đã và đang chờ phê duyệt, bổ sung vào quy hoạch điện. Trong đó, 121 dự án đã được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch điện quốc gia và cấp tỉnh, với tổng công suất phát điện đến năm 2020 là 6.100 MW và 2030 là 7.200 MW. Trên thực tế, đến cuối năm 2018, trên phạm vi cả nước có khoảng hơn 100 dự án điện mặt trời đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tổng công suất nguồn điện từ năng lượng tái tạo (không kể các nhà máy thuỷ điện cỡ vừa và lớn) đã chiếm 2,1% tổng công suất toàn hệ thống. Đến năm 2030 Việt Nam có khả năng phát triển khoảng 30.000 MW điện mặt trời bên cạnh các nguồn năng lượng tái tạo khác như thủy điện nhỏ (8.000MW), điện gió (200MW), điện sinh khối (3.000MW).

Về mặt chính sách, Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo giai đoạn 2015 - 2030, xét đến 2050 được Chính phủ Việt Nam duyệt vào tháng 9/2015 đã đưa ra các mục tiêu cụ thể, theo đó lượng điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tăng từ mức 58 tỷ kWh năm 2015 lên 101 tỷ kWh năm 2020, 186 tỷ kWh năm 2030 và 452 tỷ kWh năm 2050. Về tương đối, tỷ trọng điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tăng từ 35% năm 2015 lên mức 38% năm 2020 và 43% năm 2050. Tới năm 2020, cả nước cần khoảng 60.000 MW công suất điện, năm 2030 là 129.000 MW. Như vậy, Việt Nam cần có thêm khoảng 6.000 - 7.000 MW mỗi năm. Việc phát triển năng lượng tái tạo cũng giúp Việt Nam giảm được 60% nhiên liệu nhập khẩu, đồng thời giảm rủi ro từ biến động giá nhiên liệu. Đầu tư vào năng lượng tái tạo cũng có thể tạo ra hơn 465.000 việc làm mới từ năm 2017 - 2030 (theo McKinsey & Company).

Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, tiềm năng của năng lượng tái tạo trong nước chưa phát triển xứng tầm. Để khai thác tiềm năng này, ngoài các chính sách hỗ trợ, ưu đãi, vấn đề kết nối giao thương, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm từ các hiệp hội, doanh nghiệp trong, ngoài nước là cần thiết và sớm được thực thi.

Vấn đề sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo song song với tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng trong sản xuất nhằm giảm chi phí và giảm thiểu sự tác động tiêu cực đối với môi trường đang là một vấn đề cấp thiết. Với các thông tin cập nhật về chính sách của Việt Nam cũng như những chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và phát triển hệ thống chính sách về năng lượng tái tạo tại Hàn Quốc được giới thiệu tại Hội thảo đã nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu tham dự và sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển hài hòa và bền vững của ngành công nghiệp năng lượng tái tạo nước ta.

Diễn ra song song cùng với Hội thảo là Triển lãm công nghệ lĩnh vực năng lượng và năng lượng tái tạo với 50 gian hàng của 40 tập đoàn công nghiệp, trung tâm công nghệ, doanh nghiệp trong và ngoài nước./.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ

Lượt xem: 4222

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)