Quang cảnh Diễn đàn Phụ nữ và Tương lai của nền kinh tế xanh.
Nền kinh tế xanh, theo Tổ chức Môi trường Liên hợp quốc, là nền kinh tế với lượng khí thải carbon thấp, sử dụng tài nguyên hiệu quả và phát triển xã hội toàn diện. Nền kinh tế xanh hướng đến cải thiện đời sống con người và công bằng xã hội, trong khi giảm đáng kể rủi ro về môi trường và sự suy kiệt về sinh thái. Đây là chủ đề đang được các chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ thảo luận sôi nổi thời gian gần đây.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, phụ nữ thuộc nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề. Phụ nữ chiếm tới 70% trong số 1,3 tỷ người sống dưới mức 1 đô la Mỹ một ngày. Phụ nữ cũng có xu hướng phụ thuộc nhiều hơn vào các nguồn tài nguyên chung như nước, lương thực hay tài nguyên rừng và dễ bị tổn thương nhiều hơn trước các tác động của suy thoái tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, do những định kiến về giới, hiện nay vai trò của phụ nữ vẫn chưa được ghi nhận đúng trong phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế xanh.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng khẳng định: “Việc hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế có ý nghĩa rất quan trọng trong thực hiện bình đẳng giới, thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội”.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN khẳng định việc hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế có ý nghĩa rất quan trọng trong thực hiện bình đẳng giới, thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội.
Hiện nay, vấn đề biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, Việt Nam đang là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu tại khu vực châu Á -Thái Bình Dương. Điều này đặt ra những thách thức lớn về việc phát triển bền vững, nhưng cũng đồng thời đem đến cơ hội để cải tiến công nghệ, ứng phó với biển đổi khí hậu và nâng cao năng lực cạnh tranh trong công cuộc đổi mới chung trên toàn thế giới.
Trước hiện trạng đó, Việt Nam và cộng đồng quốc tế cần phối hợp hành động với những ý tưởng mới và tư duy sáng tạo để tạo ra sự thay đổi. Một trong những chiến lược hàng đầu hiện nay là phát triển nền kinh tế xanh ít phát thải carbon, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, sử dụng hiệu quả năng lượng, tạo ra việc làm và đảm bảo công bằng xã hội. Để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần huy động sự tham gia của toàn xã hội, trong đó các nữ doanh nhân, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có cơ hội tham gia bình đẳng vào cộng đồng doanh nghiệp để đưa ra các giải pháp đổi mới sáng tạo và ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo ra các tác động tích cực đến môi trường, kinh tế và xã hội tại Việt Nam.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết thêm: Nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng nền kinh tế xanh, trong những năm qua Hội Liên hiệp phụ nữ đã thực hiện nhiều sáng kiến hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, trong đó có Dự án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp 2017- 2025 nhằm nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, chú trọng đến chủ doanh nghiệp là nữ. Những hoạt động này đã góp phần nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh.
Thông qua Dự án “Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu”, Bộ KH&CN và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã tổ chức Cuộc thi Chứng minh ý tưởng năm 2019, hướng trọng tâm vào chủ đề “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh” nhằm hỗ trợ các doanh nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ lãnh đạo phát triển và chuyển giao các công nghệ xanh, sạch.
Bà Elisa Fernandez, Trưởng văn phòng UN Women phát biểu tại diễn đàn.
Phát biểu tại diễn đàn, bà Elisa Fernandez, Trưởng Văn phòng UN Women tại Việt Nam cho rằng, khó có thể xóa bỏ đói nghèo, gia tăng sự thịnh vượng và phát triển bển vững nếu “phụ nữ không được trao quyền và tham gia đầy đủ trong nền kinh tế”. Cần xóa bỏ những rào cản, khuyến khích phụ nữ tham gia vào nền kinh tế xanh bằng cách củng cố các hệ thống chính sách, thúc đẩy cải cách, đảm bảo điều kiện lao động tốt cho phụ nữ. “UN Women cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực này” - bà khẳng định.
Trong suốt diễn đàn, các đại biểu đến từ các cơ quan nghiên cứu, các doanh nghiệp đã tập trung thảo luận thực trạng của nền kinh tế xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu; cơ hội và thách thức đối với sự tham gia và hưởng lợi của phụ nữ trong nền kinh tế xanh; những rào cản từ định kiến xã hội và môi trường chính sách đến sự nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ nói chung và doanh nhân nữ ở Việt Nam nói riêng. Đồng thời, các đại biểu đã phân tích tình hình hiện tại, đưa ra bài học và giải pháp nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ trong sản xuất và kinh doanh “xanh”.
Diễn đàn đã góp phần tạo ra sự liên kết giữa các nhà hoạch định chính sách, các doanh nhân, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sạch, cộng đồng các nhà tài trợ trong và ngoài nước để chia sẻ, học hỏi, đối thoại, nhằm tăng cường vai trò và vị thế của các doanh nhân nữ, doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo để họ có thể đóng góp tốt nhất vào sự phát triển nền kinh tế xanh và mục tiêu phát triển bền vững trên toàn cầu.
Triển lãm “Khát vọng khởi nghiệp xanh” được trưng bày tại Diễn đàn