Thứ tư, 29/05/2019 15:24 GMT+7

Trục liên thông văn bản quốc gia: Bước cơ bản cho quá trình chuyển đổi số của Chính phủ

Việc triển khai chính thức Trục liên thông văn bản quốc gia sẽ là bước cơ bản cho quá trình chuyển đổi số của Chính phủ. Đây cũng là bước để chúng ta hình thành một nền điều hành Chính phủ không giấy tờ, giúp nâng cao hiệu suất công việc và tiết kiệm chi phí cho xã hội.


Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng và lãnh đạo các đơn vị của VPCP sử dụng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc trên thiết bị di động IPAD

 

Từ tháng 3/2018, tức là từ chuyến đi đầu tiên Thủ tướng giao cho Văn phòng Chính phủ (VPCP) cùng Bộ TT&TT và một số doanh nghiệp lớn về CNTT trong nước khảo sát về việc xây dựng Chính phủ điện tử và nền kinh tế số của một số quốc gia thành công trên thế giới, Chính phủ đã và đang có những bước chuyển hết sức mạnh mẽ trong khâu chỉ đạo, điều hành cũng như thực hiện.

Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử đã được thành lập trên cơ sở kiện toàn Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT và do Thủ tướng trực tiếp làm Chủ tịch Ủy ban, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là Phó Chủ tịch, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP là Uỷ viên thường trực kiêm Tổng thư ký.

Với tinh thần lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ trực tiếp, Ủy ban đã có nhiều quan điểm rất cải cách khi xây dựng Chính phủ điện tử giai đoạn mới này và đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành một số văn bản pháp lý quan trọng làm nền tảng cho quá trình thực hiện chuyển đổi số khu vực công trên toàn quốc.

Năm 2019, mục tiêu mà Chính phủ chỉ đạo và VPCP đang hết sức nỗ lực thúc đẩy là: Hoàn thành Trục liên thông văn bản quốc gia, tiến tới là nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu số quốc gia; vận hành Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (eCabinet); ra mắt Cổng dịch vụ công quốc gia được kết nối, liên thông với tất cả các cổng dịch vụ công của các bộ, địa phương để theo dõi tiến trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.

Có thể nói, trong bối cảnh các phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc của các bộ, ngành, địa phương được triển khai trên nhiều nền tảng kỹ thuật công nghệ khác nhau, phát triển trên các hệ điều hành khác nhau, chưa được kết nối với nhau, việc xây dựng Trục liên thông văn bản quốc gia có chức năng kết nối, liên thông các phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc của các bộ, ngành, địa phương là hết sức cần thiết.

Điều này sẽ giúp Chính phủ giảm đáng kể chi phí gửi, nhận văn bản giấy và thời gian gửi, nhận văn bản giữa các cơ quan nhà nước hàng năm, góp phần hỗ trợ thay đổi tác phong làm việc từ nền hành chính dựa trên văn bản giấy sang nền hành chính văn bản điện tử; đồng thời góp phần đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT - một trong những đơn vị có vai trò quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ và vận hành Trục liên thông văn bản quốc gia cho biết: “Ý tưởng về trục liên thông văn bản quốc gia đã được hình thành từ vài năm trước và việc triển khai chính thức Trục liên thông văn bản quốc gia sẽ là bước cơ bản cho quá trình chuyển đổi số của Chính phủ. Đây cũng là bước để chúng ta hình thành một nền điều hành Chính phủ không giấy tờ.

Trục liên thông văn bản quốc gia cũng sẽ giúp tăng năng suất hiệu quả hoạt động của chính quyền trong việc gửi, nhận các văn bản và qua đó giảm được chi phí, chính quyền hoạt động, điều hành hiệu quả hơn rất nhiều”.

Chính phủ 4.0 không thể thiếu cán bộ 4.0

Trong những tháng đầu năm 2019, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng liên tiếp chủ trì các cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương để thúc đẩy tiến độ triển khai kết nối Trục liên thông văn bản quốc gia.

Tại các cuộc làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP luôn nhấn mạnh việc xây dựng Chính phủ điện tử phải gắn liền với vai trò của người đứng đầu, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, với quyết tâm chính trị, thống nhất quan điểm “Hành động nhanh, kết quả lớn, làm đâu chắc đấy”; “nghĩ lớn, nghĩ tổng thể nhưng bắt đầu từ những việc nhỏ nhất”.

Người đứng đầu VPCP cũng luôn nhắc nhở các nhân sự VPCP cùng Tổ công tác nghiên cứu về Chính phủ điện tử và các bộ, ngành, địa phương về mục đích của việc xây dựng Trục liên thông văn bản quốc gia nhằm xây dựng hệ thống điện tử thông suốt, kết nối và liên thông văn bản điện tử, dữ liệu điện tử từ Chính phủ đến bộ, ngành, địa phương; tạo lập môi trường điện tử để người dân giám sát và đóng góp cho hoạt động của chính quyền các cấp; đồng thời thúc đẩy và nâng cao vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên, ước mơ nền hành chính không giấy tờ khó có thể chạm tay vào nếu không có hành động thực sự quyết liệt. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, còn nhiều cán bộ, công chức vẫn còn muốn giữ thói quen làm việc giấy tờ chứ không sử dụng, ứng dụng CNTT, vì họ không muốn từ bỏ quyền lợi, đặc ân của mình riêng có. Chần chừ, “câu giờ” trong áp dụng công nghệ hiện đại là để tránh bị kiểm soát, giám sát.

Tuy nhiên, với nền hành chính hiện đại và quản trị thông minh, chúng ta không chấp nhận việc đó. Bởi ứng dụng CNTT, áp dụng nền hành chính không giấy tờ là tất yếu của sự phát triển. Bởi nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “nếu chúng ta không hội nhập, không cải cách, đặc biệt là áp dụng CNTT mà trước hết là xây dựng Chính phủ điện tử thì chúng ta sẽ chậm phát triển, thậm chí tụt hậu”.

Chính phủ 4.0 không thể thiếu cán bộ 4.0. Do đó, bản thân mỗi cán bộ phải tự đổi mới chính mình đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và coi đó là nguyên tắc bắt buộc của cán bộ, công chức khi thực thi công vụ, anh không làm không được, anh phải chịu trách nhiệm, nếu không làm nổi nữa sẽ mời ra khỏi vị trí.

Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, cần đề cao vai trò của người đứng đầu, bởi trong mọi vấn đề, nếu có sự tích cực, quyết liệt từ người đứng đầu thì triển khai rất hiệu quả. Việc xây dựng Chính phủ điện tử là triển khai đồng bộ từ trên xuống dưới, nếu ở đâu có có một mắt xích không tròn trịa thì sẽ ách tắc toàn bộ cả quá trình.

Về phía người dân, doanh nghiệp cũng cần có sự thay đổi, từ việc quen mang hồ sơ giấy tờ đến trực tiếp, không quan tâm đến kết nối mạng, kết nối điện tử thì phải thay đổi cách tiếp cận, vì nếu chỉ có thay đổi từ phía cán bộ thì cũng không thể có hiệu quả./.


Liên kết nguồn tin: http://baochinhphu.vn/Utilities/PrintView.aspx?distributionid=360933

 

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ

Lượt xem: 3747

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)