Thứ tư, 29/05/2019 11:18 GMT+7
Hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học với phát triển bền vững Cù Lao Chàm
Ngày 26-5, tại xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An (Quảng Nam), Viện địa lý (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) phối hợp với UBND thành phố Hội An tổ chức Hội thảo khoa học đề tài độc lập cấp Nhà nước: "Luận cứ khoa học nhằm hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn đa dạng sinh học với sinh kế bền vững và phát triển kinh tế - xã hội ở Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An".
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm điểm đến hấp dẫn du khách
Tại hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra nhiều nghiên cứu độc lập cho rằng, trước đây từng có những quan điểm chưa chuẩn xác về công tác quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học ở các khu bảo tồn; cũng như việc thiết lập vùng đệm, vùng phục hồi sinh thái gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn giá trị truyền thống chưa chú trọng đã gây áp lực lên sinh quyển.
Theo các nhà nghiên cứu, hiện tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm là số ít đảo của cả nước còn giữ được thảm thực vật có độ che phủ rừng đến 70%; đây cũng là nơi có hệ sinh thái biển phong phú về thành phần loài và đa dạng nhóm thực vật trong hệ san hô và thảm cỏ biển.
Qua khảo sát năm 2018, độ phủ của san hô sống tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm tăng lên nhiều lần so 31% trong năm 2008. Đặc biệt, hệ sinh thái vùng cửa sông ngày càng được bảo vệ, giữ gìn đang mang lại sự trù phú cho cư dân Cù Lao Chàm.
GS Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia chương trình con người và sinh quyển Việt Nam cho rằng, Cù Lao Chàm - Hội An tuy là Khu dự trữ sinh quyển thế giới được công nhận sau nhiều nơi khác, nhưng 10 năm qua đã đạt được nhiều kết quả đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội; nhất là chính quyền địa phương đã biết gắn bảo tồn với phát triển và phát triển cho bảo tồn; tạo ra sự hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn đa dạng sinh học với sinh kế bền vững và phát triển kinh tế - xã hội ở Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm...
Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra những áp lực của hoạt động phát triển kinh tế, du lịch lên bảo tồn đa dạng sinh học ở Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm...
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu cũng nêu lên mô hình du lịch sinh thái dựa vào bảo tồn đa dạng sinh học tại xã Cẩm Thanh và mô hình đồng quản lý phục hồi rạn san hô tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm có sự tham gia của công đồng và doanh nghiệp…
Liên kết nguồn tin: http://nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/vi-moi-truong-xanh/item/40322702-hai-hoa-giua-bao-ton-da-dang-sinh-hoc-voi-phat-trien-ben-vung-cu-lao-cham.html