Cuộc thi được tổ chức nhằm phát huy giá trị sản phẩm nông nghiệp Vùng Đông Nam Bộ thông qua ứng dụng các giải pháp đột phá, có tính thực tiễn theo nhu cầu xã hội; Xây dựng mạng lưới liên kết giữa những tổ chức, cá nhân trong sản xuất nông nghiệp qua thông tin và truyền thông về các mô hình, giải pháp ứng dụng có hiệu quả và tiềm năng phát triển. Đồng thời, chuyển tải thông tin đến các cơ quan quản lý nhà nước, từ đó kiến nghị thực hiện các giải pháp, chính sách nhằm hỗ trợ, bảo hộ các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp mang lại giá trị cho phát triển xã hội Vùng Đông Nam Bộ.
Ông Phạm Xuân Đà - Cục trưởng Cục Công tác phía Nam phát biểu tại buổi họp.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Xuân Đà - Cục trưởng Cục Công tác phía Nam (Bộ KH&CN), Trưởng Ban chỉ đạo Cuộc thi cho biết, Cuộc thi hướng đến đối tượng là các tổ chức, cá nhân đã có những giải pháp, mô hình được ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp (các giải pháp sản xuất mới, các mô hình mang lại hiệu quả và lợi nhuận phù hợp, các loại cây trồng phù hợp thổ nhưỡng địa phương có tính kinh tế cao). Đồng thời khuyến khích các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa trong canh tác nông nghiệp, phân phối sản phẩm, nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa (các phần mềm chỉ dẫn địa lý, các chương trình mô phỏng điều kiện môi trường dự báo hiệu quả trong canh tác nông nghiệp). Cùng với đó, khuyến khích các mô hình có tính lan tỏa trong cộng đồng, mang lại hiệu quả truyền thông và tính liên kết vùng (các mô hình thanh niên khởi nghiệp, các mô hình liên kết tiêu thụ và phân phối sản phẩm giữa các địa phương, các mô hình hợp tác doanh nghiệp - nhà nước).
Sản phẩm tham dự Cuộc thi là những mô hình, giải pháp đã được ứng dụng vào thực tiễn trong lĩnh vực nông nghiệp và chưa được trao giải trong các cuộc thi quy mô cấp vùng hoặc cao hơn. Cụ thể như: Ứng dụng cơ khí, kỹ thuật, tự động hóa trong nông nghiệp; ứng dụng điện, điện tử trong nông nghiệp; sản phẩm nông nghiệp sáng tạo, phục vụ y tế, giáo dục; sản phẩm, phụ liệu nông nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp; ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp và các ứng dụng khác gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp.
“Các sản phẩm dự thi phải đảm bảo tính sáng tạo, ứng dụng thành công trong thực tiễn và đặc biệt là khả năng lan toả”, ông Đà nhấn mạnh.
Theo ông Đà, với những ý nghĩa mang tính thiết thực, Cuộc thi không chỉ dừng lại trong năm nay mà chắc chắn sẽ được duy trì và tiếp tục phát triển trong nhiều năm tới.
Các sản phẩm dự thi sẽ trải qua 3 vòng xét duyệt gồm vòng sơ kết (tác giả dự thi gửi hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện về Ban tổ chức cuộc thi tại Sở KH&CN các tỉnh từ nay đến hết tháng 6/2019); vòng bán kết (xét duyệt và đánh giá tại Cục Công tác phía Nam, Bộ KH&CN); và vòng chung kết (đánh giá và xét duyệt trao giải).
Kết thúc Cuộc thi, Ban Tổ chức sẽ trao 01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 03 giải Ba, 09 giải Khuyến khích. Các sản phẩm sau khi xét chọn vào vòng Chung kết sẽ được tổ chức bình chọn và trao giải tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến vào ngày 20/9/2019. Mỗi tác giả có tối đa 10 phút thuyết trình sản phẩm của mình trước hội đồng giám khảo. Thông tin chi tiết về Cuộc thi tại website: http://sangtaotrongtamtay.vn.