Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng tại buổi họp Ban Điều hành Đề án 844, diễn ra chiều 9/5/2019 tại Hà Nội. Buổi họp do Thứ trưởng Trần Văn Tùng chủ trì với sự tham gia của đông đảo đại diện các cơ quan, đoàn thể như Ban Kinh tế Trung ương, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Ngân hàng Nhà nước, cùng đại diện các Bộ, ngành, các Sở KH&CN tại địa phương như Đà Nẵng, TP. HCM và đại diện các tập đoàn, hiệp hội có liên quan.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng khẳng định: “Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đã và đang dần tạo lập được nền tảng bền vững và có từng bước phát triển mạnh mẽ”.
Kết quả bước đầu từ những nỗ lực xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo
Minh chứng cho sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo (KNST), ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN), cho biết: “Năm 2018, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp có sự gia tăng về số lượng và chất lượng so với năm 2016, hiện nay số lượng các không gian làm việc tăng hơn 50% với khoảng 70 khu. Có khoảng 40 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh đang hoạt động trên cả nước, cũng như gần 40 quỹ đầu tư có hoạt động tại Việt Nam.”.
Ông Quất cũng nhấn mạnh sự cải thiện rõ rệt về chất lượng các doanh nghiệp KNST, mà cụ thể được minh chứng bằng số lượng vốn đầu tư liên tục tăng từ năm 2016 tới nay, đặc biệt năm 2018 đã thu hút tới 890 triệu đô la Mỹ, cao gấp hơn 3 lần so với năm 2017. Cùng với đó, làn sóng đầu tư vào thị trường KNST Việt Nam đang có xu hướng tăng, đặc biệt từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ. Một số mối liên kết ban đầu khác cũng đã hình thành giữa Việt Nam với các đối tác quốc tế như Singapore, Thái Lan, Malaysia… nhằm hỗ trợ KNST Việt Nam.
Đặc biệt, về cơ chế chính sách, Đề án 844 đã đóng góp tích cực trong việc đề xuất, phối hợp với các cơ quan chức năng hình thành những hành lang pháp lý đặc thù đầu tiên cho hoạt động KNST, hoạt động đầu tư và hỗ trợ cho KNST, ví dụ như Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (năm 2017), Luật Chuyển giao Công nghệ 2017 và các văn bản hướng dẫn liên quan về việc đăng ký, thành lập, hoạt động, ưu đãi thuế của quỹ đầu tư cho KNST, quy định về các hoạt động hỗ trợ từ phía nhà nước cho doanh nghiệp KNST…
Ngoài ra, Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia www.startup.gov.vn đã xây dựng được cơ sở dữ liệu tương đối đồ sộ về nhiều nội dung phục vụ KNST. Hàng năm, sự kiện Ngày hội khởi nghiệp ĐMST quốc gia do Bộ KH&CN tổ chức đã thu hút được hàng trăm chuyên gia và nhà đầu tư (với hơn 40% là người nước ngoài); Tổng giá trị kết nối đầu tư từ sự kiện qua các năm lên đến cả chục triệu đô la Mỹ; Số lượng startup tham dự tăng đáng kể (năm 2018 có tới 600 startup tham dự các chương trình).
Tại các địa phương, tính đến nay có tổng số 42 tỉnh, thành phố đã triển khai hoặc phê duyệt kế hoạch triển khai Đề án 844. Đà Nẵng là một ví dụ. Theo Giám đốc Sở KH&CN Đà Nẵng Thái Bá Cảnh, Đà Nẵng đã hỗ trợ 6 vườn ươm, gần 10 không gian làm việc chung và phối hợp với Bộ KH&CN trong việc tổ chức Techfest Vietnam 2018, qua đó khẳng định quyết tâm của địa phương thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo đến người dân không chỉ tại Đà Nẵng mà còn toàn miền Trung.
Toàn cảnh Họp ban điều hành Đề án 844.
Còn nhiều việc phải làm để kiến tạo môi trường thuận lợi cho KNST
Có thể nói, dù những kết quả nêu trên đã minh chứng cho những nỗ lực hỗ trợ hệ sinh thái KNST giai đoạn vừa qua là đúng hướng, xong nhìn nhận từ phía các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trên cả nước cho thấy, hệ sinh thái KNST Việt Nam vẫn còn những vướng mắc cơ bản của một hệ sinh thái mới hình thành.
Trong dự thảo Báo cáo tổng kết Kế hoạch triển khai Đề án 844 năm 2019 trình bày tại buổi họp, 05 nhóm nhiệm vụ lớn được đưa ra bao gồm: Thu hút nguồn lực hỗ trợ KNST; Nâng cao năng lực các chủ thể của hệ sinh thái KNST; Tạo lập môi trường, điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp KNST; Tăng cường và kết nối hoạt động của các cá nhân, đơn vị hỗ trợ và truyền thông cho KNST; và Nâng cao hiệu quả quản lý về KNST.
Theo đó, các các đại biểu tập trung thảo luận xung quanh vấn đề về việc tạo môi trường thuận lợi cho KNST. Theo nhận định chung của các đại biểu tham dự, một số quy định về cơ chế chính sách còn chưa rõ ràng, khó triển trên thực tế. Bà Nguyễn Phi Vân - Chủ tịch mạng lưới nhà đầu tư thiên thần Việt Nam, cho rằng vẫn còn khoảng cách về cơ chế của Việt Nam hiện nay (đặc biệt là đối với các nhà đầu tư) với các nước có hệ sinh thái KNST phát triển. Bà Vân đề xuất thông qua Đề án 844, hỗ trợ các hoạt động kết nối mạng lưới nhà đầu tư này, thông qua đó có thể đưa nhà đầu tư nước ngoài về làm việc trực tiếp tại Việt Nam. Một khi đã thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài về Việt Nam sẽ thu hút các nhà đầu tư Việt Nam tham gia đầu tư cho KNST trong nước.
Một số ý kiến cũng cho rằng, Đề án 844 cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để tham mưu, đề xuất Chính phủ chỉ đạo việc thực hiện các giải pháp về cơ chế chính sách, hành lang pháp lý nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và quốc tế cho KNST, như các cơ chế thử nghiệm chính sách, ưu đãi thuế, mô hình gọi vốn cộng đồng, cơ chế mua sắm công... hay các cơ chế đặc thù hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST tại địa phương.
Bên cạnh những nội dung đào tạo cho các doanh nghiệp KNST, vẫn còn tồn tại những thách thức trong công tác nâng cao năng lực các chủ thể khác của hệ sinh thái. Nhiều đại biểu cho rằng, các thành viên trong Ban Điều hành cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa, tận dụng tối đa thế mạnh của mỗi cơ quan, đơn vị.
Từ góc độ các doanh nghiệp, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội cũng cho rằng, cần có một đầu mối thông tin để các startup thuận lợi trong quá trình tiếp cận các chương trình, đề án, chính sách từ cơ quan quản lý. “Hiện tại có quá nhiều đầu mối về KNST, khiến cộng đồng khởi nghiệp không xác định được nguồn chính xác và thuận tiện để nhận các hỗ trợ” - ông Lương Minh Huân, Phó Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp (VCCI) nhận định.
Các đại hiểu cũng tập trung thảo luận về việc tăng cường các hoạt động kết nối, tạo sân chơi quốc tế cho doanh nghiệp KNST. Bám sát chỉ đạo từ Công văn số 1128/TTg-ĐMDN của Thủ tướng Chính phủ về thu hút đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ các nguồn trong và ngoài nước, các đại diện tham dự đồng thuận với quan điểm Bộ KH&CN là cần tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để triển khai các nhiệm vụ đặc thù như: phối hợp với các bên để tổ chức các buổi hội thảo, trao đổi thường xuyên với các tập đoàn lớn trong nước và nước ngoài nhằm thu hút đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST; Kết nối với thị trường quốc tế thông qua mạng lưới đại diện khoa học công nghệ Việt Nam ở nước ngoài; Hỗ trợ hoạt động tổ chức, tham gia sự kiện trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy liên kết giữa cộng đồng khởi nghiệp ĐMST trong nước và cộng đồng khởi nghiệp ĐMST quốc tế.
Về việc phối hợp tổ chức sự kiện trọng điểm trong năm nay là Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest Vietnam 2019), bà Nguyễn Phi Vân đề xuất có thể đưa Hội nghị thượng đỉnh các nhà đầu tư thiên thần Đông Nam Á vào Techfest. Ông Chu Bá Long - đại diện Sở KH&CN TP.HCM cũng đưa ra phương án phối hợp giữa Techfest và Tuần lễ khởi nghiệp sáng tạo của TP.HCM vào tháng 10. Ông Bùi Văn Linh - đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khuyến khích việc kết nối các thành quả của Đề án 1165 (hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp) tại Techfest để tận dụng sức mạnh thông tin cũng như tối ưu hóa nguồn lực.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng ghi nhận ý kiến đóng góp của các bên và đề nghị các cơ quan tham gia Ban Điều hành cần phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn, sớm thông qua Kế hoạch triển khai Đề án 844 giai đoạn 2019-2020, đồng thời triển khai hoàn tất tuyển chọn các đơn vị thực hiện nhiệm vụ năm 2020 trong tháng 6 tới đây, nhằm nhanh chóng đạt được các mục tiêu đề ra về hỗ trợ Hệ sinh thái KNST quốc gia phát triển mạnh mẽ, bền vững và đi vào thực chất./.