Ngày 19/4/2019, tại Quảng Ninh, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức “Diễn đàn phát triển hạ tầng đo lường quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Tham dự diễn đàn có các đồng chí: Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ KH&CN; Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh; cùng 200 đại biểu là đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ KH&CN, Văn phòng Chính phủ, ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương; doanh nghiệp, tập đoàn và đại diện của các sở KH&CN trong cả nước.
Toàn cảnh Diễn đàn
Phát triển hạ tầng đo lường quốc gia để tăng sức cạnh tranh
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, đo lường là một lĩnh vực khoa học - kỹ thuật chính xác, là hoạt động không thể thiếu, có vai trò quan trọng đối với đời sống kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, nghiên cứu khoa học, an ninh và quốc phòng. Điều này đã trở thành chuẩn mực quốc tế và ở Việt Nam và được khẳng định tại Sắc lệnh số 8/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh ký năm 1950. Đo lường thống nhất và chính xác góp phần đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân trong các giao dịch kinh tế, dân sự; sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư, năng lượng; đảm bảo an toàn; bảo vệ sức khoẻ và môi trường; thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước; và là công cụ đắc lực góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại Diễn đàn
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước của ngành KH&CN, thời gian qua, Bộ KH&CN đã hoàn thiện Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đo lường, gồm Luật Đo lường, 02 Nghị định, 08 Thông tư và ban hành Hệ thống 298 văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam tương thích với các tổ chức đo lường quốc tế như Tổ chức đo lường pháp định quốc tế (OIML), Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) và Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế (IEC), ...
Việt Nam đã là thành viên của 04 tổ chức quốc tế và khu vực về đo lường, đã tham gia một số Ban kỹ thuật/tiểu ban kỹ thuật của các tổ chức đo lường quốc tế và được quốc tế thừa nhận khả năng đo và hiệu chuẩn đối với nhiều phép đo... Đây là cơ sở pháp lý và kỹ thuật để thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp tham gia thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, hệ thống các cơ quan nhà nước về đo lường có thẩm quyền đã được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương. Hệ thống các tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường trên địa bàn cả nước đã được xác lập và phát triển với hơn 350 tổ chức được cấp giấy chứng nhận, trên 3000 kiểm định viên đã và đang kiểm định khoảng 32 triệu phương tiện đo thuộc Danh mục phương tiện đo nhóm 2 bắt buộc phải kiểm định, hiệu chuẩn trên phạm vi cả nước. Những số liệu nêu trên minh chứng cho tầm quan trọng cũng như tiềm lực đã có của lĩnh vực Đo lường đối với đời sống kinh tế - xã hội của nước ta.
Cũng theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, mặc dù có nhiều tiềm lực nhưng thời gian qua việc phát triển hạ tầng đo lường quốc gia vẫn còn gặp nhiều thách thức. “Với trọng trách là tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ xây dựng, sửa đổi, bổ sung và ban hành những cơ chế chính sách mới thiết thực với mục tiêu hỗ trợ và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, Ngành KH&CN nhận thức sâu sắc rằng doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, là đối tượng chuyển hóa kết quả, thành tựu KH,CN và ĐMST thành sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của nền kinh tế. Chúng tôi đã và đang tập trung cải tiến, nâng cao chất lượng, năng lực đối với các công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu phục vụ doanh nghiệp như là tiểu chuẩn đo lường chất lượng; sở hữu trí tuệ; công nghệ và đổi mới sáng tạo,… để phù hợp với điều kiện phát triển trong nước và tương thích với chuẩn mực quốc tế, trong đó chú trọng đến lĩnh vực Đo lường”, Bộ trưởng khẳng định.
Phát biểu tại Diễn đàn, đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh, thông tin khái quát về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua. Đồng chí cũng khẳng định, cần tiếp tục quan tâm, phát triển hạ tầng đo lường quốc gia để đổi mới đảm bảo chất lượng đo lường trong thương mại, công nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đo lường, hỗ trợ các doanh nghiệp. Đây cũng là công cụ đắc lực góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu phát biểu tại Diễn đàn
Năm 2025, sẽ có ít nhất 200 phép đo hiệu chuẩn được quốc tế thừa nhận
Ngày 10/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 996/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Đề án 996). Nhiệm vụ chính của Đề án 996 là hướng tới mục tiêu phát triển hạ tầng đo lường quốc gia theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế và nhu cầu bảo đảm đo lường chính xác cho hoạt động của doanh nghiệp, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam…
Nhằm triển khai Đề án, Bộ KH&CN tổ chức “Diễn đàn phát triển hạ tầng đo lường quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” nhằm chia sẻ, bàn luận về những nội dung liên quan đến các chính sách tạo thuận lợi hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường phát triển hạ tầng đo lường quốc gia; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đo lường; triển khai công tác hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa,... đi đến thống nhất chung về định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật đo lường từ cấp quốc gia đến cấp Bộ ngành, địa phương theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế và nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho hoạt động doanh nghiệp, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, phù hợp với quy hoạch phát triển Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp.
Cụ thể theo Đề án 996, đến năm 2025, sẽ phát triển hạ tầng đo lường quốc gia đáp ứng công nhận đủ 41 chuẩn đo lường quốc gia theo quy hoạch; công nhận ít nhất 200 phép đo hiệu chuẩn được quốc tế thừa nhận; thống nhất chung định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật đo lường từ cấp quốc gia đến cấp bộ ngành, địa phương; Phát triển được ít nhất 100 chất chuẩn, chuẩn đo lường, phương tiện đo các loại; bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường ít nhất 10.000 cán bộ tham gia hoạt động đo lường; triển khai Chương trình đảm bảo đo lường ít nhất 50.000 doanh nghiệp; triển khai áp dụng bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường ít nhất 1000 phòng thí nghiệm được công nhận trong cả nước cho các lĩnh vực đo lường.
Đến năm 2030 sẽ phát triển hạ tầng đo lường quốc gia đáp ứng công nhận ít nhất 300 phép đo hiệu chuẩn được quốc tế thừa nhận; phát triển ít nhất 250 chất chuẩn, chuẩn đo lường, phương tiện đo các loại; bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường ít nhất 20.000 cán bộ tham gia hoạt động đo lường; triển khai Chương trình đảm bảo đo lường ít nhất 100.000 doanh nghiệp; áp dụng bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường ít nhất 2000 phòng thí nghiệm được công nhận trong cả nước cho các lĩnh vực đo lường...
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về phát triển hạ tầng đo lường quốc gia, từ góc nhìn thực tế về hiện trạng, cách tiếp cận vấn đề một cách khoa học; đề ra các giải pháp để thực hiện hiệu quả Đề án 996 cũng như tăng cường huy động các nguồn lực xã hội phát triển hạ tầng đo lường quốc gia và doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc sâu rộng hiện nay./.