Tham dự sự kiện có Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh; Ngài Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam; bà Christina Thormaehlen, Giám đốc Dự án An toàn và Thanh sát hạt nhân, Ủy ban châu Âu; các chuyên gia châu Âu; đại diện các Bộ, ngành có liên quan của Việt Nam và phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, tiếp nối thành công của Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao khung pháp lý về an toàn hạt nhân và tăng cường năng lực cho cơ quan pháp quy về hạt nhân của Việt Nam và trung tâm hỗ trợ kỹ thuật của cơ quan pháp quy” (Dự án VN3.01/09) được thực hiện trong giai đoạn 2012 - 2015, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện Dự án VN3.01/13 cho giai đoạn 2016 - 2019. Có thể nói, Dự án VN3.01/13 là sự tiếp nối cần thiết, kế thừa được những thành công của Dự án VN3.01/09 giai đoạn trước và mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các Cơ quan pháp quy về hạt nhân của Việt Nam.
Bộ trưởng nhận định, nhìn lại quá trình 3 năm triển khai Dự án VN3.01/13, có thể thấy tất cả các hoạt động đề ra đã được thực hiện đúng tiến độ và các kết quả đạt được đáp ứng mục tiêu đặt ra ban đầu đối với Dự án, góp phần hoàn thiện dự thảo một số văn bản Quy phạm pháp luật quan trọng về an toàn hạt nhân, thanh sát hạt nhân và ứng phó sự cố; bước đầu xây dựng Hệ thống quản lý tích hợp theo chuẩn mực quốc tế tiên tiến và kế hoạch phát triển nguồn nhân lực, phù hợp với chức năng quản lý nhà nước của Cục ATBXHN. Có thể khẳng định những thành tựu đạt được của Dự án đã góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả cho cơ quan pháp quy hạt nhân Việt Nam.
Bộ trưởng tin tưởng, với những kết quả tích cực đã đạt được từ Dự án, hai Bên sẽ tiếp tục phát huy tinh thần hợp tác chặt chẽ, hướng tới việc xây dựng các dự án hợp tác giữa Việt Nam với EU, cũng như đẩy mạnh sự tham gia của Việt Nam trong các dự án khu vực của EU dành cho Đông Nam Á trong thời gian tới.
Nhân Hội nghị truyền thông cho Dự án VN3.01/13 này, Bộ trưởng cũng bày tỏ sự cảm ơn trân trọng tới Liên minh Châu Âu đã tài trợ cho Dự án, đồng thời bày tỏ sự cảm ơn đối với hỗ trợ nhiệt tình, hiệu quả của các chuyên gia trong và ngoài nước, các nhân viên của Dự án trong suốt thời gian qua.
Ngài Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Ngài Đại sứ Bruno Angelet cho biết, trong thời gian qua Liên minh châu Âu và Việt Nam đã có mối quan hệ hết sức tốt đẹp trong nhiều lĩnh vực không chỉ lĩnh vực hạt nhân mà còn hợp tác về thương mại, năng lượng, đầu tư và an ninh quốc phòng. Không chỉ trong bối cảnh chung hợp tác song phương giữa EU và Việt Nam, chúng tôi cũng hết sức mong muốn Việt Nam, một quốc gia thành viên ASEAN, sẽ tiếp tục tham gia cùng chúng tôi trong hợp tác giữa hai khối để đảm bảo quan hệ hợp tác phát triển tốt đẹp trong nhiều lĩnh vực.
Ngài Đại sứ nhấn mạnh, qua dự án này, chúng tôi mong muốn hỗ trợ Việt Nam với mục tiêu nâng cao năng lực của cơ quan pháp quy hạt nhân của Việt Nam có đủ năng lực cần thiết để quản lý lĩnh vực này cùng các nước trong khu vực. Trong thời gian tới, chúng ta sẽ còn tiếp tục phối hợp hợp tác nhiều vấn đề trong lĩnh vực hạt nhân không chỉ an ninh mà còn các vấn đề khác như xử lý chất thải, ứng dụng trong y tế,.. và trong tương lai có thể là điện hạt nhân. Cuối cùng, Đại sứ khẳng định tiềm năng hợp tác khổng lồ giữa hai bên trong lĩnh vực khoa học công nghệ và mong muốn tiếp tục hỗ trợ cho Việt Nam.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, Ngài Đại sứ Bruno Angelet chụp ảnh kỷ niệm với các chuyên gia EC và Lãnh đạo Cục ATBXHN
Dự án VN.3.01/13 là Dự án tiếp theo của Dự án EC VN3.01/09 (2012-2015), hợp tác đầu tiên giữa EU với Việt Nam trong lĩnh vực an toàn hạt nhân theo Chương trình hợp tác về an toàn hạt nhân của Liên minh Châu Âu (INSC). Dự án được thực hiện trong 3 năm từ 2016-2019 giúp hỗ trợ Cục ATBXHN đối mặt với những thách thức lớn một cách kịp thời, và có đủ kinh nghiệm và năng lực cần thiết để quản lý an toàn hạt nhân theo các tiêu chuẩn và thực tiễn một cách phù hợp nhất.
Mục tiêu tổng thể của Dự án VN.3.01/13 là nâng cao năng lực và tính hiệu quả của cơ quan pháp quy Việt Nam, Cục ATBXHN, và tổ chức hỗ trợ kỹ thuật của Cục trong việc quản lý an toàn hạt nhân tuân theo các tiêu chuẩn và thực tiễn tốt nhất.
Đại diện Lãnh đạo Cục ATBXHN và chuyên gia EC trả lời câu hỏi của phóng viên về kết quả của Dự án
Trong quá trình triển khai Dự án (từ tháng 5/2016 đến nay), do chiến lược phát triển điện hạt nhân của Việt Nam có sự thay đổi (theo Nghị quyết số 31/2016 ngày 22/11/2016 của Quốc hội về dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận), Cục ATBXHN và EU đã phối hợp điều chỉnh một số nội dung của Dự án để phù hợp với tình hình mới. Cụ thể, Dự án tập trung vào 6 nhiệm vụ (Task): Xây dựng văn bản pháp luật, Hệ thống quản lý chất lượng, Đánh giá an toàn kỹ thuật, Nguồn nhân lực, Thanh sát hạt nhân và Minh bạch và Thông tin công chúng.
Sau 3 năm triển khai Dự án, tất cả các hoạt động đề ra đã được thực hiện đúng tiến độ và các kết quả đạt được đáp ứng mục tiêu đặt ra ban đầu đối với Dự án, góp phần hoàn thiện dự thảo một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng về an toàn hạt nhân, thanh sát hạt nhân và ứng phó sự cố; bước đầu xây dựng Hệ thống quản lý tích hợp theo chuẩn mực quốc tế tiên tiến và kế hoạch phát triển nguồn nhân lực, phù hợp với chức năng quản lý nhà nước của Cục ATBXHN.
Những thành tựu đạt được của Dự án đã góp phần nâng cao năng lực và tính hiệu quả cho cơ quan pháp quy hạt nhân Việt Nam (Cục ATBXHN) và tổ chức hỗ trợ kỹ thuật của Cục. Với những kết quả tích cực đã đạt được từ Dự án, Cục ATBXHN tin tưởng rằng hai Bên sẽ tiếp tục phát huy tinh thần hợp tác chặt chẽ, hướng tới việc xây dựng các dự án hợp tác giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu, cũng như đẩy mạnh sự tham gia của Việt Nam trong các dự án khu vực của EU dành cho Đông Nam Á trong thời gian tới./.