Nhiều thành tựu trong phát triển thị trường KH&CN
Theo thống kê của UBND TP Hà Nội, trong giai đoạn từ 2012-2017, thành phố đã triển khai được 493 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN). Trong đó, lĩnh vực KH&CN 322 đề tài, khoa học xã hội và nhân văn 94 đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm là 59 dự án. Hiệu quả ứng dụng của các đề tài, dự án vào thực tiễn ngày càng tăng, 5 đề tài đoạt giải VIFOTEC; 22 sản phẩm đăng ký sáng chế, sở hữu công nghiệp; cấp 22 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm đặc sản của các làng nghề truyền thống; 201 quy trình công nghệ;
Góp phần đào tạo 27 Tiến sĩ và 160 Thạc sĩ; thiết kế, chế tạo 12 mẫu, sản phẩm mới; 13 loại thuốc mới; 10 giống vật nuôi, cây trồng mới đưa vào sản xuất; 10 sản phẩm vật liệu mới phục vụ sản xuất cây trồng, vật nuôi; thiết kế, chế tạo 33 máy móc, dây chuyền thiết bị mới; đề xuất xây dựng 13 tiêu chuẩn, quy phạm mới; 15 luận chứng kinh tế kỹ thuật; đề xuất 14 cơ chế, chính sách mới và 219 giải pháp mới; 12 bản đồ số GIS trên các lĩnh vực…
Kết quả của các công trình nghiên cứu khoa học đã góp phần thúc đẩy đổi mới công nghệ và năng suất, chất lượng trong các ngành, lĩnh vực cũng như năng lực quản lý của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, nhận thức rõ thị trường KH&CN là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế thị trường, có vai trò then chốt trong việc tạo môi trường thúc đẩy hoạt động sáng tạo, đổi mới công nghệ; nâng cao năng lực KH&CN quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước.
Cũng trong Chiến lược phát triển KH&CN của TP Hà Nội đến năm 2020, thị trường KH&CN được xác định là một trong những nội dung trọng tâm để đẩy mạnh phát triển kinh tế, kinh tế tri thức, đổi mới mô hình tăng trưởng. Đồng thời xây dựng chính quyền đô thị, ứng dụng các thành tựu công nghệ hiện đại từ cuộc CMCN 4.0 để hoàn thành hệ thống quản lý quy hoạch đô thị Thủ đô…
PGS.TS Lê Văn Hoạt cho rằng việc phát triển thị trường KH&CN tại Hà Nội dù có nhiều chuyển biến nhưng vẫn còn tồn tại không ít những hạn chế. Ảnh: KTĐT
Phát biểu tại Hội thảo khoa học “Phát triển thị trường KHCN gắn với đổi mới sáng tạo của Thủ đô”, TS Lê Văn Hoạt, Nguyên Phó Chủ tịch thường trực HĐND TP Hà Nội, thị trường KH&CN Thủ đô thời gian qua đã có nhiều chuyển biến nhưng nhìn chung vẫn phát triển chậm chạp, chưa được như mong đợi.
Trong đó, nổi bên 7 hạn chế chính bao gồm: Sự thiếu gắn kết khoa học - công nghệ chưa thực sự bám sát và để phục vụ những yêu cầu của thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội; các sản phẩm khoa học - công nghệ thường chưa hoàn thiện, tính mới mẻ, hiện đại, có khả năng sẵn sàng cung cấp cho thị trường rất ít, khó áp dụng vào thực tiễn; Thông tin về thị trường khoa học - công nghệ còn yếu và thiếu hệ thống; Hệ thống tổ chức trung gian (môi giới, tư vấn, giám định, đánh giá, kiểm tra, kiểm định…) còn yếu và chưa khẳng định được vai trò kết nối;
Các tổ chức nghiên cứu và phát triển và các doanh nghiệp khoa học - công nghệ phát triển chưa nhiều; Còn thiếu những định chế tài chính và những cơ chế chính sách liên quan đến việc định giá, hỗ trợ tài chính cho các tổ chức và cá nhân hoạt động khoa học - công nghệ; Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Thủ đô đang thiếu những cơ quan tư vấn, hỗ trợ; thiếu những định chế tài chính và cơ chế chính khách khuyến khích, nâng đỡ; khó khăn trong kết nối giới khoa học và doanh nghiệp, doanh nhân.
“Đến tháng 6/2018 trên địa bàn đã có 242.137 doanh nghiệp đã thành lập và đang hoạt động. Tính đến tháng 9/2018 Hà Nội mới cấp Giấy chứng nhận cho 45 doanh nghiệp KH&CN (trong tổng số 350 doanh nghiệp KH&CN của cả nước; đứng thứ 2 sau thành phố Hồ Chí Minh với 62 doanh nghiệp KH&CN). Tuy vậy, số doanh quan tâm thành lập quỹ đầu tư cho hoạt động KHCN chưa nhiều” ông Hoạt nói bày tỏ.
Gắn KH&CN với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Theo ông Lê Văn Hoạt, việc phát triển KH&CN phải gắn với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) bởi đây là hình thức khởi nghiệp gắn liền với sản phẩm của KH&CN, là khởi nghiệp theo cách tư duy mới, mô hình mới, hình thức kinh doanh mới, công nghệ mới, sản phẩm mới… khác biệt với cái cũ, cách làm truyền thống.
Do các sản phẩm có tính đột phá, sáng tạo nên các doanh nghiệp KNĐMST hầu hết đều phải dựa vào và sử dụng công nghệ mới để tạo ra tính cạnh tranh về sản phẩm dịch vụ so với các doanh nghiệp truyền thống. Đây là tiêu chí quan trọng tạo ra sự khác biệt giữa một doanh nghiệp KNĐMST và doanh nghiệp lập nghiệp.
Tuy nhiên, ông Hoạt nói thêm rằng, hiện nay, Việt Nam chưa có số liệu thống kê riêng về doanh nghiệp KNĐMST. Hơn nữa, chính khái niệm doanh nghiệp KNĐMST vẫn còn tương đổi mới và thường bị nhầm lẫn với hoạt động thành lập doanh nghiệp mới.
Liên quan tới vấn đề trên, PGS. TS Nguyễn Thành Công - Viện nghiên cứu kinh tế xã hội Hà Nội cũng cho rằng, phát triển thị trường KH&CN gắn với hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Thủ đô sẽ góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đóng góp vào quá trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững.
PGS.TS Nguyễn Thành Công cũng cho rằng để việc phát triển thị trường KH&CN, KNĐMST có hiệu quả, việc hoàn thiện thể chế, chính sách là yếu tố hàng đầu. Trong đó, hoàn thiện hệ thống chính sách về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ và cạnh tranh, đảm bảo phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong các định chế quốc tế và khu vực; hoàn thiện chính sách đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển thị trường KH&CN, trọng tâm là cơ chế, chính sách đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển các tổ chức trung gian và thúc đẩy nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp…
Liên kết nguồn tin: http://vietq.vn/phat-trien-thi-truong-khcn-phai-gan-lien-voi-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-d150952.html