Thứ tư, 14/11/2018 15:32 GMT+7

Triển khai truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm trọng điểm và đặc sản vùng miền

Đó là một trong những nội dung nằm trong Đề án tổng thể triển khai, áp dụng và quản lý tem truy xuất nguồn gốc đang được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) tích cực hoàn thiện.

Trước những vấn nạn như hàng giả, hàng nhái, hàng lưu thông không rõ nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm chứa chất cấm, độc hại ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người tiêu dùng… truy xuất nguồn gốc (TXNG) trở thành vấn đề quan tâm chung từ góc độ quản lý đến người tiêu dùng. Để làm rõ hơn vai trò của TXNG đối với việc quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã có trao đổi xung quanh vấn đề này.



Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

 

Thưa ông, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc trong thời gian qua đã được triển khai như thế nào?

Thực tế qua qua khảo sát về tình hình triển khai hoạt động TXNG trên thị trường Việt Nam cho thấy: Về phía doanh nghiệp bao gồm cả DN triển khai áp dụng hệ thống TXNG và DN cung cấp dịch vụ giải pháp hệ thống TXNG đã rất tích cực và chủ động nghiên cứu xây dựng và triển khai hệ thống TXNG để đáp ứng yêu cầu thị trường, nhằm bảo vệ hình ảnh, sản phẩm của chính họ.

Về phía chính quyền, các cơ quan quản lý đã có sự chung tay như TP.HCM đã tiên phong trong việc triển khai các chương trình TXNG với sản phẩm là thịt heo, rau, củ quả. Về phía Bộ KH&CN cũng nhận được các đề xuất và kế hoạch của các tỉnh, thành phố như Bến Tre, Huế, Quảng Nam về triển khai hệ thống TXNG đối với các sản phẩm đặc sản vùng miền. Tại một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP.HCM một số các DN đã chủ động triển khai hệ thống TXNG. Đặc biệt TP.HCM các loại thịt heo, rau, củ quả đã phổ biến được TXNG có mã QR.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc TXNG vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể như Hệ thống TXNG ở Việt Nam hiện nay thường không có khả năng tham gia vào hệ thống TXNG khác hay như việc áp dụng tem truy xuất chưa được thực hiện thống nhất. Nguyên nhân tình trạng này là gì?

Nguyên nhân cơ bản cơ bản của các vấn đề trên là các hệ thống TXNG hiện nay phát triển tự phát, chưa bài bản và chưa có sự thống nhất quản lý. Các hệ thống TXNG hiện nay đặc biệt là hệ thống TXNG của các bên phát triển giải pháp và cung cấp dịch vụ hệ thống TXNG chủ yếu sử dụng các mã nội bộ để định danh đối tượng TXNG và tem TXNG dẫn đến nguy cơ trùng mã cao, không có khả năng tương thích, trao đổi, chia sẻ dữ liệu truy xuất giữa các hệ thống với nhau.

Xin ông cho biết, hệ thống TCVN, QCVN về MSMV liên quan tới TXNG tại Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu với thực tiễn hay chưa?

Qua rà soát sơ bộ, có thể đánh giá rằng hiện tại hệ thống các TCVN về MSMV đã cơ bản đáp ứng được các yêu cầu về TXNG. Cụ thể đã có TCVN về các loại mã số phân định của GS1 có thể sử dụng để định danh đối tượng cần truy xuất trong hệ thống TXNG. Đã có TCVN về các loại mã vạch hóa dữ liệu thường sử dụng trên tem TXNG như mã vạch EAN/UPC, GS1-128, QR Code, cũng như quy chuẩn về chất lượng mã vạch.

Bên cạnh đó, đã có TCVN về yêu cầu đối với hệ thống TXNG thực phẩm được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn của ISO, cũng như hàng loạt các tài liệu hướng dẫn áp dụng TXNG ứng dụng tiêu chuẩn của GS1 cho sản phẩm cụ thể: rau, thịt bò…

Tại dự thảo Đề án Tổng thể về triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG Bộ KH&CN đề xuất cần phải thực hiện xây dựng Cổng thông tin TXNG quốc gia, ông lý giải vì sao lại có đề xuất này?

Xây dựng Cổng thông tin TXNG quốc gia là sự cần thiết và 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của Đề án. Đề xuất xây dựng Cổng thông tin TXNG quốc gia, Bộ KH&CN muốn hướng đến có một Cổng thông tin TXNG quốc gia về tiêu chuẩn, tài liệu, văn bản quy định, hướng dẫn về TXNG…, đặc biệt Cổng còn là nơi cảnh báo sản phẩm bị sự cố và hỗ trợ các hệ thống TXNG khác nhau có thể liên kết và trao đổi thông tin TXNG.

Vậy Đề án này sẽ tập trung ở những sản phẩm và địa phương nào?

Đề án xác định ưu tiên triển khai TXNG đối với 3 nhóm sản phẩm trọng điểm gồm: Nhóm sản phẩm về Y tế; Thực phẩm và sản phẩm, vật tư nông nghiệp; Sản phẩm công nghiệp nhẹ. Tuy nhiên, không phải bắt buộc triển khai TXNG đối vưới tất cả các sản phẩm thuộc nhóm trên. Đề án nêu rõ các Bộ ngành quản lý nhóm sản phẩm sẽ xem xét và đề xuất các sản phẩm cụ thể triển khai TXNG, ngoài ra có thể đề xuất các sản phẩm ngoài 3 nhóm trên nếu thực sự thấy cấp thiết.

Đề án nhằm triển khai hoạt động TXNG một cách tổng thể và trên phạm vi cả nước. Trước hết với các tỉnh thành khuyến khích các cấp chính quyền, địa phương tham gia và hỗ trợ triển khai TXNG đối với các sản phẩm trọng điểm và các đặc sản vùng miền.

Xin cảm ơn ông!

Liên kết nguồn tin: http://vietq.vn/trien-khai-truy-xuat-nguon-goc-doi-voi-cac-san-pham-trong-diem-va-dac-san-vung-mien-d150978.html

Nguồn: vietq.vn

Lượt xem: 5750

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)