Thứ năm, 18/06/2009 09:42 GMT+7

Cần tăng tiềm lực cho các sở khoa học công nghệ

Bộ Khoa học và Công nghệ đã kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, xin gia hạn thời gian chuyển đổi mô hình hoạt động của các tổ chức Khoa học và Công nghệ thêm 2-4 năm

Bộ cũng kiến nghị, giao cho Bộ Tài chính chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng tiền lương và hoạt động bộ máy nằm trong hoạt động Khoa học và Công nghệ (KHCN) kể cả nhiệm vụ nghiên cứu và nhiệm vụ thường xuyên do chức năng của các tổ chức KHCN. Đề nghị lãnh đạo các địa phương sử dụng đúng kinh phí từ ngân sách phát triển KH đầu tư cho các địa phương, tăng cường quyền lực cho các tổ chức KHCN.

Nhiều bộ, ngành thực hiện tốt

Bộ Công thương là đơn vị dẫn đầu trong khối các bộ ngành TƯ về thực hiện Nghị định 115 và Nghị định 80. Về cơ bản, các đề án thực hiện đã được phê duyệt đúng thời hạn (đến tháng 12.2006). Đa số các tổ chức KHCN của Bộ khi chuyển sang cơ chế tự chủ đã từng bước bắt kịp với cơ chế thị trường, các nghiên cứu đã gắn kết được với sản xuất kinh doanh, làm tăng doanh thu và thu nhập của người lao động lên 2 lần so với trước đó.

Bộ Công thương có 23 tổ chức KHCN thuộc đối tượng chuyển đổi thì tới nay đã có 2 tổ chức KHCN thực hiện theo khoản 3, Điều 4, Nghị định 115; 17 tổ chức chuyển đổi sang cơ chế tự trang trải kinh phí theo khoản 2, Điều 4, Nghị định 115 và các đề án này đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó, có 2 tổ chức KHCN đã chuyển đổi thành doanh nghiệp KHCN theo Nghị định 80. Nhiều đơn vị của Bộ Công thương sau khi chuyển đổi đã có hoạt động hiệu quả như: Viện Nghiên cứu Da giày tăng tài sản từ 21,9 tỉ đồng năm 2006 lên 32,2 tỉ đồng năm 2008; Viện Hoá học Công nghiệp tăng nguồn thu từ đấu thầu, tuyển chọn các nhiệm vụ khoa học năm 2007 là 4,5 tỉ đồng lên 13,9 tỉ đồng năm 2008; Viện Khoa học Công nghệ mỏ đã tăng kinh phí hoạt động từ 34,2 tỉ đồng năm 2006 lên 282,5 tỉ đồng năm 2008.

Việc chuyển đổi tổ chức và hoạt động theo Nghị định 115 và 80 tại các viện, trung tâm nghiên cứu trong các trường đại học, cao đẳng trực thuộc bộ Giáo dục & Đào tạo (GDĐT) được bộ này đánh giá là có nhiều thuận lợi vì phần lớn các tổ chức đã hoạt động theo nguyên tắc lấy thu bù chi và không có biên chế quỹ lương sự nghiệp KHCN.

Bên cạnh đó, lãnh đạo các trung tâm đều là các nhà khoa học có uy tín, cán bộ giảng dạy kiêm nhiệm. Bộ có 2 viện trực thuộc, 78 trung tâm, 17 viện nghiên cứu trong các trường đại học, cao đẳng thuộc đối tượng chuyển đổi theo Nghị định 115; 2 doanh nghiệp chuyển đổi thành doanh nghiệp KHCN theo Nghị định 80.

Trong số 78 trung tâm nêu trên, có 7 trung tâm đã xây dựng đề án chuyển đổi, 36 trung tâm đang xây dựng đề án, 30 trung tâm chưa xây dựng và 3 trung tâm đang xác định mô hình chuyển đổi... Bộ GDĐT cho rằng, mặc dù còn khó khăn nhưng do các đơn vị đã hoạt động theo cơ chế tự đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên, nên khi đề án được phê duyệt, họ đã thực hiện ngay.

Tại các bộ, ngành còn lại, việc chuyển đổi cũng đang được thực hiện. Bộ Y tế tới nay đã có 3 tổ chức có đề án được phê duyệt, 13 tổ chức đang xây dựng và chờ phê duyệt đề án. Bộ Tài nguyên & Môi trường đã có 4 tổ chức có đề án được phê duyệt, 3 tổ chức đang xác định mô hình chuyển đổi. Bộ Xây dựng có 3 tổ chức đã phê duyệt đề án, 2 đề án đang chờ phê duyệt...

Nhiều sở KHCN còn e ngại

Tại các địa phương, Bộ KHCN cho biết, trong tổng số 128 tổ chức KHCN thuộc địa phương là đối tượng thực hiện Nghị định 115 có 43 tổ chức KHCN đã được phê duyệt đề án chuyển đổi (trong đó có 38 tổ chức chuyển sang cơ chế tự chủ, tự trang trải kinh phí). Đa số các tổ chức KHCN còn lại là các trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN hiện đang xây dựng đề án kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Bộ KHCN nhận định, về cơ bản, tiềm lực của các tổ chức KHCN thuộc địa phương còn hạn chế, chưa thể chuyển ngay sang cơ chế tự chủ, tự trang trải kinh phí nên còn có tư tưởng e ngại. Do đó tiến độ thực hiện còn chậm so với quy định.

Theo thống kê, TPHCM có 7 tổ chức KHCN cần thực hiện, trong đó có 5 đơn vị có đề án được phê duyệt. Đề án của 2 đơn vị còn lại sẽ được phê duyệt ngay trong năm nay. TP cho biết, các đơn vị sau khi chuyển đổi đều có thu nhập tăng như Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm năm 2008 tăng 15,5% so với 2007, Trung tâm Thông tin KHCN năm 2008 tăng 30% so với 2007.

TP. Hà Nội có 4 tổ chức KHCN thực hiện Nghị định 115 và các tổ chức này đã xây dựng đề án nhưng chưa được phê duyệt. TP Đà Nẵng có 5 tổ chức KHCN thuộc đối tượng áp dụng Nghị định 115. Trong đó, có 3 tổ chức đang hoạt động theo Nghị định 43/2206/NĐ-CP và 2 tổ chức chưa xác định mô hình chuyển đổi.

Thứ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân: Nên để các Sở KHCN làm đầu mối

"Các ngành và các địa phương có vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi thành công của các tổ chức KHCN. Bởi, ví dụ như Sở Nội vụ, Sở Tài chính quyết định chỉ tiêu biên chế và ngân sách hoạt động. Các sở khác như Sở NN&PTNT có rất nhiều tổ chức KHCN trực thuộc như các trung tâm khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư, khuyến lâm; hoặc Sở TNMT hay Sở Bưu chính Viễn thông có những cơ sở trực thuộc. Nếu các sở không phối hợp thì một mình Sở KHCN không thể thay đổi được tình thế.

Đầu mối giải quyết việc chuyển đổi mô hình hoạt động của các tổ chức KHCN ở các địa phương hiện nay lại giao cho Sở Nội vụ. Vì nhiều người cho rằng, đây là sự chuyển đổi cơ chế của một hệ thống các đơn vị sự nghiệp tại các địa phương. Tuy nhiên, Sở Nội vụ không nắm được đầy đủ tinh thần của Nghị định 115. Nên tôi cho rằng, nên để các Sở KHCN chủ trì, làm đầu mối chuyển đổi".

Lượt xem: 1117

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)