Thứ tư, 12/09/2018 14:05 GMT+7

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ: Việt Nam có nhiều thuận lợi để thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Tại Diễn đàn mở “ASEAN 4.0 cho tất cả? Làm thế nào để các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tranh thủ các cơ hội trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, các diễn giả đã trao đổi với đông đảo các bạn sinh viên về những cơ hội có thể tạo ra cho giới trẻ ASEAN phát huy năng lực sáng tạo, đi đến thành công trong quá trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bên lề Diễn đàn, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ KH&CN để hiểu thêm về vấn đề này.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy chia sẻ về những chính sách thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

 

PV: Diễn đàn mở do Bộ KH&CN chủ trì bàn về nội dung “Làm thế nào để các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tranh thủ các cơ hội trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Theo ông, doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam có những cơ hội gì?

Thứ trưởng Bùi Thế Duy: Hiện nay có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ đổi mới sáng tạo (ĐMST) tạo điều kiện thuận lợi đối với doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam như: Dự án IPP hợp tác với Chính phủ Phần Lan, Chương trình FIRST do Ngân hàng thế giới tài trợ, Chương trình BIPP hợp tác với Bỉ và đặc biệt là Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025 (Đề án 844). Những chương trình này đã góp phần đào tạo rất nhiều chuyên gia (còn gọi là mentor) để tư vấn cho các bạn khởi nghiệp, hoặc đào tạo T&T tức đào tạo giáo viên để đào tạo các giáo viên khác, hoặc chương trình đào tạo trực tiếp cho các bạn trẻ có ý tưởng sáng tạo, có kết quả nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm về kinh doanh, về marketing cũng như năng lực thuyết trình. Ngoài ra còn có các câu lạc bộ khởi nghiệp ĐMST trong các trường học, tổ chức thúc đẩy chuyển giao công nghệ để đưa công nghệ vào sản xuất.

Đề án 844 do Bộ KH&CN chủ trì đã được triển khai trong hơn một năm nay và một trong những nội dung rất quan trọng để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, đó là thúc đẩy tính kết nối. Những năm gần đây, Bộ KH&CN đã tổ chức rất nhiều sự kiện kết nối mà trọng tâm là Ngày hội Khởi nghiệp ĐMST quốc gia (Techfest Vietnam). Năm 2018, Techfest dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng 11 tại Đà Nẵng. Đây sẽ là nơi kết nối các bạn khởi nghiệp ĐMST với các nhà đầu tư, các vườn ươm, startup, doanh nghiệp, các khu thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST và cũng như nhiều đối tượng quan tâm khác như các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp trên toàn thế giới và trong khu vực. Qua các sự kiện kết nối này, các nhà đầu tư, các bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp, các vườn ươm có cơ hội tìm đến nhau và cùng đánh giá xem startup nào có khả năng phát triển. Cũng qua các sự kiện này, rất nhiều startup đã gọi vốn thành công từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã hình thành được rất nhiều vườn ươm doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Vinh. Ngoài ra, Bộ KH&CN đã tổ chức được các sự kiện liên kết hệ sinh thái quy mô vùng nhằm kết nối hoạt động khởi nghiệp giữa các địa phương trong vùng, nhờ đó, tinh thần khởi nghiệp lan rộng khắp cả nước.

 

PV: Tuy có nhiều chương trình hỗ trợ ĐMST như vậy nhưng cá nhân ông có cảm nhận là vẫn còn rào cản khiến cho hoạt động ĐMST còn khó khăn?

Thứ trưởng Bùi Thế Duy: Có lẽ một trong những khó khăn lớn nhất chính là nhận thức. Các bạn trẻ cần phân biệt được lập nghiệp với khởi nghiệp và khởi nghiệp ĐMST. Khái niệm startup trên thế giới tương ứng với khởi nghiệp ĐMST, có nghĩa là phải khởi nghiệp từ những ý tưởng mới, những mô hình mới, hình thức kinh doanh mới, những kết quả KH&CN mới để nhanh chóng phát triển doanh nghiệp và cạnh tranh trên toàn cầu. Còn lập nghiệp thông thường như mở một cửa hàng để bán hoặc làm lại một mô hình cũ mà không được nhân rộng hoặc phát triển thì sẽ khác hoàn toàn.

Bên cạnh đó, các bạn trẻ cũng cần thay đổi quan điểm về độ tuổi khởi nghiệp thành công. Ở Israel, độ tuổi trung bình của các startup là 40, tức nếu để khởi nghiệp thành công, phần lớn họ đã đi làm một thời gian đủ để tích lũy nhiều kinh nghiệm và khởi nghiệp, không phải ai mới ra trường đều cũng có thể sớm trở thành ông chủ.

Và một nhận thức nữa cũng rất quan trọng là tinh thần của xã hội nói chung, tinh thần của các bạn trẻ, tinh thần của các đối tượng liên quan nói riêng là phải biết “chấp nhận thất bại”. Đối với các nước đã thành công trong việc phát triển doanh nghiệp ĐMST, đó là họ tạo ra được “văn hóa chấp nhận thất bại”. Sau từng thất bại, doanh nghiệp sẽ đánh giá được hướng đi hiện tại và tìm những con đường tốt hơn cho tương lai, chính vì lẽ đó họ càng dễ được lựa chọn để đầu tư phát triển doanh nghiệp ĐMST. Điều này không phải dễ dàng trong suy nghĩ, tư duy của của người Việt Nam.

 

PV: Doanh nghiệp rất cần hỗ trợ của Chính phủ cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước. Vậy Bộ KH&CN đã có những chính sách gì để giúp doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0?

Thứ trưởng Bùi Thế Duy: Ở Việt Nam, doanh nghiệp được chia ra làm 4 nhóm. Thứ nhất là nhóm doanh nghiệp dẫn dắt, đi đầu như các tập đoàn lớn (của Nhà nước lẫn tư nhân). Nhóm 2 là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm trên 95%). Nhóm thứ 3 là các doanh nghiệp KH&CN và phát triển dựa trên các kết quả nghiên cứu KH&CN, trong đó có các doanh nghiệp công nghệ cao. Nhóm cuối cùng là các doanh nghiệp ĐMST. Để tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 nói riêng cũng như để thúc đẩy nâng cao năng lực khoa học, công nghệ và ĐMST, Bộ KH&CN có các chính sách khác nhau đối với mỗi một nhóm.

Đối với doanh nghiệp ĐMST, đặc biệt là doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới nhất để phát triển và có sức cạnh tranh với thế giới, Bộ KH&CN đã hỗ trợ các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học để họ thử nghiệm công nghệ. Bộ KH&CN cũng hỗ trợ các nhiệm vụ giúp họ liên kết với các viện nghiên cứu, trường đại học và phát triển hoàn thiện công nghệ, từ đó ứng dụng vào sản xuất và đời sống.

 

PV: Trong khuôn khổ Diễn đàn này, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã nói về mục tiêu “sẽ hướng ASEAN thành trung tâm đổi mới sáng tạo”. Ông nhận định thế nào về vai trò của giới trẻ trong việc thực hiện mục tiêu này?

Thứ trưởng Bùi Thế Duy: Trong khối ASEAN, các nước cần kết nối lại với nhau để thúc đẩy ĐMST, thúc đẩy ứng dụng và phát triển KH&CN. Việt Nam có những lợi thế nhất định, mặc dù Việt Nam vẫn là nước đi sau các nước như Singapore, Malaysia nhưng Việt Nam cũng là nước có nhiều thuận lợi về vị trí địa lý, đặc biệt là thuận lợi về sự nhiệt huyết của các bạn trẻ. Để Việt Nam có thể làm mắt xích quan trọng trong việc kết nối ASEAN và thúc đẩy ĐMST, thúc đẩy ứng dụng phát triển KH&CN, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, các bạn trẻ sẽ là trung tâm trong việc kết nối này. Việc các bạn trẻ giao lưu trao đổi với các bạn khác trong ASEAN cũng như trên toàn thế giới rất thuận lợi khi di chuyển sang Singapore hay Thái Lan để hình thành các startup của mình hay phối hợp với các bạn trẻ trong ASEAN để hình thành các startup ở nước đó. Các bạn trẻ hiện nay rất năng động, có thể chia sẻ trao đổi kinh nghiệm của nhau thông qua các sự kiện như Ngày hội Khởi nghiệp ĐMST của các quốc gia. Khi đó, chính các bạn sẽ góp phần thúc đẩy kết nối trong khối ASEAN, thúc đẩy ĐMST, thúc đẩy ứng dụng phát triển KH&CN, thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST./.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!

 

Ngày hội Khởi nghiệp ĐMST Việt Nam 2017 (Techfest Vietnam 2017). Trong ảnh: Các startup đoạt giải tại Cuộc thi chung kết Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 4389

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)