Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, lớp tập huấn chuyên sâu được thiết kế theo hướng đi sâu vào thực hành và trao đổi kinh nghiệm thực tiễn với các bài tập xử lý tình huống trên cơ sở hồ sơ đơn thực tế để các cán bộ có thể vận dụng trực tiếp vào công việc hằng ngày của mình nhằm thực hiện tốt công tác quản lý và thực thi tại địa phương.
Ông Đinh Hữu Phí phát biểu tại lớp tập huấn
Trong thời gian qua, công tác sở hữu công nghiệp có những bước phát triển quan trọng, thể hiện ở số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp không ngừng gia tăng, sự hiểu biết của công chúng về sở hữu công nghiệp ngày một nâng cao và hoạt động thực thi, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ - một vấn đề có tính chất quyết định trong hệ thống sở hữu trí tuệ của chúng ta, đang ngày càng được các cơ quan có trách nhiệm, các chủ thể quyền quan tâm cũng đã đạt được những kết quả khả quan.
Tính đến ngày 30/6/2018, Cục Sở hữu trí tuệ đã tiếp nhận 49.186 đơn các loại, trong đó: 29.594 đơn đăng ký xác lập quyền SHCN (tăng 9,37% so với cùng kỳ năm 2017), bao gồm: 2.846 đơn sáng chế; 220 đơn giải pháp hữu ích; 1.341 đơn kiểu dáng công nghiệp; 21.551 đơn đăng ký nhãn hiệu; 3.628 đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế chỉ định Việt Nam; 03 đơn chỉ dẫn địa lý; 5 đơn thiết kế bố trí mạch tích hợp và 23.153 đơn khác, trong đó có 100 đơn đăng ký quốc tế có nguồn gốc Việt Nam (6 đơn sáng chế, 94 đơn nhãn hiệu).
Bên cạnh các kết quả đạt được, Cục cũng phải đối mặt với những thách thức lớn. Lượng đơn đơn đăng ký sở hữu công nghiệp ngày càng tăng nhưng hệ thống công nghệ thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu xử lý đơn; hiệu quả hoạt động hỗ trợ thương mại hóa, khai thác quyền SHTT còn chưa cao. Các thách thức này đã và đang đặt ra những nhiệm vụ to lớn của Cục SHTT trước xã hội và Chính Phủ.
Cục SHTT cũng đang đặt ra những nhiệm vụ cấp bách đã và đang tập trung giải quyết như: Hoàn thiện hệ thống pháp luật về SHTT; Ban hành Chiến lược SHTT Quốc gia, đưa ra những định hướng tổng thể và chiến lược cho mọi hoạt động của hệ thống SHTT Việt nam; Đặc biệt chú trọng vào cải cách hệ thống quản lý SHTT, nâng cao năng lực của các hệ thống xác lập quyền, đáp ứng yêu cầu của người nộp đơn, doanh nghiệp và xã hội…đưa SHTT trở thành một công cụ đặc lực cho đổi mới sáng tạo và phát triển KT-XH.
“Để thực hiện các nhiệm vụ trong những năm tới, không ai khác trách nhiệm thuộc về chúng ta - các cán bộ thuộc hệ thống quản lý hoạt động SHCN trong cả nước, từ Trung ương đến địa phương”, ông Đinh Hữu Phí nhấn mạnh.
Với mục đích thường xuyên nâng cao năng lực quản lý, thực thi hoạt động SHCN của các cán bộ trong cả hệ thống, Cục Sở hữu trí tuệ thường xuyên định kỳ tổ chức các lớp tập huấn dành cho cán bộ các Sở KH&CN. Tháng 8 vừa qua lớp tập huấn kiến thức cơ bản về sở hữu trí tuệ dành cho cán bộ chuyên trách của các địa phương đã được tổ chức với sự tham gia của 60 cán bộ đến từ 27 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Lớp tập huấn tập trung vào các chuyên đề: Đánh giá tính phân biệt của Nhãn hiệu, những vấn đề cần lưu ý; Tra cứu thông tin và soạn thảo bản mô tả Sáng chế; Đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý.
Toàn cảnh lớp tập huấn