Thứ sáu, 17/08/2018 08:15 GMT+7

Giải pháp phát triển Chính phủ điện tử

Chính phủ điện tử (CPĐT) đang là xu thế của nhiều nước trên thế giới, với mục tiêu nâng cao hiệu quả điều hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn thông qua ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các hoạt động. Thời gian qua, phát triển CPĐT tại Việt Nam đã có kết quả bước đầu và cần tiếp tục triển khai hiệu quả hơn dựa trên nền tảng công nghệ, cơ sở pháp lý.

Báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc về chỉ số CPĐT 2018, Việt Nam xếp thứ 88, tăng một hạng so với lần xếp trước vào năm 2016. Liên hợp quốc xếp Việt Nam vào nhóm các quốc gia có chỉ số dịch vụ công trực tuyến và chỉ số tham gia điện tử ở mức cao. Qua đó cho thấy, Việt Nam đã có những kết quả bước đầu khi ứng dụng CNTT vào quá trình quản lý hành chính Nhà nước. Ngày 14-10-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 36a/NQ-CP nhằm đẩy mạnh phát triển CPĐT, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Thực hiện Nghị quyết nêu trên, nhiều địa phương đã ứng dụng CNTT trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, với các giải pháp xây dựng hệ thống công nghệ hiện đại như dữ liệu lớn, điện toán đám mây… Thí dụ, tại tỉnh Quảng Ninh, từ năm 2012 đã chủ động triển khai xây dựng CQĐT và các trung tâm hành chính công từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Sau 5 năm thực hiện, đã có hơn 400 đơn vị hành chính của tỉnh Quảng Ninh tham gia ứng dụng chính quyền điện tử, với trung bình hơn một triệu lượt văn bản trao đổi qua mạng hằng năm, tiết kiệm hơn 30 tỷ đồng chi phí hành chính mỗi năm. Theo báo cáo số 6170/BC-VPCP ngày 29-6-2018 của Văn phòng Chính phủ thì cả nước đã có gần 50.000 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Bên cạnh đó, có khoảng 50 bộ, ngành, địa phương đã ban hành kiến trúc CPĐT/chính quyền điện tử nhằm xác định lộ trình xây dựng phù hợp với mục tiêu phát triển.

Theo TS Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, trong giai đoạn vừa qua, việc xây dựng CPĐT được đẩy mạnh, nhiều chính sách, văn bản pháp lý được ban hành. Bên cạnh đó, những công nghệ phát triển CPĐT tại Việt Nam do các công ty và người Việt Nam làm chủ, thực hiện, có các nhà cung cấp giải pháp về CPĐT. Tuy nhiên, hiện nay những chương trình về CPĐT vẫn rời rạc, riêng lẻ ở từng bộ, ngành, địa phương, chưa có kết nối tổng thể nhằm tạo nền tảng nâng cao hiệu quả điều hành của Chính phủ, bảo đảm chất lượng dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp. Việc ứng dụng CNTT để xử lý, trao đổi văn bản điện tử trong nội bộ các cơ quan và giữa các cơ quan nhà nước còn hạn chế, nhiều đơn vị chưa chấp nhận giao dịch qua thư điện tử. Thông tin, dữ liệu từ các bộ, ngành, địa phương chưa được chia sẻ, trao đổi thông suốt trong quá trình thực hiện quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công.

 Nhiều chuyên gia công nghệ cho rằng, một trong những nguyên tắc cơ bản của CPĐT là chia sẻ thông tin, dữ liệu và vận hành trên một nền tảng tích hợp. Để thực hiện CPĐT, cần có quy định về chia sẻ dữ liệu, bảo vệ thông tin cá nhân, lưu trữ điện tử, văn bản điện tử, các quy định về chuẩn hóa thông tin… Nghị định số 102/2009/NĐ-CP về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và Quyết định 80/2014/QĐ-TTg quy định thí điểm về thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước có một số quy định không còn phù hợp khi công nghệ thay đổi. Bên cạnh đó, cơ chế tài chính hỗ trợ phát triển CPĐT chưa phù hợp với đặc thù ngành ứng dụng CNTT. CPĐT cần được xây dựng theo hướng đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; thực hiện định danh điện tử, coi dữ liệu là tài sản quan trọng khi phát triển hệ thống và bảo đảm các dữ liệu phải được quản lý, thường xuyên kiểm tra và dễ dàng tập hợp thành thông tin hỗ trợ điều hành; hoàn thiện hệ sinh thái CPĐT.

Để phát triển CPĐT, cần hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện, xây dựng nền tảng công nghệ phát triển CPĐT phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới. Bên cạnh đó, cần thiết lập cơ chế bảo đảm thực thi với mục tiêu, kết quả cụ thể; có cơ chế theo dõi, giám sát quá trình thực hiện.

Liên kết nguồn tin: http://www.nhandan.com.vn/khoahoc/item/37279802-giai-phap-phat-trien-chinh-phu-dien-tu.html

 

Nguồn: Báo điện tử Nhân dân

Lượt xem: 6459

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)