Thứ tư, 15/08/2018 17:20 GMT+7

Tiến sĩ Nguyễn Quân: Nên bỏ mức trần đầu tư cho khoa học của doanh nghiệp

Sau 5 năm Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) được triển khai (KH-CN 2013), nhiều chính sách được kỳ vọng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống. Tiến sĩ Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã có cuộc trao đổi về vấn đề này.

Dây chuyền lắp ráp đèn LED tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông. Ảnh: Bảo Ngọc


- Thưa ông, hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) đang được nhiều quốc gia và công ty lớn trên thế giới mạnh tay đầu tư nhằm giành thế chủ động trong đổi mới và phát triển. Theo ông, những quy định hiện có của Việt Nam có thể giúp doanh nghiệp đẩy mạnh triển khai hoạt động này?

- Mấy năm gần đây, tình hình đầu tư cho R&D tại Việt Nam đã có bước phát triển, đặc biệt là từ doanh nghiệp. Trước đây, chi phí cho hoạt động R&D chủ yếu lấy từ ngân sách nhà nước. Với Luật KH-CN 2013, chúng ta tiếp cận với nền kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế. Nhà nước yêu cầu các doanh nghiệp phải đầu tư một phần lợi nhuận cho phát triển KH-CN, dành từ 3 đến 10% lợi nhuận trước thuế để đầu tư cho hoạt động R&D của doanh nghiệp. Quỹ phát triển KH-CN của doanh nghiệp nếu không dùng hết, có thể đóng góp cho các quỹ của Nhà nước để tài trợ cho việc nghiên cứu tại các viện, trường hay doanh nghiệp khác.

Tôi cho rằng, với quy định như vậy thì lượng đầu tư R&D từ xã hội sẽ lớn hơn rất nhiều so với từ ngân sách. Tương tự như các nước phát triển, chúng ta sẽ có nguồn ngân sách để trang trải các hoạt động R&D mang tầm quốc gia, tạo ra các sản phẩm quốc gia.

- Hiện nay chúng ta đã có những quy định cụ thể đối với hoạt động KH-CN của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước hằng năm phải trích từ 3 đến 10% lợi nhuận trước thuế để lập quỹ phát triển khoa học. Theo ông, tại sao đa số doanh nghiệp vẫn không mặn mà với hoạt động này?

- Theo tôi, có 3 nguyên nhân. Đầu tiên là doanh nghiệp Việt Nam phần lớn có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Với doanh thu hằng năm vài chục tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là rất ít. Tỷ lệ tối đa 10% lợi nhuận trước thuế để đầu tư cho hoạt động R&D không đủ để đổi mới hoạt động của doanh nghiệp và thu hút nhà khoa học. Thứ hai, chúng ta kêu gọi doanh nghiệp đầu tư cho R&D nhưng chính các doanh nghiệp nhà nước chưa thật sự làm gương. Lý do thứ ba liên quan tới phần kinh phí chi cho R&D của doanh nghiệp. Luật pháp cho phép doanh nghiệp được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho hoạt động R&D. Tuy nhiên, các cơ quan thuế vẫn xử lý 100% tiền doanh nghiệp đầu tư cho R&D giống như tiền ngân sách nhà nước. Doanh nghiệp có cảm giác “trói tay” khi bị áp các quy định về hóa đơn chứng từ, quy định đấu thầu, mua sắm như khi dùng ngân sách nhà nước. Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp không mặn mà với nghiên cứu khoa học và chỉ có một số doanh nghiệp thực sự có ý chí mới đầu tư cho R&D.

- Trong số đó các doanh nghiệp “có ý chí” dành tới 20% lợi nhuận sau thuế để đầu tư trở lại cho hoạt động R&D là Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông. Như vậy, dường như các doanh nghiệp đó đang chịu thiệt thòi?

- Từ câu chuyện của Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông chúng ta thấy được những bất cập hiện nay. Đó là Luật KH-CN đang hạn chế mức trần 10% lợi nhuận trước thuế để đầu tư cho hoạt động R&D. Với quy mô nhỏ, 10% không thể đủ cho doanh nghiệp làm ra một sản phẩm mới để thúc đẩy sản xuất và đưa công nghệ mới vào. Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã dành tới 20% lợi nhuận sau thuế, tức là lớn hơn 30% lợi nhuận trước thuế cho hoạt động R&D. Nhưng họ chỉ được ưu đãi 10%, phần còn lại vẫn phải nộp thuế, như vậy thì rất thiệt thòi cho doanh nghiệp. Tôi cho rằng, chúng ta nên bỏ mức trần 10% này.

Hiện nay, có ý kiến còn e ngại việc đầu tư quá nhiều cho KH-CN khiến Nhà nước thất thu thuế. Tuy nhiên, phải hiểu rằng chúng ta cần nuôi dưỡng nguồn thu. Năm nay doanh nghiệp có thể dành rất nhiều tiền cho KH-CN, đóng thuế rất ít, nhưng năm sau họ có sản phẩm mới, đổi mới được công nghệ và có thể tăng trưởng nhanh, doanh thu tăng hàng chục lần năm trước. Như vậy, lượng thuế năm sau của họ đóng góp cho ngân sách còn nhiều hơn so với lượng thuế phải nộp khi doanh nghiệp chưa đầu tư cho R&D.

- Theo ông, chúng ta cần có giải pháp nào để doanh nghiệp không bị thua ngay trên sân nhà trong quá trình hội nhập với kinh tế thế giới?

- Kinh nghiệm cho thấy, các doanh nghiệp muốn đổi mới công nghệ, tạo ra sản phẩm mới, tăng năng suất lao động thì phải đặt hàng các nhà khoa học. Bởi chúng ta nhập khẩu hoặc mua một công nghệ sẵn có thì sẽ khó phù hợp với tình hình cụ thể của các doanh nghiệp. Vì thế, khi doanh nghiệp thành lập đơn vị nghiên cứu của chính mình, dành tiền cho các hoạt động đó ngay tại doanh nghiệp, thu hút các nhà khoa học hiểu rõ doanh nghiệp, giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp, thì chắc chắn những nghiên cứu ấy sẽ đi vào cuộc sống và các doanh nghiệp có thể phát triển bền vững. Trên thực tế, khi Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã mời được những nhà khoa học hàng đầu của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam cộng tác giải quyết vấn đề chiếu sáng nhân tạo cho cây trồng, vật nuôi nên rất thành công.

Để doanh nghiệp làm được như vậy thì ngoài sự chủ động của doanh nghiệp, Nhà nước cần cụ thể hóa hơn nữa các chủ trương, cơ chế chính sách để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học. Có như thế, sự phát triển của các doanh nghiệp mới đi vào thực chất và đem lại kết quả bền vững.

- Trân trọng cảm ơn ông!

 

Liên kết nguồn tin:

http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Khoa-hoc/909403/tien-si-nguyen-quan-nen-bo-muc-tran-dau-tu-cho-khoa-hoc-cua-doanh-nghiep

Nguồn: Báo Hànộimới

Lượt xem: 4488

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)