Thứ sáu, 27/07/2018 16:40 GMT+7

Đẩy mạnh liên kết trong phát triển khoa học và công nghệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long

“Hoạt động KH&CN thẫm đẫm trong chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy, điều đó thể hiện sự quan tâm ngày càng sát sao của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh với các địa phương trong Vùng. Đặc biệt, chủ trương đẩy mạnh phát triển KH&CN đúng và trúng với chủ trương của Chính phủ và của Bộ KH&CN ”.

Sáng 27/7/2018, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị Giao ban Khoa học và Công nghệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ XXV tại thành phố Mỹ Tho với sự tham gia của 13 tỉnh, thành phố trong vùng.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, Thứ trưởng Phạm Đại Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn đồng chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị còn có nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh; lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ KH&CN; lãnh đạo các tỉnh/thành phố thuộc Đồng bằng sông Cửu Long; lãnh đạo các Sở KH&CN trong và ngoài khu vực cùng hơn 200 đại biểu và khách mời.

Hội nghị giao ban KH&CN vùng ĐBSCL được Bộ KH&CN tổ chức hai năm một lần, là một hoạt động cần thiết, nhằm tạo điều kiện chia sẻ kinh nghiệm, quản lý, liên kết và trao đổi thông tin phục vụ phát triển khoa học và công nghệ. Qua đó đưa ra những định hướng phát triển KH&CN cho Vùng trong những năm tiếp theo.

KH&CN có những bước tiến nổi bật

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương cho biết trong thời gian qua ngành KH&CN đã có những bước tiến nổi bật. Hành lang pháp lý ngày càng được hoàn thiện, đặc biệt là pháp lý về tài chính cho KH&CN, xử lý kết quả nghiên cứu và phát triển KH&CN. Cơ cấu tổ chức, chức năng được bổ sung, sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Tại Nghị định 95/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Bộ KH&CN thì bên cạnh chức năng chính quản lý nhà nước về KH&CN, Chính phủ đã giao thêm cho Bộ KH&CN chức năng quản lý nhà nước về Đổi mới sáng tạo. Cơ cấu tổ chức được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Hoạt động KH&CN ngày càng đi sâu, gắn kết và đóng góp nhiều hơn vào thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế xã hội.

 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương phát biểu tại Hội nghị

 

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Phạm Đại Dương, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại mà ngành KH&CN cần phải trao đổi, thảo luận. Hội nghị giao ban KH&CN vùng ĐBSCL lần thứ 25 được tổ chức là cơ hội để ngành KH&CN chia sẻ thẳng thắn, đưa ra được các vấn đề vướng mắc, khó khăn để tìm ra những giải pháp, tháo gỡ để giải quyết những tồn tại và phát huy hiệu quả tối đa của những dư địa nhằm phát triển KH&CN phục vụ phát triển kinh tế xã hội vùng ĐBSCL.    

Báo cáo đánh giá kết quả hoạt động KH&CN các tỉnh/thành phố vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2018 và định hướng hoạt động KH&CN giai đoạn tới, ông Chu Thúc Đạt, Phó Vụ trưởng Vụ phát triển KH&CN địa phương cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2018, Bộ KH&CN đã hỗ trợ các địa phương trong vùng triển khai 91 nhiệm vụ KH&CN gắn với phát triển các sản phẩm chủ lực của Vùng

Với ưu thế nguồn kinh phí lớn, nội dung có hàm lượng khoa học cao, quy mô lớn, chất lượng nội dung triển khai của các đề tài, dự án đáp ứng đầy đủ các tiêu chí lựa chọn, giải quyết các vấn đề mà khả năng nhân lực cũng như nguồn tài chính của địa phương không đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Các nhiệm vụ phần lớn đều tập trung vào thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực của Quốc gia, vùng và của địa phương theo chuổi giá trị, như: chuỗi giá trị cá tra, chuỗi giá trị tôm, chuỗi giá trị cây dừa, chuỗi giá trị cây ăn trái,…Các công nghệ tạo ra đã có động rất mạnh mẽ, lan tỏa trong sản xuất, thu hút nhiều doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Việt-Úc, Tập đoàn Sao Mai, Tập đoàn Lộc trời, Công ty Lương Quới, Công ty Tôm King, Tổng công ty Việt Nam Food,…cùng tham gia trong các chuỗi giá trị của các sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH của các địa phương. Ngoài ra, còn ưu tiên triển khai nhiều nhiệm vụ liên quan đến biến đổi khí hậu, bước đầu đang tập trung vào các tỉnh ven biển, các tỉnh có nguy cơ cao bị ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu như: hạn mặn, xói lở bờ sông, bờ biển,..

Trong giai đoạn 2016 - 2018, các địa phương trong Vùng đã triển khai 631 đề tài, dự án thuộc các lĩnh vực: khoa học tự nhiên 09 nhiệm vụ chiếm tỷ lệ 1,4%; khoa học xã hội và nhân văn 158 nhiệm vụ chiếm 25%; khoa học nông nghiệp 282 nhiệm vụ chiếm tỷ lệ 44,7%; khoa học kỹ thuật và công nghệ 94 nhiệm vụ chiếm tỷ lệ 14,9%, khoa học y dược 88 nhiệm vụ chiếm tỷ lệ 13,9%. Các nhiệm vụ sau khi kết thúc đều tạo ra được các sản phẩm có hàm lượng KH&CN cao, đáp ứng được mục tiêu đề ra, kết quả, sản phẩm có khả năng ứng dụng và nhân rộng cao.

Các Sở KH&CN trong Vùng đã hướng dẫn hồ sơ cấp phép cho 286 cơ sở; Thẩm định, cấp phép hoạt động cho các cơ sở đạt tiêu chuẩn an toàn bức xạ 447 cơ sở, đã hỗ trợ đăng ký bảo hộ và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc thù của Vùng như: gạo một bụi U Minh Thượng, hồ tiêu Hà Tiên, xoài Cát Chu Cao Lãnh, sầu riêng Cai Lậy, sả Tân Phú Đông, bưởi da xanh Bến Tre, dừa xiêm xanh Bến Tre, khô mực Sông Đốc - Cà Mau, Khô cá thòi lòi Đất Mũi - Cà Mau, Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2016-2018, số đơn đăng ký SHTT: 6.900; Số văn bằng được cấp chiếm 41%.

Ông Chu Thúc Đạt khẳng định, hoạt động KH&CN đã có những đóng góp quan trọng trên tất cả các lĩnh vực an ninh, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và ngày càng khẳng định vai trò là động lực thúc đẩy sự nghiệp phát triển KT-XH của từng địa phương và của cả vùng, cụ thể như: Nhiều nội dung được đưa vào Nghị quyết của Đảng bộ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Các Sở KH&CN trong vùng đã tích cực tham mưu, cụ thể hóa để tỉnh ban hành khá đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật về chủ trương, chính sách phát triển KH&CN phù hợp với tình hình thực tiễn hoạt động của các địa phương.

Các nhiệm vụ KH&CN tại địa phương đã từng bước được đổi mới từ khâu đề xuất, xác định nhiệm vụ, thẩm định nội dung thuyết minh chi tiết đến nghiệm thu, ứng dụng kết quả nghiên cứu sau nghiệm thu phục vụ sản xuất và đời sống được cải tiến theo hướng nâng cao trách nhiệm và quyền chủ động trong đề xuất đặt hàng, thực hiện nhiệm vụ KH&CN đối với các tổ chức, cá nhân chủ trì; nâng cao hiệu quả ứng dụng của các nhiệm vụ KH&CN phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương. Có một số địa phương đã hình thành được các Chương trình KH&CN theo lĩnh vực để có sự ưu tiên trong đầu tư, tập trung thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực (Lúa chất lượng cao, tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cây ăn quả có múi, xoài cát Hòa lộc,...) của địa phương theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất (Cần Thơ, Tiền Giang, Bến Tre,..).

Các địa phương phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả với Bộ KH&CN trong quá trình triển khai các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia (Chương trình NTMN, Chương trình Đổi mới CNQG, Chương trình TNB, Nhiệm vụ cấp thiết địa phương,...), đã bước đầu làm chủ được nhiều công nghệ mới, công nghệ cao có tính đột phá (công nghệ VOC tách chiết tinh dầu dừa không gia nhiệt, công nghệ sản xuất phân bón chất lượng cao 3 trong 1, công nghệ chế biến dầu ăn cao cấp từ mỡ cá Tra, công nghệ Teatrapark chế biến, bảo quản nước dừa và sữa dừa, công nghệ sản xuất gạch không nung,...) tạo cho nhiều doanh nghiệp trong vùng phát triển sản xuất mạnh mẽ, có khả năng cạnh tranh cao, thu hút hàng nghìn lao động tại các địa phương và có đóng góp đáng kể cho kinh tế của các địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng, lợi thế thì Vùng ĐBSCL vẫn là vùng còn nhiều khó khăn, thách thức. Phần lớn kết quả nghiên cứu KH&CN đã được chuyển giao ứng dụng nhưng vấn đề thương mại hóa chưa cao; khả năng nhân rộng của các đơn vị tiếp nhận kết quả nghiên cứu còn nhiều hạn chế...

Các mô hình ứng dụng KH&CN vào sản xuất đạt hiệu quả, tuy nhiên do vốn đầu tư mô hình còn hạn chế, việc đầu tư còn phân tán, quy mô nhỏ nên chưa tạo sự chuyển biến lớn trong sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa. Diện tích đất sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ nên khó thực hiện công tác liên kết trong sản xuất, không đảm bảo trong khâu cung cấp sản phẩm.

Nguồn tài chính cho hoạt động KH&CN ở địa phương còn hạn hẹp. Công tác xã hội hoá các hoạt động KH&CN đặc biệt là huy động nguồn vốn đầu tư cho KH&CN vẫn còn hạn chế do chưa có qui định về hợp tác công tư trên lĩnh vực KH&CN. Doanh nghiệp đã bước đầu quan tâm đầu tư, nghiên cứu KH&CN nhưng vẫn chưa tương xứng.

Đồng hành với các địa phương đẩy mạnh phát triển KH&CN

Tại Hội nghị, đại diện các Sở KH&CN trong vùng đã nêu lên nhiều kiến nghị đề xuất với Bộ KH&CN, tập trung vào các vấn đề như: sớm ban hành Quyết định phê duyệt định mức kinh tế - kỹ thuật đối với các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực KH&CN để các tổ chức KH&CN công lập căn cứ vào đó thực hiện; Có đề án cấp kinh phí hỗ trợ lần đầu cho Quỹ Phát triển KH&CN của tỉnh đi vào hoạt động; Ban hành cơ chế, chính sách về hợp tác công tư trong lĩnh vực KH&CN; Hướng dẫn các địa phương xác định và cải thiện Chỉ số Đổi mới sáng tạo tại địa phương theo quy định tại Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ; Ban hành các văn bản hướng dẫn phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhất là các định mức, cơ chế hỗ trợ cụ thể để địa phương áp dụng thực hiện; Đề nghị ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể hơn đối với quy định “thử nghiệm lại đối với mẫu lưu”;…

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, Trong những năm vừa qua, nhất là giai đoạn 2016 – 2018, thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển KT-XH nói chung và chính sách phát triển KH&CN nói riêng, hoạt động KH&CN của tất cả các tỉnh, thành phố, các cơ quan KH&CN trong Vùng đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận, đặc biệt là tập trung hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, các sản phẩm chủ lực, trọng điểm của vùng, quốc gia theo chuỗi giá trị trong tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ; cải thiện môi trường kinh doanh của doanh nghiệp; thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo; tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi tỉnh, thành phố nói riêng và của cả vùng nói chung. 

 

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu chỉ đạo Hội nghị

 

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đánh giá cao kết quả đạt được trong hoạt động phát triển KH&CN của Đồng bằng sông Cửu long thời gian qua. Đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh đối với hoạt động KH&CN thông qua công tác chỉ đạo, điều hành thể hiện qua các Chỉ thị, Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND, UBND Tỉnh.

“Hoạt động KH&CN thẫm đẫm trong chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy, điều đó thể hiện sự quan tâm ngày càng sát sao của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh với các địa phương trong Vùng. Đặc biệt, chủ trương đẩy mạnh phát triển KH&CN đúng và trúng với chủ trương của Chính phủ và của Bộ KH&CN. ”, Bộ trưởng khẳng định.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý, để phát triển đồng bộ hoạt động KH&CN, trách nhiệm của các Sở KH&CN phải không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn để có những tham mưu, tư vấn đúng và trúng các vấn đề cốt lõi trong phát triển KH&CN gắn với địa phương mình.

Liên quan đến vấn đề đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng cho biết, nếu như trước đây đối tượng tập trung chủ yếu là Viện nghiên cứu, Trường đại học, và các Sở KH&CN, giờ có sự xoay trục sang doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo, các Viện, Trường, Sở KH&CN cùng đồng hành giúp doanh nghiệp nâng cao tiềm lực, tạo nên sự liên ngành trong phát triển KH&CN.

Đối với các đề xuất của các Sở KH&CN, Bộ trưởng khẳng định đây là các đề xuất mang dấu ấn tích cực, đều là những trăn trở cần tháo gỡ của hoạt động KH&CN để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về KH&CN.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng ghi nhận sự đóng góp của các cán bộ quản lý, các Sở KH&CN tại Hội nghị; đồng thời đánh giá cao những ý kiến trao đổi, thảo luận tích cực của các đại biểu. Với những kiến nghị, đề xuất của các tỉnh với Bộ KH&CN, ngoài những vấn đề được các đơn vị chức năng giải đáp trực tiếp, Bộ trưởng cũng đề nghị các đơn vị liên quan thuộc Bộ tiếp tục nghiên cứu những đề xuất và kiến nghị để có thể hỗ trợ các địa phương hiệu quả nhất.

 

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

Toàn cảnh các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

 

 Bộ trưởng Bộ KH&CN tặng Cờ luân lưu cho Sở KH&CN Sóc Trăng, đơn vị tổ chức Hội nghị Giao ban Khoa học và Công nghệ vùng đồng bằng sông Cửu Long lần tiếp theo

 

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh tặng hoa đại diện các đồng chí Lãnh đạo Sở KH&CN vùng ĐBSCL

 

Cục trưởng Cục Công tác phía Nam Phạm Xuân Đà thông tin về hoạt động KH&CN cũng như đề xuất cách thức triển khai phối hợp hiệu quả hoạt động KH&CN Vùng ĐBSCL

 

Cục trưởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí: Cục SHTT sẽ hỗ trợ tối đa các địa phương trong xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhằm phát huy giá trị của tài sản trí tuệ gắn với các Vùng, miền, địa phương.

 

Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Tiêu Chuẩn Đo lường Chất lượng Nguyễn  Nam Hải đã giải giải đáp những vấn đề liên quan đến hoạt động tiêu chuẩn đo lường tại địa phương như: Thông tư 22, công tác khảo sát chất lượng sản phẩm hàng hóa, về việc kiểm tra nhanh đối với xăng, dầu; về tổ chức bộ máy Chi cục và Trung tâm…

 

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch- Tài chính Lê Xuân Định “Bộ KH&CN sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sớm ban hành Quyết định phê duyệt định mức kinh tế - kỹ thuật đối với các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực KH&CN để các tổ chức KH&CN công lập căn cứ vào đó thực hiện

 

 Phó Cục trưởng Cục quản lý công sản La Văn Thịnh đã nói về Nghị định 70/2018/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước.

 

Phó Vụ trưởng Vụ phát triển KH&CN Địa phương Chu Thúc Đạt báo cáo đánh giá kết quả hoạt động KH&CN các tỉnh/thành phố vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2018 và định hướng hoạt động KH&CN giai đoạn tới

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN; Vụ Phát triển KH&CN địa phương

Lượt xem: 5812

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)