Thứ năm, 26/07/2018 17:11 GMT+7

Hội thảo “Cơ sở dữ liệu thông tin trực tuyến về đối tượng sở hữu công nghiệp và công cụ khai thác phục vụ doanh nghiệp nhỏ và vừa”

Chiều 19/7, tại Hà Nội, Hội thảo “Cơ sở dữ liệu thông tin trực tuyến về đối tượng sở hữu công nghiệp và công cụ khai thác phục vụ doanh nghiệp vừa và nhỏ” do Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (VIPRI) phối hợp với Trung tâm quốc gia về Đào tạo và Thông tin sở hữu công nghiệp Nhật Bản (INPIT) tổ chức nhằm giới thiệu, xin ý kiến về việc xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin trực tuyến về đối tượng sở hữu công nghiệp (SHCN) và các công cụ khai thác cơ sở dữ liệu này.

Tham dự Hội thảo có GS. Hoàng Văn Phong, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, Đại diện Hội đồng quản lý Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia (NATIF); TS. Tạ Quang Minh, Viện trưởng Viện KHSHTT; ông Yoshitaka Enomoto, Giám đốc, Trưởng Ban Khai thác và Phát triển nguồn nhân lực, Trung tâm Quốc gia về Đào tạo và Thông tin Sở hữu Công nghệ Nhật Bản (INPIT); ông Norihisa Kato, Trưởng Ban Sở hữu trí tuệ khu vực Đông Nam Á, Đại diện JPO tại Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) và một số đại diện khác của Ban Khai thác và Phát triển nguồn nhân lực, INPIT; Đại diện của các đơn vị phối hợp là Cục Sở hữu trí tuệ và Công ty MITEC và Đại diện của các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN, các trường đại học, viện nghiên cứu, Tổ chức đại diện SHTT và doanh nghiệp… là những đối tượng liên quan trực tiếp đến việc khai thác cơ sở dữ liệu SHCN.
 

Toàn cảnh Hội thảo.
 

Được đặt hàng, giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ từ Bộ KHCN, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ cùng Cục Sở hữu trí tuệ và Công ty MITEC đã tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin trực tuyến về đối tượng SHCN và công cụ khai thác phục vụ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mục tiêu đề ra là xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin SHCN đầy đủ và cập nhật; thực hiện dịch vụ cung cấp thông tin SHCN theo yêu cầu đa dạng của doanh nghiệp; xây dựng các công cụ cần thiết để cho phép doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ và chính xác thông tin liên quan đến đối tượng SHCN, góp phần phục vụ cho hoạt động tạo ra, xác lập quyền, bảo hộ, bảo vệ, khai thác, quản trị và phát triển các tài sản trí tuệ của doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường KHCN.

Viện Khoa học sở hữu trí tuệ và Công ty Mitec đã giới thiệu Giao diện cổng thông tin “Cơ sở dữ liệu và dịch vụ thông tin sở hữu công nghiệp”, trong đó có 4 Module chính: Tra cứu cơ sở dữ liệu; Yêu cầu dịch vụ; Sàn kết nối và Cập nhật thông tin. 
 

Giao diện cổng thông tin “Cơ sở dữ liệu và Dịch vụ thông tin SHCN”.
 

Phát biểu tại Hội thảo, GS. Hoàng Văn Phong tin tưởng rằng cổng thông tin “Cơ sở dữ liệu và Dịch vụ thông tin sở hữu công nghiệp” sẽ là một công cụ quan trọng, hữu hiệu giúp cho Viện KHSHTT, Cục Sở hữu trí tuệ, các Tổ chức đại diện SHCN và các doanh nghiệp thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, tư vấn, dịch vụ, khai thác thông tin SHCN và góp phần hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động chia sẻ thông tin SHCN cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong việc tạo dựng và phát triển tài sản trí tuệ, đặc biệt là nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
 

GS. Hoàng Văn Phong phát biểu tại Hội thảo.
 

Nhận định về Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu và công cụ khai thác thông tin SHCN, ông Yoshitaka Enomoto, Giám đốc, Trưởng Ban Khai thác và Phát triển nguồn nhân lực, INPIT cho rằng: Đây là một Dự án rất quan trọng cho Việt Nam trong thời gian sắp tới. CSDL này sẽ là nền tảng để phát triển KHCN, dẫn tới phát triển kinh tế của quốc gia. Ông cũng đánh giá cao việc Viện KHSHTT xây dựng đươc Module tiếp nhận và xử lý dịch vụ SHCN với số lượng dịch vụ phong phú, giống như dịch vụ một cửa, mà thậm chí Nhật Bản hiện nay cũng chưa thực hiện được việc này. Khi triển khai được CSDL thông tin SHCN và công cụ khai thác thông tin như vậy sẽ rất có ích cho người sử dụng bởi nhiều doanh nghiệp mới phát triển công nghệ, mới nộp đơn thì cũng có thể dễ dàng để có những thông tin cần thiết, đây cũng là tính năng rất ưu việt của Dự án.
 

Ông Yoshitaka Enomoto, Giám đốc, Trưởng Ban Khai thác và Phát triển nguồn nhân lực, INPIT phát biểu tại Hội thảo.
 

Bên cạnh đó, ông Norihisa Kato, Trưởng Ban SHTT khu vực Đông Nam Á, Đại diện JPO tại Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cũng góp ý: “Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, Dự án cần thực hiện thêm một giai đoạn nữa để cung cấp, chia sẻ thông tin cho cả người dùng nước ngoài bởi có rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng và doanh nghiệp nước ngoài nói chung quan tâm đến các thông tin về sở hữu trí tuệ của Việt Nam”.

Thông qua phần thảo luận tại Hội thảo, Viện KHSHTT cũng đã nhận được rất nhiều ý kiến góp ý bổ ích mang tính xây dựng của đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, đại diện của khối các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức đại diện SHTT và các doanh nghiệp liên quan đến việc xây dựng và hoàn thiện Cơ sở dữ liệu về đối tượng SHCN và các công cụ khai thác thông tin SHCN phục vụ doanh nghiệp.

Phần cuối của buổi Hội thảo là Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa VIPRI và INPIT. Hai cơ quan tuyên bố sẵn sàng tăng cường quan hệ đối tác thông qua hợp tác quốc tế về đào tạo SHTT. Hai bên sẽ phối hợp triển khai các hoạt động: Trao đổi thông tin và kinh nghiệm liên quan đến hoạt động đào tạo trong phạm vi nhiệm vụ của từng tổ chức và Tổ chức các buổi hội thảo chung dành cho các ngành có liên quan ở cả hai quốc gia nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về SHTT.
 

Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa VIPRI và INPIT.

Nguồn: Viện Khoa học sở hữu trí tuệ

Lượt xem: 3105

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)