Thứ sáu, 04/05/2018 12:23 GMT+7

Tạo hành lang pháp lý cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Để đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh, doanh nghiệp khởi nghiệp (DNKN) đổi mới sáng tạo (ĐMST) cần được hỗ trợ trong quá trình khởi nghiệp, tiếp cận nguồn vốn, thị trường. Nhưng tại Việt Nam, vẫn còn thiếu hành lang pháp lý để DNKN hoạt động và hấp dẫn các nhà đầu tư, các quỹ sẵn sàng đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Tại nhiều nước trên thế giới, luôn có những cơ chế ưu đãi đặc thù để thúc đẩy khởi nghiệp và hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp. Ðiều này đã tạo ra hàng loạt mô hình khởi nghiệp mới, phát triển nhiều quỹ hỗ trợ, đơn vị trung gian, môi giới… giúp các DNKN ÐMST nâng cao giá trị sản phẩm, hàng hóa và mang lại giá trị gia tăng vượt bậc cho nền kinh tế quốc gia. Những DNKN ÐMST thành công hầu hết đều nhanh chóng trở thành doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới như: Google, Facebook, Viber… Các doanh nghiệp nêu trên đều áp dụng hình thức giao dịch công nghệ mới và hiệu quả trên thị trường khoa học và công nghệ (KH và CN) thế giới, cho nên giá trị mỗi giao dịch có thể gấp hàng trăm lần so với giao dịch công nghệ truyền thống. Ðơn cử như Viber - phần mềm dùng để liên lạc trên di động đã được bán với giá trị khoảng 900 triệu USD; OneBox là cung ứng giải pháp fax qua mạng in-tơ-nét đã được bán với giá 850 triệu USD… Tại Việt Nam, một vài năm gần đây, phong trào khởi nghiệp ngày càng sôi nổi và phát triển với số lượng các vườn ươm, cơ sở, hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp gia tăng nhanh chóng. Chỉ tính riêng năm thương vụ kêu gọi vốn thành công nhất đã có tổng giá trị lên đến hơn 50 triệu USD bao gồm: Momo - 28 triệu USD; F88 - 10 triệu USD, Got It! - hơn 9 triệu USD, Vntrip.vn - 3 triệu USD, Toong - 1 triệu USD. Mới nhất là doanh nghiệp Foody - mạng xã hội về ẩm thực đã được mua lại hơn 82% cổ phần với giá hơn 64 triệu USD. Bộ trưởng KH và CN Chu Ngọc Anh cho biết, đã có hơn 900 dự án khởi nghiệp được ươm tạo với 300 nhóm khởi nghiệp đã được kết nối đến với cộng đồng và các quỹ đầu tư. Ngoài ra, hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm đã có hoạt động tại Việt Nam, điển hình là IDG Ventures, CyberAgent Ventures, Gobi Partners, 500 Startups… Hiện, đã có 24 cơ sở ươm tạo, 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, nhiều mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp được hình thành như "Mạng lưới hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa", chương trình "Sáng kiến cố vấn khởi nghiệp Việt Nam". Bộ KH và CN đã chủ trì triển khai mô hình tổ chức thúc đẩy kinh doanh mới từ Mỹ thuộc khuôn khổ đề án Thương mại hóa công nghệ theo mô hình thung lũng Silicon tại Việt Nam. Ngoài ra, còn có Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan có nội dung hỗ trợ hoàn toàn vào đối tượng khởi nghiệp ÐMST và các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp ÐMST. Các chương trình nêu trên đã hỗ trợ tập huấn, cung cấp vốn cho hàng chục doanh nghiệp, đào tạo được nhiều huấn luyện khởi nghiệp và có nhiều hoạt động hỗ trợ đối với các DNKN ÐMST.

Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập, hầu hết các hoạt động khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp đều ở tình trạng tự phát, thiếu sự liên kết và chưa đủ mạnh để phát triển các DNKN Việt Nam ngang tầm các doanh nghiệp công nghệ trên thế giới. Ý kiến từ các chuyên gia cho thấy, về mặt chính sách, DNKN ÐMST vẫn chưa được định nghĩa trong các văn bản quy phạm pháp luật. Các đặc thù về khởi nghiệp và đầu tư cho khởi nghiệp chưa được thể hiện trong các quy định về thuế, tài chính, đầu tư. Việt Nam chưa có các quy định về thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm khiến các nhà đầu tư gặp khó khăn trong hoạt động. Chính vì vậy, đến nay, vẫn chưa có quỹ đầu tư mạo hiểm nào được thành lập ở Việt Nam, trong khi đó, tỷ lệ DNKN Việt Nam thành lập văn phòng tại nước ngoài ngày càng nhiều. Nếu không có môi trường pháp lý thuận lợi, các quy định đặc thù cho lĩnh vực khởi nghiệp ÐMST sẽ rất khó để phát triển các DNKN ÐMST và tạo dựng hệ sinh thái ÐMST. Ðiều này cũng cho thấy chưa có sự liên kết chặt chẽ từ chính sách đến các hoạt động của cộng đồng, xã hội để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, tạo ra văn hóa khởi nghiệp.

Cục trưởng Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH và CN Phạm Hồng Quất cho rằng, để phát triển, các DNKN cần thời gian dài và hỗ trợ từ nhiều thành phần xã hội. Trong đó, các trường đại học, viện nghiên cứu đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các sáng lập viên, kết quả nghiên cứu có tính thương mại hóa và các ý tưởng kinh doanh sáng tạo. Các vườn ươm, tổ chức thúc đẩy kinh doanh để đào tạo, huấn luyện khởi nghiệp và cần có cơ sở hạ tầng nhằm thử nghiệm, làm sản phẩm mẫu… Cùng với đó là các sự kiện khởi nghiệp để kết nối, nâng cao văn hóa khởi nghiệp và Nhà nước cần xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp và đầu tư khởi nghiệp. Tất cả những yếu tố nêu trên cần được liên kết để trở thành một hệ sinh thái khởi nghiệp ÐMST của quốc gia, qua đó các DNKN ÐMST có đủ hành lang pháp lý để phát triển tại Việt Nam.

Liên kết nguồn tin: http://www.nhandan.com.vn/khoahoc/item/36235802-tao-hanh-lang-phap-ly-cho-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao.html

 

Nguồn: Báo Nhân dân điện tử

Lượt xem: 3805

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)