Thứ năm, 03/05/2018 20:47 GMT+7

Hội nghị công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2017 và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2017

Sáng ngày 02/5, tại trụ sở Bộ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2017 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2017 (SIPAS).

Đến dự và chủ trì Hội nghị có đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ; đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Lê Vĩnh Tân, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ; Trung tướng Nguyễn Song Phi, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam; đồng chí Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.
 

Đoàn Chủ tịch điều hành Hội nghị
 

Tham dự Hội nghị còn có các thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ; đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành ở Trung ương; đại diện lãnh đạo UBND và Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện lãnh đạo các cơ quan liên quan…
 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu tại Hội nghị
 
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, năm 2017, công tác cải cách hành chính (CCHC) đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương quan tâm triển khai thực hiện, với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động của bộ máy hành chính các cấp từ Trung ương tới cơ sở. Nền hành chính đã có chuyển biến tích cực theo hướng nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, trách nhiệm, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của người dân và xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Kết quả cải cách hành chính đạt được toàn diện trên các lĩnh vực đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước trong giai đoạn vừa qua.


Bên cạnh đó, việc triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước chính tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chính là thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Thông qua đó, giúp cơ quan hành chính nhà nước xây dựng, cung ứng các dịch vụ hành chính công có chất lượng, đồng thời, có cơ sở điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính phù hợp, đáp ứng yêu cầu, mong đợi của người dân, xã hội và sự phát triển của đất nước.
 

Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Phạm Minh Hùng công bố kết quả PAR INDEX và SIPAS năm 2017


Theo Báo cáo kết quả PAR INDEX năm 2017 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ Phạm Minh Hùng công bố tại Hội nghị, kết quả như sau:

Kết quả PAR INDEX năm 2017 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ tập trung vào 2 nhóm điểm:
Nhóm thứ nhất, đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 80%, bao gồm 12 Bộ: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tài chính; Bộ Tư pháp; Bộ Công Thương; Bộ Ngoại giao; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Nội vụ; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Nhóm thứ hai, đạt kết quả Chỉ số CCHC từ trên 70% đến dưới 80%, gồm 7 Bộ: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Giao thông vận tải; Thanh tra Chính phủ; Bộ Xây dựng; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Y Tế và Ủy ban Dân tộc. 

Giá trị trung bình Chỉ số CCHC của 19 Bộ, cơ quan ngang Bộ đạt được là 79.92%. Không có Bộ nào có kết quả Chỉ số CCHC dưới 70%. Có 12 Bộ có Chỉ số CCHC năm 2017 trên mức giá trị trung bình đạt được của 19 Bộ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đạt Chỉ số CCHC năm 2017 cao nhất với kết quả là 92.36%. Ủy ban Dân tộc có kết quả Chỉ số CCHC thấp nhất với giá trị 72.13%. Khoảng cách giữa Bộ đạt Chỉ số CCHC năm 2017 cao nhất (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) với Bộ có kết quả Chỉ số CCHC năm 2017 thấp nhất (Ủy ban Dân tộc) là 20.23%.

Kết quả PAR INDEX năm 2017 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ
 

Kết quả PAR INDEX năm 2017 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
Chỉ số CCHC năm 2017 của các tỉnh, thành phố có giá trị trung bình đạt 77.72%, cao hơn so với giá trị trung bình năm 2016 là 3.08% (năm 2016 đạt 74,64%), trong đó, 32/63 tỉnh, thành phố có kết quả Chỉ số đạt trên giá trị trung bình; 60/63 đơn vị đạt kết quả Chỉ số trên 70%. Đáng chú ý, trong năm 2017, chỉ có 03 đơn vị đạt kết quả Chỉ số dưới 70%, con số này so với năm 2016 là 15 đơn vị. Điều này cho thấy, kết quả triển khai nhiệm vụ CCHC của các tỉnh, thành phố trong năm 2017 đã có những chuyển biến tích cực và đồng đều hơn so với năm 2016.

Trong năm 2017, tỉnh Quảng Ninh đã xuất sắc vượt lên vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số CCHC của năm 2017 với kết quả điểm đạt được là 89.45/100, cao hơn so với đơn vị đứng ở vị trí thứ 2 là thành phố Hà Nội tới 3.99 điểm, tiếp theo là tỉnh Đồng Nai, thành phố Đà Nẵng, thành phố Hải Phòng...

Trong nhóm 5 địa phương đứng cuối bảng xếp hạng, tỉnh Quảng Ngãi là đơn vị có Chỉ số CCHC 2017 thấp nhất, với kết quả đạt 59,69 điểm. Đây cũng là đơn vị duy nhất trên bảng xếp hạng có kết quả đạt được dưới 60 điểm. Qua đánh giá cũng cho thấy, Chỉ số thành phần về “Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC” xếp vị trí thứ 63/63 tỉnh, thành phố. Như vậy có thể thấy, mức độ quan tâm của lãnh đạo tỉnh đối với công tác CCHC còn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Bên cạnh đó, kết quả các chỉ số quan trọng như đánh giá về xây dựng thể chế, thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh Quảng Ngãi đều đứng ở vị trí thứ 62/63.


Kết quả PAR INDEX năm 2017 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
 

Báo cáo kết quả SIPAS 2017, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ Phạm Minh Hùng cho biết, SIPAS 2017 được xác định trên cơ sở khảo sát sự hài lòng cùa người dân, tổ chức đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ở cả 3 cấp hành chính tại địa phương, với tổng số mẫu khảo sát là 33.900 người. SIPAS 2017 được thực hiện với 5 yếu tố cơ bản của quá trình cung ứng dịch vụ hành chính công gồm: Tiếp cận dịch vụ hành chính công của các cơ quan hành chính nhà nước; Thủ tục hành chính; Công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính; Kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công; Việc tiếp nhận, giải quyết, góp ý phản ánh, kiến nghị.

Theo kết quả khảo sát, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của tỉnh cao nhất là 95,75% (tỉnh Vĩnh Phúc), tỉnh thấp nhất là 67,70% (tỉnh Kon Tum) và giá trị trung vị là 79,76%. Nửa số tỉnh trong cả nước có Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính nằm trong khoảng 79,76 - 95,75% và nửa số tỉnh có chỉ số nằm trong khoảng 67,70 - 79,76%. Hơn nửa số tỉnh trong cả nước có Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính thấp hơn chỉ số trung bình của cả nước.
 

Kết quả SIPAS 2017 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
 

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương sự cố gắng, nỗ lực của Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan trong việc triển khai xác định Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2017. 
 

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị
 

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế còn tồn tại, đó là: Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC của một số Bộ, ngành, địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Vai trò trách nhiệm người đứng đầu của các cơ quan trong CCHC chưa cao, chưa quyết liệt trong triển khai CCHC; Công tác xây dựng, tổ chức thực hiện thể chế còn hạn chế, vẫn còn tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, chất lượng các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chưa cao; Còn tình trạng Bộ, ngành, địa phương ban hành các quy định thủ tục hành chính trái thẩm quyền; công bố, công khai thủ tục hành chính còn chậm, chưa đúng quy định…; Tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, tầng nấc; hiệu quả hoạt động chưa cao; Một số nơi còn bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý khi chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định; việc hoàn thiện Đề án xác định vị trí việc làm đối với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp còn chậm; Ứng dụng công nghệ thông tin chưa đạt kết quả theo yêu cầu…

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả CCHC, khắc phục những tồn tại, bất cập của nền hành chính, vì mục tiêu xây dựng nền hành chính hiện đại, kiến tạo phát triển, phục vụ nhân dân, trên cơ sở kết quả PAR INDEX và SIPAS năm 2017, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Một là, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần sử dụng hiệu quả kết quả PAR INDEX, SIPAS trong chỉ đạo, điều hành CCHC tại Bộ, ngành, địa phương, đề ra các giải pháp phù hợp để khắc phục các tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công cho người dân, tổ chức. Chỉ đạo làm rõ nguyên nhân của hạn chế, yếu kém cũng như trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong triển khai từng nhiệm vụ CCHC; đồng thời, đề ra các biện pháp cụ thể để khắc phục, bảo đảm nhiệm vụ CCHC được triển khai đúng tiến độ, kế hoạch đề ra.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, trọng tâm là rà soát, hoàn thiện thể chế về quản lý công chức, viên chức; thể chế liên quan đến doanh nghiệp, bảo đảm nguyên tắc không làm tăng thêm các điều kiện làm hạn chế cơ hội đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế; khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng việc ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh; nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính hợp pháp, đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống văn bản. 

Ba là, tập trung rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là trên các lĩnh vực trọng tâm theo quy định tại Nghị quyết số 35/NQ-CP, Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2018 và Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP của Chính phủ; tăng tính liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Bốn là, các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Khoá XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03/02/2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách về tinh giản biên chế theo quy định tại Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Năm là, quán triệt đầy đủ tinh thần, nội dung của Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Khoá XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Trên cơ sở đó, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Sáu là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ CCHC với nội dung trọng tâm là: Công tác tuyển dụng, bổ nhiệm và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; tình hình chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính; tình hình tổ chức giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Bảy là, các Bộ, ngành, địa phương hoàn thiện việc ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp Bộ, cấp tỉnh theo quy định; đẩy mạnh việc xây dựng và sử dụng các phần mềm dùng chung, bảo đảm tính tương thích, đồng bộ và thông suốt để nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong quá trình xử lý công việc; tăng tỷ lệ sử dụng văn bản điện tử trao đổi giữa các cơ quan nhà nước; nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4.

Tám là, Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện nội dung, phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các tiêu chí đánh giá CCHC, bảo đảm đánh giá chính xác, khách quan và công bằng kết quả triển khai CCHC tại các bộ, các tỉnh. Trên cơ sở đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam và các cơ quan liên quan trong triển khai đánh giá kết quả CCHC hàng năm và đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
 

Quang cảnh Hội nghị
 
Liên kết nguồn tin:
 

 

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ

Lượt xem: 5610

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)