Thứ năm, 19/04/2018 21:17 GMT+7

Sửa đổi chỉ dẫn địa lý “Quảng trị” cho sản phẩm hạt tiêu

Ngày 13/04/2018, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 1076/QĐ-SHTT về việc sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00045. Quyết định này thay thế cho Quyết định số 3875/QĐ-SHTT ngày 28/10/2014 của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ về việc đăng bạ chỉ dẫn địa lý Quảng Trị cho sản phẩm hạt tiêu.

Hạt tiêu Quảng Trị được Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00045 theo Quyết định số 3875/QĐ-SHTT ngày 28/10/2014. Theo Quyết định này, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý gồm hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng nằm trong khu vực địa lý thuộc thị trấn Hồ Xá, xã Vĩnh Hiền, xã Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Nam thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam”do Chính phủ Pháp tài trợ thông qua Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), chỉ dẫn địa lý tiêu Quảng Trị được chọn là một trong hai đối tượng để nghiên cứu với mục đích là nâng cao hiệu quả của hệ thống đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý trên cơ sở kinh nghiệm của Châu Âu, cụ thể là của Cộng hòa Pháp. Theo đó, ngày 06/09/2017, Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị tiến hành sửa đổi chỉ dẫn địa lý 00045 với những sửa đổi về loại sản phẩm, tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm theo hướng làm nổi bật sự khác biệt của sản phẩm so với sản phẩm cùng loại của khu vực khác và mở rộng khu vực địa lý. Ngày 13/04/2018, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 1076/QĐ-SHTT về việc sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00045. Quyết định này thay thế cho Quyết định số 3875/QĐ-SHTT ngày 28/10/2014 của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ về việc đăng bạ chỉ dẫn địa lý Quảng Trị cho sản phẩm hạt tiêu.

Cây hồ tiêu được người Pháp đưa vào trồng tại Quảng Trị từ cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX và tiếp tục được duy trì phát triển từ năm 1940 cho đến nay. Về mặt năng suất và sản lượng, Quảng Trị không có lợi thế phát triển cây hồ tiêu. Tuy nhiên, qua thời gian đã chứng minh được “giá trị đặc biệt” của hạt tiêu Quảng Trị. Các tài liệu xuất bản đầu thế kỷ XX cho thấy, sản phẩm hạt tiêu Quảng Trị đã được thương mại ở Việt Nam và xuất khẩu sang các nước Pháp, Singapore, Hồng Kông qua cảng Sài Gòn trong giai đoạn này. Mặc dù, hạt tiêu Quảng Trị không phải là vùng sản xuất lớn như Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu... nhưng hạt tiêu Quảng Trị luôn được các doanh nghiệp xuất khẩu đánh giá rất cao, được nhiều người trong nước và trên thế giới biết đến. Hạt tiêu Quảng Trị được nhiều thương lái nước ngoài thu mua đánh giá cao và gọi nó là “vàng đen”.

Cây hồ tiêu của tỉnh Quảng Trị được trồng tại nhiều huyện với diện tích trên 2000 ha, tập trung chính tại các huyện Vĩnh Linh, Cam Lộ, Gio Linh và Hướng Hóa. Sản phẩm hồ tiều tại các huyện này được đánh giá là có chất lượng khá tương đồng với chất lượng của sản phẩm đã đăng ký chỉ dẫn địa lý theo Quyết định số 3875/QĐ-SHTT. Yêu cầu sửa đổi chỉ dẫn địa lý số 00045 của Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị với mục đích là đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng khu vực địa lý để tăng cường việc thương mại hóa các sản phẩm và tạo ra giá trị gia tăng khác biệt giữa sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý so với sản phẩm thông thường.

Hạt tiêu “Quảng Trị” có kích thước hạt nhỏ, rắn, thơm nồng và có vị cay. Sản phẩm được mang chỉ dẫn địa lý gồm hạt tiêu đen, hạt tiêu trắng và hạt tiêu dạng bột.

 

 

 

Hạt tiêu Quảng Trị tròn, đều và hạt có đường kính từ 3 - 5 mm. Hạt tiêu đen có vỏ hạt ít nhăn, dung trọng lớn hơn hoặc bằng 517 g/l, độ ẩm nhỏ hơn hoặc bằng 12%, hàm lượng piperin lớn hơn hoặc bằng 6,4 %, tinh dầu bay hơi lớn hơn hoặc bằng 2,6 %. Hạt tiêu trắng có dung trọng lớn hơn hoặc bằng 627g/l, độ ẩm nhỏ hơn hoặc bằng 11,5%, hàm lượng piperin lớn hơn hoặc bằng 7,09%, tinh dầu bay hơi lớn hơn hoặc bằng 1,7%. Mặc dù, đường kính của hạt tiêu Quảng Trị nhỏ hơn một số sản phẩm cùng loại nhưng dung trọng hạt  và hàm lượng Piperin của hạt tiêu Quảng Trị cao hơn và đặc biệt là mùi thơm của hạt tiêu đen Quảng Trị mạnh hơn mùi thơm sản phẩm tại khu vực địa lý khác. Hạt tiêu Quảng Trị dạng bột là sản phẩm được xay, nghiền từ hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng Quảng Trị với nhiều kích cỡ khác nhau, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của hạt tiêu đen Quảng Trị và hạt tiêu trắng Quảng Trị.

 

 

Với điều kiện tự nhiên đặc thù như vậy, người dân Quảng Trị qua quá trình canh tác đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm để mang lại sản phẩm có chất lượng. Chọn giống là một đặc thù của người dân Quảng Trị, để có thể thích nghi với điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở Quảng Trị người dân chọn giống bản địa lá nhỏ và lá trung bình. Mặc dù khả năng hấp thu ánh sáng và dinh dưỡng giống tiêu lá nhỏ và lá trung bình không cao bằng giống tiêu lá to nhưng giống tiêu lá nhỏ và lá trung bình giúp giảm thiểu thoát hơi nước của lá vào mùa khô, hạn chế ảnh hưởng của bão. Đặc thù về trụ tiêu cũng là nét khác biệt của vùng trồng tiêu Quảng Trị với các vùng trồng tiêu khác của Việt Nam. Do thâm canh, nên các vùng trồng tiêu phổ biến sử dụng trụ tiêu gỗ, bê tông. Sử dụng trụ tiêu bằng cây sống là phương thức canh tác truyền thống tại Quảng Trị, phương thức này giúp cho hạn chế được gió mùa Tây Nam trong mùa hè khi nhiệt độ tăng cao, lượng bốc hơi lớn và khí hậu khô nóng.

Khu vực địa lý: Xã Cam Chính, xã Cam Nghĩa và xã Cam Thành thuộc huyện Cam Lộ; Thị trấn Gio Linh, xã Trung Sơn, xã Gio Phong, xã Gio An, xã Gio Bình, xã Gio Châu, xã Gio Hòa, xã Gio Sơn, xã Hải Thái, xã Linh Hải, xã Linh Thượng và xã Vĩnh Trường thuộc huyện Gio Linh; Thị trấn Hồ Xá, thị trấn Bến Quan, xã Vĩnh Tú, xã Vĩnh Chấp, xã Vĩnh Trung, xã Vĩnh Kim, xã Vĩnh Thạch, xã Vĩnh Long, xã Vĩnh Nam, xã Vĩnh Khê, xã Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Hiền, xã Vĩnh Thủy, xã Vĩnh Thành, xã Vĩnh Tân, thị trấn Cửa Tùng, xã Vĩnh Hà, xã Vĩnh Sơn và xã Vĩnh Giang thuộc huyện Vĩnh Linh; Thị trấn Khe Sanh, xã Tân Liên, xã Hướng Phùn và xã Tân Lập thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị./.                            

 

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Lượt xem: 3844

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)