Thứ sáu, 20/04/2018 08:53 GMT+7

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh làm việc với tỉnh Hải Dương

Chiều ngày 19/4/2018, đồng chí Chu Ngọc Anh - Ủy viên Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cùng đoàn công tác đã làm việc tại tỉnh Hải Dương. Cùng dự có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy và lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ.

Toàn cảnh buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh làm việc với tỉnh Hải Dương.
 

Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Vũ Văn Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Tỉnh; Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị liên quan tiếp và làm việc với đoàn.

Nhiều kết quả ấn tượng

Trong những năm qua, hoạt động KH&CN của tỉnh Hải Dương đã có những đóng góp quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội và tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRPD) của tỉnh. Giai đoạn 2011 – 2015 bình quân tăng trưởng GRDP là 8,31%/năm; tốc độ tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) là 2,44%/năm; tỷ trọng đóng góp của TFP vào tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh là 29,42%.

Trao đổi với đoàn công tác, Ông Nguyễn Anh Cương – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh cho biết: Trong thời gian qua, tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực hoạt động KH&CN đã nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ, công tác quản lý KH&CN trên địa bàn tỉnh. Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 28-CTr/TU ngày 05/4/2013, thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng (Khóa XI) về “Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đưa nhanh Nghị quyết vào thực tiễn sản xuất và đời sống xã hội của địa phương.

Đặc biệt, trong 10 năm qua, tỉnh Hải Dương đã được Bộ KH&CN quan tâm đầu tư các dự án KH&CN gồm các dự án: Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất sản phẩm xử lý đáy ao nuôi thủy sản; quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý vải thiều Thanh Hà; xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể nếp cái hoa vàng Kinh Môn; tuyên truyền về sở hữu trí tuệ trên Đài truyền hình tỉnh; ứng dụng tiến bộ KH&CN hoàn thiện mô hình nuôi cá Lăng chấm hàng hóa; xây dựng mô hình sản xuất và ứng dụng chế phẩm sinh học Fito – Biomix RR xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ; ứng dụng tiến bộ KH&CN sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu theo hướng hàng hóa; xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến trong nhân giống, sản xuất, bảo quản và tiêu thụ rau an toàn…Kết quả đã góp phần chuyển giao nhanh các kĩ thuật tiến bộ khoa học cho người dân, các doanh nghiệp áp dụng nâng cao hiệu quả sản xuất góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp, ông Nguyễn Anh Cương cho biết: tỉnh đã tập trung đẩy mạnh áp dụng các kĩ thuật tiến bộ vào sản xuất và đời sống, bảo vệ môi trường. Nghiên cứu, thử nghiệm lựa chọn các giải pháp KH&CN về giống cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với điều kiện sinh thái của tỉnh, năng lực của người dân và tập quán sản xuất từng vùng trên địa bàn tỉnh để chuyển giao cho người dân đưa vào sản xuất đại trà.

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực khoa học và kĩ thuật tỉnh đã lựa chọn áp dụng các kĩ thuật tiên tiến của công nghệ phù hợp nâng cao chất lượng sản phẩm, giải quyết việc làm. Xây dựng thành công hệ thống giám sát tự động thông số môi trường nước thải và khí thải bằng công nghệ GSM/GPRS phục vụ hiệu quả cho công tác giám sát, quản lý nước thải, khí thải tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Xây dựng và phát triển thành công mô hình hệ thống tưới nước theo công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nước, thuận lợi cho việc canh tác, giảm nhân công, nâng cao hiệu quả sản xuất cho các vùng sản xuất chuyên rau màu.

Ngoài ra, trong lĩnh vực khoa học y dược, tỉnh đã tập trung nghiên cứu điều trị một số bệnh có xu hướng phát triển trên địa bàn, nghiên cứu quản lý và sử dụng thuốc an toàn hợp lý, áp dụng các kĩ thuật tiến bộ về y học trong phòng bệnh, chuẩn đoán và điều trị bệnh.

Cùng với đó, hiện nay tỉnh đã xây dựng được 19 nhãn hiệu tập thể và 01 chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông sản và làng nghề của tỉnh bao gồm: gà đồi Chí Linh, na Chí Linh, nhãn Chí Linh, gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn, Ổi Thanh Hà, …Tổ chức áp dụng, duy trì cải tiến hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 tại các cơ quan đơn vị quản lý nhà nước từ cấp xã đến cấp cơ sở, ngành trong toàn tỉnh đảm bảo nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính; hoạt động kiểm tra về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và ghi nhãn hàng luôn được duy trì. Hướng dẫn doanh nghiệp về công bố tiêu chuẩn cơ sở, công bố phù hợp tiêu chuẩn/ quy chuẩn kĩ thuật; hoạt động dịch vụ kĩ thuật tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng được duy trì và phát triển ổn định.

Tiếp tục khẳng định vai trò, đóng góp của KH&CN

Tỉnh Hải Dương đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất với Bộ KH&CN nhằm đẩy mạnh hơn nữa hoạt động KH&CN tại tỉnh trong thời gian tới. Đặc biệt, tỉnh đề xuất mong muốn Bộ KH&CN sẽ hỗ trợ địa phương trong việc thực hiện lộ trình kiện toàn và nâng cao năng lực nghiên cứu, tiềm lực KH&CN đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực KH&CN thông qua các Chương trình, dự án khoa học công nghệ cấp nhà nước, cấp bộ; Ưu tiên hỗ trợ cho tỉnh trong hoạt động chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN trong các lĩnh vực khoa học nông nghiệp, khoa học y dược, khoa học kĩ thuật và công nghệ thông qua các dự án cấp nhà nước; Hỗ trợ và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao tại một số vùng chuyên canh trên địa bàn tỉnh như: vùng sản xuất cây ăn quả Vietgap tại Thanh Hà, Chí Linh, Kinh Môn, Ninh Giang; vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Tứ Kỳ, Thanh Miện, Gia Lộc; vùng sản xuất rau củ hữu cơ tại Thanh Hà, thành phố Hải Dương; Hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiêp của tỉnh được tiếp cận thông tin KH&CN mới, được tham gia các hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ các lĩnh vực sơ chế, bảo quản và chế biến nông sản, thực phẩm.

Cùng với đó, tỉnh cũng đề xuất một số nhiệm vụ KH&CN với Bộ KH&CN trọng tâm trong thời gian tới để triển khai trên địa bàn tỉnh như: Đề tài ứng dụng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ phù hợp để duy trì và khai thác bền vững dòng chảy suối Côn Sơn thuộc khu di tích đền thờ Nguyễn Trãi; Dự án ứng dụng tiến bộ KH&CN mở rộng và phát triển vùng khai thác rươi theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Hải Dương; Dự án xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa, rau chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Hải Dương; …
 

 

Bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh và đoàn công tác đã đến thăm nhà ươm cây giống số 1 của Công ty TNHH một thành viên Hưng Việt (Gia Lộc).
 

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh bày tỏ vui mừng được đến thăm mảnh đất xứ Đông địa linh nhân kiệt. Với sự quan tâm của các cấp uỷ đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, Hải Dương đã đạt được nhiều kết quả tích cực về mọi mặt, đặc biệt là phát triển kinh tế. Hoạt động KH&CN của tỉnh đã có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Rất đáng mừng, KH&CN đã tham gia, đóng góp vào sự phát triển chung đó của tỉnh, tạo ra nhiều dấu ấn quan trọng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh đề nghị trong thời gian tới, Hải Dương cần tập trung vào một số sản phẩm chủ lực có quy mô lớn, sức cạnh tranh cao để định hướng đầu tư, phát triển. Bộ KH&CN sẽ hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ để đạt hiệu quả cao. Tỉnh cần tập trung thúc đẩy các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn phát triển, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ, quan tâm đầu tư của các bộ, ngành Trung ương.

Về những đề xuất của Tỉnh, Bộ KH&CN sẽ quan tâm hỗ trợ Hải Dương triển khai đề tài nghiên cứu, ứng dụng công nghệ phù hợp để duy trì và khai thác dòng chảy suối Côn Sơn. Đối với một số đề tài liên quan đến các sản phẩm như cá trắm đen, khoai tây, rươi… Bộ trưởng đề nghị Hải Dương cần xem xét kỹ để lựa chọn sản phẩm phù hợp nhất trước khi đề xuất đưa vào triển khai thực hiện. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn của Hải Dương cùng chung tay thực hiện các nhiệm vụ KH&CN đáp ứng yêu cầu thực tế tại địa bàn, Bộ trưởng cho biết. 

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Mạnh Hiển mong muốn trong thời gian tới việc liên kết, hỗ trợ của Bộ KH&CN đối với Hải Dương sẽ chặt chẽ và cụ thể hơn. Hải Dương sẽ tiếp tục triển khai theo định hướng của Bộ bởi thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nếu không có KH&CN thì không thể phát triển đối với tất cả các lĩnh vực. Đồng chí cũng đề nghị hằng năm giữa Bộ KH&CN và tỉnh có sự phối hợp, kiểm tra lại chương trình hoạt động để đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm, hướng tới bước phát triển tốt hơn trong thời gian tới.
 

 

Bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh và đoàn công tác đã đến thăm Công ty CP Gốm sứ Chu Đậu (Nam Sách).
 

Trước đó, Bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh và đoàn công tác đã đến thăm nhà ươm cây giống số 1, nơi thực hiện dự án “xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến trong nhân giống, sản xuất, bảo quản và tiêu thụ rau an toàn tại Hải Dương” thuộc Chương trình hỗ trợ nông thôn, miền núi giai đoạn 2016-2025; thăm cơ sở chế biến, bảo quản rau quả của Công ty TNHH một thành viên Hưng Việt (Gia Lộc) và xưởng gốm Công ty CP Gốm sứ Chu Đậu (Nam Sách).
 

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Công ty TNHH một thành viên Hưng Việt.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 4071

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)