Thứ ba, 27/03/2018 10:20 GMT+7
Nghiên cứu sản xuất bầu ươm cây giống ngô, bí xanh, cà chua theo hướng công nghiệp tại Hải Phòng
Đây là tên nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố vừa được Hội đồng khoa học tiến hành tư vấn đánh giá, nghiệm thu chiều ngày 22/3/2018 tại Sở Khoa học và Công nghệ. Nhiệm vụ do tiến sĩ Đoàn Hữu Thanh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyên nông làm chủ nhiệm, triển khai từ tháng 9/2015 đến tháng 9/2017.
Quang cảnh Hội nghị.
Sau 24 tháng, nhóm nghiên cứu đã sản xuất thử nghiệm 36.000 bầu ươm cơ giới cho cây giống ngô, bí xanh, cà chua (mỗi loại 12.000 bầu) trên hệ thống máy đóng bầu với công suất 4.000 bầu/giờ và đề xuất quy trình sản xuất gồm các bước: xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp bằng chế phẩm Sumitri, phối trộn bầu ươm cơ giới cây giống theo công thức, xác định lực ép của máy đóng bầu và độ ẩm của giá thể. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu còn tiến hành đánh giá khả năng sinh trưởng và phát triển của cây trồng khi sử dụng bầu ươm cơ giới. Thực nghiệm theo dõi động thái tăng trưởng chiều cao và ra lá cho thấy, tốc độ tăng trưởng khi sử dụng bầu ươm cơ giới tốt hơn so với cây giống trong khay nhựa và bầu túi nylon. Đặc biệt, nhờ áp dụng cơ giới trong sản xuất nên chi phí nhân công sản xuất bầu ươm cơ giới giảm 92.000 đồng/1.000 bầu so với khi sản xuất bằng khay nhựa, giảm 132.000 đồng/1.000 bầu so với sản xuất cây giống bằng bầu nylon.
Hội đồng khoa học đánh giá, đề tài đảm bảo mục tiêu, nội dung và quy mô đề ra. Đây là lần đầu tiên Hải Phòng nghiên cứu ứng dụng cơ giới hóa, tự động hoá sản xuất bầu ươm cây giống cho cây bí xanh, cà chua, ngô theo hướng công nghiệp, thích ứng với điều kiện mặt ruộng có nước, khi trồng không cần dùng đất bột khô rắc bổ sung, có khả năng giữ ẩm cho cây giống khi gặp khô hạn. Bầu ươm cơ giới không cần vỏ bầu, không có keo dính. Bầu ươm được đóng trước, phơi khô, chịu lực nén, không bị vỡ khi vận chuyển, có thể bảo quản lâu dài trong điều kiện đóng gói cách ẩm, có đủ dinh dưỡng cho cây giống sinh trưởng phát triển tốt đến 20 ngày và không gây ô nhiễm môi trường. Với kết quả này, đề tài được Hội đồng khoa học đánh giá đạt 88,6 điểm.
Một số hình ảnh thực hiện nhiệm vụ:
Tiến sĩ Đoàn Hữu Thanh kiểm tra khả năng sinh trưởng và phát triển của cây khi sử dụng bầu ươm cơ giới.
Mô hình trồng cà chua bằng bầu ươm cơ giới tại phường Bàng La (Đồ Sơn)