Tham gia cùng đoàn công tác có ông Bùi Thanh Tùng, ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Phòng; đại diện Vụ Phát triển KH&CN địa phương và các thành viên liên quan. Về phía thành phố Hải Phòng, có ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố; ông Dương Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở KH&CN và đại diện các Sở, ngành liên quan.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phùng Đức Tiến phát biểu tại buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, ông Dương Ngọc Tuấn - Giám đốc Sở KH&CN báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển KH&CN tại thành phố Hải Phòng trong 2 năm 2016-2017. Theo đó, tiếp tục triển khai 11 chương trình KH&CN (trong đó có 6 chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ và 5 chương trình KH&CN trọng điểm), trong 2 năm 2016-2017, UBND thành phố Hải Phòng đã phê duyệt nhiều kế hoạch triển khai các chương trình cho giai đoạn 2016-2020 và các kế hoạch quan trọng khác, như: Kế hoạch hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn phát triển bền vững; Kế hoạch phát triển nhãn sinh thái; Kế hoạch chuyển đổi và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện…; Kế hoạch phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Kế hoạch về cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo… Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã ban hành Chương trình hành động số 49-CTr/TU ngày 09/01/2018 đề ra nhiệm vụ, giải pháp sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố đối với lĩnh vực KH&CN theo hướng chỉ tổ chức một đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở KH&CN.
Kết quả trong 2 năm 2016-2017, thành phố đã hỗ trợ 10 doanh nghiệp xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ, 06 doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa trọng điểm, chủ lực; 04 kết quả nghiên cứu khoa học được hỗ trợ nộp đơn đăng ký bảo hộ sáng chế; 02 doanh nghiệp xây dựng hồ sơ dán nhãn sinh thái; hỗ trợ 02 doanh nghiệp khởi nghiệp và lựa chọn 07 dự án khởi nghiệp thành phố tham dự Techfest Việt Nam 2017; triển khai 58 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp thành phố với tổng kinh phí thực hiện 64,5 tỷ đồng, trong đó kinh phí ngân sách là 29,5 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 45,3% còn lại là kinh phí từ các nguồn khác. Hoạt động quản lý nhà nước về KH&CN trong các lĩnh vực: Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; sở hữu trí tuệ; quản lý công nghệ và phát triển thị trường KH&CN; hợp tác trong nước và quốc tế về KH&CN tiếp tục được triển khai có hiệu quả.
Qua đó, thành phố Hải Phòng kiến nghị Quốc hội sớm xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa cho phù hợp với Luật Khoa học và công nghệ năm 2013 và các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết; đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017…
Buổi làm việc cũng làm rõ các vấn đề về kinh phí, ngân sách dành cho hoạt động KH&CN; đánh giá, thẩm định công nghệ của các doanh nghiệp; đánh giá về trình độ công nghệ, tốc độ đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp; hoạt động chuyển giao công nghệ và những ưu đãi của địa phương đối với doanh nghiệp; những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện chuyển giao công nghệ; sự liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN với các Viện, trường đại học trên địa bàn thành phố…
Đoàn giám sát đánh giá cao sự quan tâm của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hải Phòng đối với hoạt động KH&CN và những kết quả thành phố đã đạt được trong thời gian qua. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, Đoàn sẽ tiếp thu, đóng góp ý kiến với Quốc hội để góp phần tháo gỡ những khó khăn cho địa phương và doanh nghiệp.