Thứ ba, 06/03/2018 14:28 GMT+7

Nữ tiến sĩ đam mê với những sáng chế từ nano bạc

Trong sự kiện Trình diễn và kết nối cung cầu 2017 diễn ra vào cuối tháng 11/2017 tại Đà Nẵng, khách hàng nào đến với gian hàng của viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cũng được mời dùng thử một loại nước súc miệng rất đặc biệt điều chế từ nano bạc.

Theo TS Trần Thị Ngọc Dung – chủ nhân của sản phẩm thì đây chỉ là một trong số nhiều sản phẩm được ứng dụng vật liệu này.

Con đường thông dụng hoá từ nano bạc

Quả đúng là như vậy. Khi tôi tìm hiểu mới biết TS Trần Thị Ngọc Dung hiện là trưởng phòng Công nghệ thân môi trường – Viện Công nghệ môi trường thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, đang sở hữu nhiều kết quả nghiên cứu từ nano bạc đã được ứng dụng vào cuộc sống. Trong đó, có thể kể đến như: băng gạc điều trị vết thương, vết loét lâu lành, bộ dụng cụ lọc dùng cho mục đích làm sạch nước quy mô gia đình, băng bỉm vệ sinh cho trẻ em, người lớn, người già, khẩu trang phòng chống ô nhiễm môi trường, dung dịch vệ sinh phụ nữ, nước súc miệng…

Chị Dung bắt đầu câu chuyện về tính hữu dụng của bạc để lý giải những nghiên cứu của chị đeo đuổi để ứng dụng nhiều hơn vào cuộc sống. Chị bảo, thực chất bạc là chất đã được người xưa sử dụng vào chữa bệnh, bởi bạc có thể tiêu diệt 260 loại vi khuẩn. Vì thế người ta nghiên cứu để dùng vào việc chữa bệnh viêm mũi họng, điều trị bỏng, chấm chồi rốn do nhiễm trùng. Người xưa cũng hay dùng bạc để trị cảm mạo. Tuy nhiên ngày nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, nhiều nước đã nghiên cứu các sản phẩm từ bạc nhằm chăm sóc sức khoẻ con người.

Biết là bạc có nhiều tính năng như vậy, nhưng thực tế khi bắt tay vào nghiên cứu cũng không đơn giản, bởi muốn sản xuất được nano bạc để ứng dụng phải qua rất nhiều công đoạn và cũng tốn kém.
 

TS Trần Thị Ngọc Dung tại phòng thí nghiệm. Ảnh: H. Phương.
 

Chị Dung kể, năm 2006, khi thực hiện đề tài Nghị định thư giữa Việt Nam và Liên bang Nga về nghiên cứu điều chế nano bạc, chị và các đồng nghiệp đã được tiếp cận phương pháp mixen đảo – tức là tác nhân khử là các điện tử hydrat hoá được tạo ra bằng phương pháp hoá phóng xạ hoặc là bằng phương pháp sinh hoá (flavonoid quercetin chiết từ thực vật) có thể điều chế nano bạc với chất lượng tốt. Thế nhưng, cách này lại không phù hợp với điều kiện Việt Nam, vì quá trình tiến hành phải qua nhiều khâu phức tạp, nhiều thời gian; sử dụng các hoá chất đắt tiền, chi phí tốn kém và hiệu suất nano bạc không cao, khó để sản xuất nano bạc ở quy mô lớn. Vì vậy, TS. Dung và nhóm nghiên cứu đã quyết tâm tìm hướng nghiên cứu khác phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Qua tham khảo tài liệu nước ngoài và với sự hướng dẫn của các giáo sư đang làm việc tại Mỹ, chị đã tìm ra phương pháp điều chế nano bạc bằng cách dùng dung dịch nước để hoà tan muối bạc rồi sử dụng chất phân tán tạo ra các hạt bạc. Kết quả thật bất ngờ, các hạt bạc mà chị điều chế ra có kích thước nhỏ, đều, không bị lắng tụ, rất giống với vật liệu nano bạc. Hạt có kích thước nhỏ hơn 100 nanomét, đạt tiêu chuẩn là vật liệu nano.

Điều đáng nói hơn, phương pháp điều chế nano bạc mới này có chi phí thấp hơn 30 lần so với phương pháp cũ và có thể sản xuất số lượng lớn, tạo ra nhiều sản phẩm ứng dụng trong đời sống. Có được vật liệu, chị cùng nhóm nghiên cứu bắt tay vào những sản phẩm rất “đời thường” để nghiên cứu đi vào cuộc sống. Kết quả là những băng bỉm vệ sinh, lõi lọc nước, khẩu trang, băng gạc y tế… có gắn nano bạc ra đời.

Nghiên cứu để giải bài toán cuộc sống

Chia sẻ về những ý tưởng nghiên cứu của mình, chị Dung cho biết, trong cuộc sống thường nhật có không ít câu hỏi cần được giải đáp bằng khoa học công nghệ. Chị chỉ mong muốn làm sao công việc nghiên cứu gắn với thực tế. Kể lại câu chuyện ám ảnh chị mãi khi một người bạn làm bác sĩ tại bệnh viện Nhi Trung ương, nói với chị về trường hợp một bệnh nhi bị dị tật tim bẩm sinh. Khi đó dù gia đình họ rất khó khăn, nhưng đã cố gắng cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức từ thiện để thực hiện ca phẫu thuật. Ca phẫu thuật rất thành công, nhưng bệnh nhi sau đó vẫn không cứu được do bị nhiễm khuẩn vết mổ.

“Câu chuyện này ám ảnh tôi mãi và tôi đã bắt tay vào nghiên cứu băng gạc điều trị vết thương. Sau quá trình thực hiện, kết quả nghiên cứu cho thấy băng gạc rất thích hợp điều trị các vết loét khó lành và xử lý được các loại vi khuẩn kháng kháng sinh, giúp cho vết thương mau lành. Nghiên cứu này đã được hội đồng khoa học của viện đánh giá xuất sắc”, TS Dung tâm sự.

Hay như hồi tháng 8/2017, đúng lúc dịch suốt xuất huyết bùng phát tại Hà Nội, thì chị đến bệnh viện đa khoa Xanh Pôn. Chị nhận thấy cứ 10 người vào viện khám thì có tới 8 người bị sốt xuất huyết. Trong lúc đó, chị bị muỗi vằn đốt vào tay. Theo phản xạ, chị lấy bình có chứa dung dịch nano bạc xịt vào vết muỗi đốt. Khoảng 20 phút sau, vết muỗi vằn đốt biến mất. Từ đó, chị nảy ra ý tưởng phòng, chống sốt xuất huyết bằng dung dịch có chứa nano bạc. Hiện tại, chị đang phối hợp với viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để thử nghiệm, đánh giá hiệu quả của loại dung dịch này.

Các sản phẩm do chị và cộng sự nghiên cứu đều có đặc tính thân thiện môi trường, phù hợp với người Việt Nam, giá thành thấp và hiệu quả sử dụng cao. Chị thành thật chia sẻ, kết quả nghiên cứu của chị chuyển giao cho doanh nghiệp, chỉ trong một năm, doanh thu của doanh nghiệp sản xuất sản phẩm có chứa nano bạc đã đạt khoảng 500 tỷ đồng.

Hiện nay, sản phẩm khẩu trang nano bạc của chị đã được triển khai trong dự án Phát triển công nghệ nano trong sản xuất dụng cụ lọc khí cá nhân và thương mại hoá sản phẩm dạng khẩu trang nano dùng trong phòng tránh ô nhiễm môi trường. Hay như sản phẩm băng bỉm cũng được sản xuất và bán ra trên thị trường với doanh số ngày một tăng – chị Dung chia sẻ. Và cho biết, hiện chị đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nano bạc trong lĩnh vực nông nghiệp như công nghệ bảo quản nông sản sau thu hoạch, xử lý bệnh hại trên cây trồng, vật nuôi.
 

Bên cạnh sáng chế và các sản phẩm ứng dụng, TS Trần Thị Ngọc Dung còn là tác giả và đồng tác giả của hai công trình khoa học quốc tế, trên 20 công trình trong nước và tham gia các hội thảo khoa học, ứng dụng.

Năm 2017 chị được chương trình Giải thưởng nghiên cứu khoa học dành cho nữ giới L’Oreal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học trao giải thưởng Nhà khoa học nữ xuất sắc.


Liên kết nguồn tin: http://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/nu-tien-si-dam-me-voi-nhung-sang-che-tu-nano-bac/2018030106047948p1c160.htm

Nguồn: Báo Khoa học và Phát triển

Lượt xem: 4902

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)