Việt Nam đã làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90 m và 120 m
|
Khẳng định vai trò then chốt
Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàn - Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN (Bộ Công Thương) - cho biết: Nhằm cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KH&CN phù hợp với yêu cầu phát triển của ngành Công Thương, ngày 6/8/2013 tại Quyết định số 5540/QĐ-BCT, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã phê duyệt Chiến lược phát triển KH&CN ngành Công Thương giai đoạn 2011 - 2020, trong đó nhấn mạnh KH&CN là động lực then chốt để phát triển bền vững ngành Công Thương. Các hoạt động KH&CN phải đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Công Thương, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Chiến lược đã đề ra 4 nhóm nhiệm vụ phát triển KH&CN của ngành Công Thương đến năm 2020: Hoàn thiện tổ chức, cơ chế quản lý và thông tin KH&CN; nâng cao năng lực nghiên cứu KH&CN; nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển bền vững các lĩnh vực của ngành Công Thương như cơ khí, khai thác và chế biến khoáng sản, hóa chất và công nghệ vật liệu, công nghiệp năng lượng, công nghiệp nhẹ và công nghệ sinh học, công nghiệp môi trường… đẩy mạnh hoạt động thông tin, thống kê KH&CN, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và sở hữu trí tuệ.
Theo đó, nhiều giải pháp đột phá để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của chiến lược được đề ra như thực hiện có hiệu quả việc đổi mới tổ chức của các viện nghiên cứu theo hướng nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm; xây dựng và áp dụng các cơ chế quản lý tài chính thông thoáng, đơn giản; lựa chọn đầu tư chiều sâu có trọng tâm, trọng điểm một số phòng thí nghiệm mới cho các viện nghiên cứu với thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu nghiên cứu; thành lập và sử dụng có hiệu quả các quỹ phát triển KH&CN của các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp…
Thổi luồng sinh khí mới
Sau khi chiến lược được phê duyệt, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị trong Bộ triển khai thực hiện. Đến nay, hầu hết các tập đoàn, tổng công ty lớn, các viện nghiên cứu và trường đại học của Bộ đã xây dựng, phê duyệt và đang thực hiện kế hoạch hành động thực hiện chiến lược, qua đó đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, đến nay 21 viện nghiên cứu chuyên ngành của Bộ đều đang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Nguồn nhân lực KH&CN ở các viện nghiên cứu thuộc Bộ hiện có khoảng gần 4.000 người, trong đó tỷ lệ cán bộ có trình độ thạc sĩ trở lên chiếm khoảng 22%, kỹ sư/cử nhân chiếm khoảng 52%. Các viện đã hoàn thành 12 dự án đầu tư tăng cường cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu và đang tiếp tục thực hiện 6 dự án đầu tư chiều sâu với tổng kinh phí khoảng 624 tỷ đồng.
Đặc biệt, hoạt động KH&CN của ngành Công Thương đã tập trung giải quyết đòi hỏi thực tế, đáp ứng yêu cầu của sản xuất trong cơ chế thị trường, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành. Chẳng hạn, trong lĩnh vực dầu khí, việc nghiên cứu làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90 m và 120 m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam đã đưa Việt Nam vào danh sách các nước có khả năng thiết kế, chế tạo giàn khoan tự nâng dầu khí. Hay, trong lĩnh vực điện và thiết bị điện, đã làm chủ thiết kế, chế tạo các chủng loại biến áp với chất lượng tương đương sản phẩm cùng loại của các nước châu Âu, trong khi giá bán giảm 15-20%...
Mục tiêu Chiến lược phát triển KH&CN ngành Công Thương giai đoạn 2011 - 2020, phấn đấu có 70-80% đề tài nghiên cứu xuất phát từ nhu cầu của thị trường, phục vụ nhu cầu doanh nghiệp, số công trình đạt giải thưởng sáng tạo KH&CN và các giải thưởng cao quý khác tăng 15% so với giai đoạn 2005-2010.
|
Liên kết nguồn tin:
http://baocongthuong.com.vn/phat-trien-khoa-hoc-va-cong-nghe-nganh-cong-thuong-nhieu-chuyen-bien-can-ban.html