Thứ tư, 27/12/2017 18:00 GMT+7

Nhiều giải pháp kiện toàn chính sách phát triển doanh nghiệp KH&CN

Chiều ngày 26/12/2017, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức họp Hội đồng đánh giá, nghiệm thu cấp Nhà nước đề án “Nghiên cứu đề xuất giải pháp phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo Luật Khoa học và Công nghệ 2013”, mã số CT-592.DABKHCN.12.2015.

Đề án thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm (Chương trình 592), do Bộ KH&CN giao Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN chủ trì, TS. Phạm Hồng Quất – Cục trưởng làm chủ nhiệm.
 


Toàn cảnh buổi họp Hội đồng đánh giá, nghiệm thu cấp Nhà nước Đề án


Tại buổi họp Hội đồng đánh giá, nghiệm thu, TS. Phạm Hồng Quất cho biết, đề án đặt mục tiêu đánh giá được thực trạng và các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển hệ thống doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn cả nước. Thiết lập mạng lưới thông tin về doanh nghiệp có tiềm năng thành doanh nghiệp KH&CN. Đồng thời, đề xuất giải pháp để hoàn thiện văn bản pháp lý về doanh nghiệp KH&CN và chính sách để phát triển doanh nghiệp KH&CN. Xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung/ thay thế Nghị định số 80/2007/NĐ-CP, Nghị định số 96/2010/NĐ-CP về doanh nghiệp KH&CN.

Kết quả, Đề án đã cung cấp luận cứ khoa học để đề xuất các giải pháp phát triển doanh nghiệp KH&CN. Cụ thể, đã trình bày những vấn đề cơ sở lý luận về doanh nghiệp KH&CN, các hoạt động của doanh nghiệp KH&CN. Đề xuất khái niệm về chính sách phát triển doanh nghiệp KH&CN, các nhân tố ảnh hưởng tới chính sách phát triển doanh nghiệp KH&CN.

“Điểm mới đóng góp trong phần lý luận đó là đưa ra khái niệm về chính sách phát triển doanh nghiệp KH&CN, đã xây dựng được các tiêu chí đánh giá sự phát triển của các doanh nghiệp KH&CN”, ông Phạm Hồng Quất nhấn mạnh.

Đề án cũng đã phân tích được những kết quả đạt được trong việc thực hiện chính sách phát triển doanh nghiệp KH&CN, khó khăn, hạn chế cũng như nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế.

Về thực trạng phát triển doanh nghiệp KH&CN, tính đến tháng 8/2017, cả nước có 303 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, tăng 69 doanh nghiệp so với thời điểm tháng 6/2016. Bên cạnh đó, nhiều hồ sơ đăng ký chứng nhận được các sở KH&CN tiếp nhận và đang trong quá trình thẩm định, họp hội đồng đánh giá.

Theo ông Phạm Hồng Quất, cả nước có 50 Sở KH&CN đã tiến hành cấp chứng nhận doanh nghiệp KH&CN (tăng 4 Sở so với năm 2016). Một số tỉnh, thành phố tiếp tục phát huy thế mạnh, tăng trưởng mạnh về số lượng doanh nghiệp KH&CN như Hà Nội (38 DN), TP. Hồ Chí Minh (29 DN), Thanh Hóa (18 DN), Quảng Ninh (10 DN),… Tổng doanh thu năm 2016 của các doanh nghiệp KH&CN đạt 14.402,22 tỷ đồng, tăng 16,32% so với năm 2015.

Trong quá trình thương mại hóa sản phẩm để hình thành và phát triển doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp KH&CN gặp không ít khó khăn trong việc đưa sản phẩm ra thị trường. Ví dụ, rào cản từ cơ chế chính sách trong việc công nhận sản phẩm mới, tâm lý e ngại từ người tiêu dùng, công nghệ mới, giá thành cao, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm, mở rộng thị trường ra nước ngoài,…

Qua phân tích thực trạng, đề án đã đề xuất được 6 giải pháp căn bản để làm luận cứ khoa học trong việc hoạch định, kiện toàn chính sách về doanh nghiệp KH&CN. Cụ thể: hoàn thiện quy định về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, hoàn thiện quy định về chính sách ưu đãi tín dụng đầu tư, hoàn thiện quy định về chính sách ưu đãi đất đai, hoàn thiện quy định về chính sách giao kết quả nghiên cứu thuộc ngân sách nhà nước, quy định pháp luật về hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa kết quả KH&CN. Đồng thời, đưa ra các kiến nghị với Bộ KH&CN, Bộ Tài chính, đối với các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đối với doanh nghiệp KH&CN.

Các thành viên Hội đồng đều đánh giá cao những kết quả Đề án đạt được và đưa ra những góp ý, đề xuất để nhóm nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông KH&CN

Lượt xem: 2788

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)