Thứ tư, 13/12/2017 16:18 GMT+7
Sinh hoạt khoa học “Tìm hiểu về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII)”
Chỉ số đổi mới toàn cầu (Global Innovation Index-GII) là một công cụ đo lường hệ thống đổi mới ở mức quốc gia được Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) phối hợp với Trường kinh doanh INSEAD (Cộng hòa Pháp) và Đại học Cornell (Hoa Kỳ) xây dựng và liên tục hoàn thiện. Việc tính toán, công bố kết quả tính toán GII hàng năm cho hơn một trăm quốc gia trên thế giới cho phép đánh giá, xếp hạng năng lực đổi mới của các quốc gia này. Để giúp các cán bộ nghiên cứu hiểu rõ hơn về chỉ số GII, Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN đã tổ chức buổi sinh hoạt khoa học nhằm giới thiệu và phân tích về Chỉ số này.
GII được tính toán từ khoảng 80 chỉ số riêng biệt, được phân thành 7 nhóm chỉ số: (1) Thể chế, (2) Nguồn nhân lực và nghiên cứu, (3) Cơ sở hạ tầng, (4) Sự tinh tế của thị trường, (5) Sự tinh tế của giới doanh nghiệp (6) Sản phẩm tri thức và công nghệ và (7) Sản phẩm sáng tạo. Hàng năm, số quốc gia được đánh giá và xếp hạng là có thay đổi, số lượng các chỉ số dùng để tính GII cũng thường được bổ sung, thêm bớt, đồng thời phương pháp tính toán và nguồn dữ liệu để tính toán cũng được hiệu chỉnh, do đó làm ảnh hưởng đến việc so sánh thứ hạng GII giữa các năm của một quốc gia. Trong các báo cáo GII những năm gần đây Việt Nam luôn được xếp vào nhóm những nước có “mức thực hiện” tốt hơn (thậm chí là tốt nhất) trong nhóm những nước có thu nhập trung bình thấp.
Năm 2017, trong bảng xếp hạng của GII, Việt Nam xếp thứ 47, tăng 12 bậc so với vị trí 59 năm 2016. Để duy trì tăng trưởng ổn định thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng GII, Việt Nam cần có những chính sách khuyến khích, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bao gồm cả chính sách đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Toàn cảnh buổi sinh hoạt học thuật
Những thông tin do GII cung cấp giúp các quốc gia nhìn nhận về hệ thống đổi mới quốc gia, năng lực đổi mới của quốc gia mình trong tương quan với các quốc gia khác, đặc biệt là với các quốc gia trong khu vực hoặc trong cùng nhóm thu nhập, qua đó giúp các quốc gia tham khảo, xem xét, đưa ra các quyết định và chính sách phù hợp hơn, nhằm nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của mình./.