Thứ ba, 24/10/2017 16:34 GMT+7
Tọa đàm khoa học chuyên đề “Sự phù hợp và những hạn chế của Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) áp dụng trong điều kiện Việt Nam”
Trong khuôn khổ các hoạt động triển khai công tác nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN năm 2017, ngày 20/10/2017, Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN đã tổ chức Tọa đàm chuyên đề về tính phù hợp và những tồn tại, hạn chế của chỉ số đổi mới sáng tạo GII trong điều kiện của Việt Nam, do ThS. Nguyễn Thị Phương Mai chủ trì trao đổi.
Chỉ số ĐMST toàn cầu (Global Innovation Index-GII) là một phép đo mức độ thực hiện, năng lực của hệ thống ĐMST quốc gia được áp dụng thống nhất cho tất cả các nước, nền kinh tế được xem xét và qua đó đưa ra xếp hạng năng lực ĐMST của các quốc gia/nền kinh tế. GII được Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) phối hợp với Trường kinh doanh INSEAD, Pháp và Đại học Cornell, Hoa Kỳ) xây dựng lần đầu tiên vào năm 2007 và liên tục hoàn thiện nhằm có được một bộ công cụ đo lường hệ thống ĐMST ngày càng hoàn thiện và có khả năng so sánh quốc tế. Bộ công cụ đo này được cho là tốt hơn, phong phú và xác đáng hơn so với các phép đo ĐMST truyền thống như số lượng các bài báo nghiên cứu được công bố, số đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ hay các mức chi tiêu R&D, v.v…
Với định hướng đi sâu vào nghiên cứu bản chất và phương pháp luận xây dựng bộ chỉ số GII, nhiệm vụ tập trung làm rõ phương pháp luận do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) áp dụng để xây dựng và tính toán chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), đối chiếu với đặc điểm kinh tế - xã hội và hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam, từ đó phân tích những ưu điểm, hạn chế của cách tiếp cận mà Tổ chức WIPO áp dụng và đưa ra những khuyến nghị về sử dụng GII như một công cụ chính sách phù hợp với đặc thù của nền kinh tế Việt Nam. Thông qua nghiên cứu, khảo sát và phân tích, nhóm thực hiện dự kiến sẽ đưa ra: (i) phương pháp luận của việc xây dựng và tính toán chỉ số GII; (ii) phân tích sự phù hợp, hạn chế của cách tiếp cận GII đối với nền kinh tế Việt Nam; (iii) khuyến nghị sử dụng cách tiếp cận GII như một công cụ chính sách phù hợp với đặc thù của nền kinh tế Việt Nam.
Các đại biểu trao đổi ý kiến tại Hội thảo
Trao đổi trong khuôn khổ Tọa đàm, các ý kiến tập trung thảo luận về các vấn đề: (i) phương pháp tính toán chỉ số GII: (i) WIPO và các tổ chức đồng tác giả, và từng cách thức phương pháp tính toán từng thành phần (ii) Xem sự phù hợp đánh giá của WIPO và các tổ chức đồng giả với Việt Nam như thế nào trong đó có sự so sánh với các phương pháp của một số các tác giả khác (GII chỉ là 1 trong các phương pháp đánh giá chỉ số đổi mới sáng tạo, ở đây chúng ta xem GII đánh giá có phù hợp với VN hay không, có ưu điểm, hạn chế gì…); (iii) Khuyến nghị sử dụng GII như một công cụ chính sách để phục vụ và hỗ trợ sự phát triển của ngành, trong bối cảnh Chính phủ cũng đã có sự nhìn nhận nghiêm túc và đưa bộ chỉ số GII vào Nghị quyết và chương trình hành động.
Buổi tọa đàm thuộc nhóm các hoạt động hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN, và là căn cứ quan trọng để Viện tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện các nội dung khoa học liên quan đến bộ Chỉ số GII - một vấn đề rất mới nhưng được Bộ KH&CN cũng như Chính phủ quan tâm và chỉ đạo sát sao./.