Thứ sáu, 27/10/2017 09:47 GMT+7

Khu Công nghệ cao TPHCM tiến đến giá trị mới

Trải qua 15 năm hình thành và phát triển, Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) đã dần trở thành một khu công nghệ cao tiên phong của cả nước, dẫn đầu trong lĩnh vực thu hút đầu tư, phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất, nghiên cứu, hỗ trợ thương mại hóa, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu về công nghiệp hỗ trợ…

Tạo ra hình ảnh mới

Qua quá trình phát triển, việc thu hút doanh nghiệp (DN) FDI là bước đi cần thiết trong giai đoạn khởi đầu của SHTP. Đến nay, Ban quản lý SHTP đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 130 dự án gồm nhiều lĩnh vực. Đặc biệt SHTP đã thu hút thành công những tập đoàn công ty công nghệ hàng đầu thế giới vào đầu tư sản xuất sản phẩm CNC như Intel, Nidec, Sanofi, Samsung, Sonion…

Nhưng theo TS Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý SHTP, mục tiêu lớn của SHTP là tạo ra một hình ảnh mới và phương thức hoạt động mới bằng việc xây dựng những trung tâm nghiên cứu KH-CN hiện đại và gắn với thị trường nhằm làm hạt nhân phát triển năng lực nội sinh, đồng thời đẩy mạnh phát triển đào tạo nhân lực với trình độ cao.

Mặt khác, SHTP cần có những trung tâm ươm tạo DN CNC làm cơ sở cho việc ứng dụng và triển khai những thành tựu khoa học mới, đồng thời liên kết hoạt động của các trung tâm này tạo một mối quan hệ tương ứng, hỗ trợ nhau trong hoạt động và phát triển.
 


SHTP trình diễn các sản phẩm công nghệ cao tại Hội nghị thường niên Hiệp hội Các khu công viên khoa học châu Á lần thứ 21 tại TPHCM (ASPA 21)

 

Giai đoạn hiện nay, tất cả DN đầu tư vào SHTP đều phải cam kết thực hiện hoạt động R&D (nghiên cứu - phát triển) và chuỗi cung ứng nội địa với lộ trình rất cụ thể. Trong vòng khoảng 3-5 năm, tối thiểu 35% giá trị sản xuất tạo ra được nội địa hóa, có sự tham gia của DN Việt Nam trong chuỗi cung ứng đó.

Điển hình là DN cung ứng các sản phẩm cho Samsung, các DN cung ứng thứ cấp cho Samsung phải là các DN Việt Nam, chứ không chỉ toàn bộ là DN của Hàn Quốc. Cùng với đó, các DN Hàn Quốc mới được cấp phép phải cam kết thành lập các trung tâm để nghiên cứu và phát triển các dòng sản phẩm mới cho Samsung, trong đó có sử dụng nhân lực là người Việt Nam và có kế hoạch cụ thể để đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ cho DN Việt Nam. 

Theo TS Lê Hoài Quốc, đây là định hướng nhằm tạo điều kiện cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung phát triển bền vững. Do vậy, sẽ không có làn sóng cấp phép đầu tư liên tục, mà đó phải là sự sàng lọc chọn lựa nhà đầu tư. 

Xây dựng mạng lưới kết nối

Thời điểm hiện nay, SHTP đã bước qua một giai đoạn mới nên hướng đi cho những năm kế tiếp theo sẽ là những “cầu nối” hướng đến giá trị lớn hơn cho SHTP. Theo đó, chiến lược của SHTP là thu hút đa dạng hơn các loại hình dịch vụ để nâng cao chất lượng sống và làm việc tại SHTP, từng bước nâng cao giá trị thương hiệu SHTP trong khu vực và quốc tế.

Theo chính sách liên kết vùng của TPHCM, SHTP sẽ đề xuất cơ chế cho phép các DN của SHTP được sử dụng cơ sở vật chất của các trường đại học (như các thiết bị R&D, nguồn nhân lực có tay nghề cao, cũng như khai thác các hoạt động đào tạo và tư vấn...).

Ngược lại, DN trong SHTP cũng sẽ đóng vai trò hỗ trợ cho các đề án, đề tài nghiên cứu của các sinh viên được có nguồn vốn và cơ hội hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo của mình. Đây chính là mô hình hợp tác 3 bên nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, hỗ trợ DN nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của DN trong nước. 

Theo bà Lê Bích Loan, Phó trưởng Ban quản lý SHTP, giá trị từ dịch vụ hạ tầng và tiện ích hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho DN là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với nhà đầu tư hiện nay. Do đó, ban quản lý sẽ tăng cường các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh với các hoạt động hỗ trợ DN nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển sản phẩm, đổi mới công nghệ, nâng cao hàm lượng giá trị công nghệ của sản phẩm... 

Song song với các hoạt động khoa học quốc tế, SHTP còn xây dựng mối quan hệ hợp tác thường xuyên với các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế. Để làm nền tảng cho tăng cường hợp tác quốc tế KH-CN, đào tạo nhân lực trình độ cao thì trong chiến lược mới, xây dựng mạng lưới kết nối cũng là một mục tiêu quan trọng.

Việc xây dựng mạng lưới kết nối giữa các DN, giữa DN với các tổ chức khác để hình thành chuỗi giá trị gia tăng cho hoạt động của DN nói riêng và SHTP nói chung.

SHTP đang tập trung thúc đẩy triển khai dự án Saigon Silicon Center nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng mạng lưới kết nối trên phạm vi toàn cầu bằng cách tận dụng nguồn lực từ DN Việt kiều, là những nhân tố sở hữu vốn kinh nghiệm và kiến thức to lớn về các công nghệ tiên tiến cũng như có lợi thế về việc tạo lập các mối quan hệ ở phạm vi toàn cầu.

Giá trị sản lượng sản xuất hàng năm của các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động tăng trưởng đều đặn: Năm 2010 đạt 0,5 tỷ USD, năm 2011 đạt 1 tỷ USD, năm 2012 đạt trên 2 tỷ USD, năm 2013 là 2,85 tỷ USD, năm 2014: 3,25 tỷ USD, 2015: 4,6 tỷ USD; 2016: 7,6 tỷ USD. Lũy kế từ đầu đến nay, SHTP sản xuất khối lượng hàng hóa đạt trên 23 tỷ USD. Dự kiến trong năm 2017 sẽ đạt giá trị sản xuất toàn khu là 12 tỷ USD và đến năm 2020 sẽ vượt mốc 20 tỷ USD.

Liên kết nguồn tin: http://www.sggp.org.vn/shtp-tien-den-gia-tri-moi-477979.html

Nguồn: Báo Sài gòn Giải phóng

Lượt xem: 3402

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)