Thứ sáu, 27/10/2017 09:39 GMT+7

Đẩy mạnh khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại Đông Nam Bộ

Đông Nam Bộ đang là vùng đứng thứ hai cả nước về số doanh nghiệp (DN) mới thành lập, do đó để hỗ trợ các DN phát triển, cần đẩy mạnh khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (ĐMST) để tạo được những bứt phá về năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, mang lại thành công cho DN.


Ảnh: VGP/Thanh Thủy

 

Đó là ý kiến của đa số các địa phương, chuyên gia kinh tế tại Hội nghị giao ban khoa học và công nghệ (KH&CN) vùng Đông Nam Bộ lần thứ 14 do Bộ KH&CN tổ chức trong 2 ngày 25-26/10 tại TPHCM.

Trong giai đoạn 2015-2017, hoạt động KHCN của các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ đã đạt được những kết quả ấn tượng với 1.090 nhiệm vụ, dự án KH&CN cấp tỉnh được triển khai. Trong đó, tỷ lệ các đề tài ở lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ chiếm 32,3%, y-dược 20%, khoa học nông nghiệp 19%, khoa học xã hội 15,7%, khoa học nhân văn 6,6%, khoa học tự nhiên 6,4%. Các địa phương trong vùng đã dành 65-70% kinh phí cho hoạt động nghiên cứu triển khai, phát triển công nghệ với tỷ lệ ứng dụng sau nghiệm thu đạt khoảng 70-75%.

Chính vì vậy, để thúc đẩy khởi nghiệp, các hoạt động hỗ trợ DN, nhất là DN vừa và nhỏ, DN khởi nghiệp đang rất được chú trọng và triển khai mạnh mẽ tại một số địa phương, đặc biệt là TPHCM.

Tại TPHCM, chương trình hỗ trợ DN vừa và nhỏ ĐMST, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn 2016-2020 đã hỗ trợ được 2.000 dự án khởi nghiệp sáng tạo để hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo thông qua các hoạt động tư vấn, đào tạo, kết nối, ươm tạo. Đồng thời, hỗ trợ hạ tầng cơ sở vật chất với việc quy hoạch, thu hút đầu tư dự án khởi nghiệp với tổng quy mô 40.000 m2.  

UBND TPHCM cũng ban hành quy chế phối hợp hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST nhằm hỗ trợ các dự án khởi nghiệp có sử dụng ngân sách sự nghiệp KH&CN của Thành phố, mỗi dự án được hỗ trợ tối đa 2 tỷ đồng.

Đến nay, TPHCM đã hình thành 5 không gian hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST và kết nối. Tiêu biểu là mô hình Trung tâm thúc đẩy ĐMST và khởi nghiệp của Thành phố (Saigon Innovation Hub - SIHUB) nhằm hỗ trợ việc thành lập và hoạt động của DN khởi nghiệp sáng tạo (startup), DN KH&CN; đưa vào hoạt động phòng thí nghiệm mở (OpenLab) tại Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm (CASE) nhằm ưu tiên hỗ trợ các dự án khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hóa và vi sinh; hợp tác với các mô hình OpenLab khác của các DN như Microsoft, Bosch.

Bên cạnh đó, một số địa phương khác như Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương… cũng đã có các chương trình, đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; nhiều chính sách hỗ trợ được triển khai một cách hiệu quả.

Có thể nói, những thành tựu của hoạt động KH&CN vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2015-2017 đã cụ thể hóa và ban hành khá đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật về chủ trương, chính sách phát triển KH&CN phù hợp với tình hình thực tiễn hoạt động của các địa phương, trong đó có nhiều cơ chế, chính sách mang tính tiên phong, đột phá trong hoạt động quản lý KH&CN.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc, trong giai đoạn 2018-2020, để đẩy mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp, các tỉnh, thành phố trong vùng cần xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng, nhất là trong phát triển công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp an toàn, nông nghiệp công nghệ cao; ưu tiên các nhiệm vụ nghiên cứu triển khai phục vụ trực tiếp các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Cùng với đó là ưu tiên những nhiệm vụ có tính chất liên tỉnh, liên vùng, liên ngành; sát cánh hơn cùng với DN tạo lập liên kết 3 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà DN), liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà DN, nhà nông) để hỗ trợ các DN trong nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đổi mới công nghệ, giúp người nông dân được tiếp cận với những công nghệ mới, giống cây, con mới có năng suất, chất lượng cao nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, năng suất, chất lượng hàng hóa.

Có thể nói Đông Nam Bộ có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của cả nước. Do đó, chỉ có đẩy mạnh khởi nghiệp và ĐMST thì khu vực này nói riêng và Việt Nam nói chung mới có thể phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ, đặc biệt là công nghiệp công nghệ cao, điện tử- tin học, dầu khí, dịch vụ, nghiên cứu ứng dụng, từ đó góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Liên kết nguồn tin: http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Day-manh-khoi-nghiep-va-doi-moi-sang-tao-tai-Dong-Nam-Bo/320206.vgp

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ

Lượt xem: 3591

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)