Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại Diễn đàn
Diễn ra trong hai ngày, với sự tham gia của các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, quy tụ hơn 300 đại biểu từ 21 nền kinh tế thành viên, Diễn đàn khởi nghiệp APEC 2017 đã nhận được được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Chính Phủ, các Bộ, Ban ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Tại lễ khai mạc, thay mặt cho Bộ Khoa học và Công nghệ Thứ trưởng Trần Văn Tùng đã khẳng định, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngày càng được quan tâm thúc đẩy trong các nền kinh tế thành viên APEC. Tại Việt Nam, Tại Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang tập trung triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) và Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan trong đó có mục tiêu tạo lập các mạng lưới kết nối, xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lành mạnh, bền vững, liên kết chặt chẽ và tận dụng nguồn lực của cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc tế, đặc biệt là các quốc gia có mối quan hệ song phương, đa phương với Việt Nam và những tổ chức mà Việt Nam là thành viên”.
Tại diễn đàn đã diễn ra bốn phiên thảo luận với các nội dung về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số; giáo dục, đào tạo về khởi nghiệp, tăng cường kỹ năng nghề nghiệp cho giới trẻ; dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp: tài chính, ươm tạo doanh nghiệp, không gian làm việc chung, tư vấn kinh doanh... hướng tới tăng trưởng bền vững, đưa ra thảo luận về phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa để kiến nghị Hội nghị Bộ trưởng doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC.
Trong các phiên thảo luận, Thứ trưởng Trần Văn Tùng đã đưa ra các đề xuất phối hợp giữa các nước trong APEC. Thứ nhất, để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các bên liên quan trong hệ sinh thái khởi nghiệp APEC, một nền tảng trực tuyến kỹ thuật số có tính tương tác cao nên được cân nhắc thiết lập (APEC Startup Ecosystems Supporting Digital Platform). Thứ hai, cần cân nhắc khả năng huy động nguồn lực để hình thành một loại hình Quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc Chương trình hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến từ các nền kinh tế thành viên APEC. Thứ ba, tổ chức các chương trình tăng tốc đào tạo, huấn luyện kỹ năng khởi nghiệp (Bootcamp, Accelerator) dành cho các nhóm khởi nghiệp sáng tạo của các nền kinh tế thành viên APEC. Thứ tư, định kỳ tổ chức các sự kiện ngày hội kết nối cộng đồng khởi nghiệp APEC, có thể tổ chức luân phiên tại từng quốc gia, để tạo điều kiện gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, trình diễn sản phẩm, dịch vụ và kết nối khởi nghiệp với các nhà đầu tư.
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Trần Văn Tùng có lời mời các nhà đầu tư quốc tế và các đại biểu tham dự diễn đàn đến tham dự TECHFEST 2017 dự kiến tổ chức vào ngày 14-15 tháng 11 tại Hà Nội. Theo bà Phạm Thị Hằng, Tổng thư ký VCCI, TECHFEST 2017 sẽ là một sự kiện quan trọng của Việt Nam trong tuần lễ khởi nghiệp do VCCI phát động theo sáng kiến của mạng lưới các quốc gia khởi nghiệp (Startup Nations) mà Việt Nam đã tham gia.
TECHFEST là sự kiện về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quy mô quốc gia, do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội. Mục tiêu của TECHFEST nhằm kết nối các chủ thể của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế thông qua các hoạt động: Thu hút đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp, tham vấn chính sách về đổi mới sáng tạo, tôn vinh doanh nghiệp khởi nghiệp và các tổ chức hỗ trợ có đóng góp tích cực. Sự kiện hàng năm thu hút trên 5000 lượt khách tham dự, hơn 150 doanh nghiệp khởi nghiệp, 100 nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong nước và quốc tế với tổng số tiền đầu tư ước tính trên 1 triệu USD.
|