Thứ tư, 13/09/2017 16:37 GMT+7

Hội thảo khoa học của cán bộ trẻ Viện Công nghệ xạ hiếm

Ngày 05/9/2017, tại phòng Hội thảo của Viện công nghệ xạ hiếm (Viện NLNT Việt Nam), trong khuôn khổ các hoạt động khoa học của nhóm nghiên cứu ưu tiên về Hóa học nước, Trung tâm Phân tích đã tổ chức buổi Hội thảo khoa học với nội dung Báo cáo kết quả tham dự khóa đào tạo dành cho nghiên cứu viên và kỹ sư trẻ năm 2017 tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển Oarai - Nhật Bản của hai đồng chí Đỗ Thị Ánh Tuyết và Lê Quốc Việt - Trung tâm Phân tích.

 

 

Đến dự với buổi báo cáo có PGS. TS. Thân Văn Liên - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ xạ hiếm cùng toàn thể các cán bộ nghiên cứu thuộc Trung tâm Phân tích, các cán bộ từ các Trung tâm Nghiên cứu công nghệ trong Viện Công nghệ xạ hiếm.

Nội dung báo cáo đã làm nổi bật một số điểm cơ bản: Nhiệm vụ của cơ quan năng lượng nguyên tử Nhật Bản, các hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Oarai, là nơi các đồng chí được học tập và tham quan. Nội dung trọng tâm của bài báo cáo là phân biệt 3 loại lò nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Oarai, đó là lò JMTR (Japan Materials Testing Reactor), HTTR (High Temperature Engineering Test Reactor), JOYO (Fast Breeder Reactor). Đồng thời, báo cáo đã nêu rõ điểm khác nhau giữa các công nghệ lò và ứng dụng của chúng trong nghiên cứu, trong công nghiệp và một số ứng dụng khác. Báo cáo viên đã giới thiệu cấu tạo của hot lab, các vật liệu được sử dụng trong thiết kế hot lab ứng với các mục đích khác nhau, cách sử dụng bàn tay máy. Bên cạnh đó, công nghệ thử nghiệm nhiên liệu và vật liệu sau khi chiếu xạ mang lại nhiều kiến thức bổ ích và lý thú với các thiết bị thử ăn mòn ứng suất của vật liệu, hệ thống quét phát hiện ăn mòn, đo độ dày lớp oxit bằng kỹ thuật dòng xoáy,…Một phần quan trọng trong các báo cáo hấp dẫn người nghe là cơ chế hoạt động của lò tái sinh nhanh (Joyo) và hệ thống làm mát dùng khí Heli trong lò HTTR. Bên cạnh đó là bài thực hành tính toán trên phần mềm, thiết lập các điều kiện hoạt động khác nhau của lò, mô phỏng các sự cố trong quá trình vận hành lò, cách lấy mẫu quan trắc môi trường, ghi đo bức xạ và các tour tham quan thực tế các lò nghiên cứu.

Phần thảo luận sau báo cáo diễn ra sôi nổi, cởi mở, những chia sẻ kinh nghiệm của các báo cáo viên khi tham gia khóa học giúp các cán bộ trẻ tham gia khóa học này vào năm sau học hỏi và hứa hẹn thu hoạch được những kết quả tốt nhất.

Khóa đào tạo cho nghiên cứu viên và kỹ sư trẻ tại Nhật Bản diễn ra hàng năm, nằm trong chương trình hợp tác giữa nhóm Hóa học nước, Trung tâm Phân tích do PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Dung đứng đầu và JMTR - Nhật Bản. Khóa học tạo cơ hội cho các cán bộ trẻ được giao lưu, học tập trong môi trường quốc tế và có cái nhìn trực quan hơn về lĩnh vực nghiên cứu mà nhóm Hóa học nước đang hướng tới, từng bước tiếp cận đến những nghiên cứu sẽ được thực hiện bằng lò nghiên cứu mới tại Việt Nam trong tương lai./.

Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Lượt xem: 2488

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)