Thứ tư, 13/09/2017 17:03 GMT+7

Cải cách cơ chế để tạo lực đẩy

Là cầu nối trong việc lựa chọn, tổ chức ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ vào đời sống, tuy nhiên, trong thời gian qua, các trung tâm ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ vẫn chưa thực sự đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Thực tế cho thấy cần phải có cải cách về cơ chế, chính sách liên quan nhằm tạo lực đẩy cho các trung tâm này hoạt động hiệu quả.

Việc chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Sơn Hà

 


Chưa có sự kết nối


Theo báo cáo của Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH-CN), đội ngũ nhân sự ở các trung tâm ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH-CN (Trung tâm) trên toàn quốc chỉ có hơn 1.300 người (63 trung tâm). Trong các năm 2015, 2016, các trung tâm này chỉ thực hiện được 56 đề tài, 91 dự án với khoảng 3.300 hợp đồng dịch vụ, tư vấn và chuyển giao công nghệ; làm chủ được 197 công nghệ. Nhận định về tiềm lực của các đơn vị này, TS Hồ Ngọc Luật, nguyên Vụ trưởng Vụ KH-CN địa phương, cho rằng: Các trung tâm chưa thực hiện được vai trò kết nối giữa nhà nghiên cứu với khối sản xuất, kinh doanh và người dân. Đa số chưa được đầu tư đồng bộ, đầy đủ để thực hiện nhiệm vụ được giao. Nhiều trung tâm vẫn là nhà cấp 4, thậm chí phải thuê chỗ làm việc, không có nhà xưởng, trạm, trại thực nghiệm, thiết bị lạc hậu… Bên cạnh đó, nhân lực KH-CN tại các trung tâm còn thiếu và yếu.


Sau gần 20 năm đi vào hoạt động, Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ mới của tỉnh Hà Giang vẫn chưa có trụ sở hoạt động riêng, chưa đủ phòng làm việc và trang thiết bị đúng theo chức năng, mô hình hoạt động. Khó khăn này đã khiến hoạt động của Trung tâm chưa thực sự hiệu quả. Ông Vũ Hoàng Hiệp - Giám đốc Trung tâm cho biết: Hiện nay, địa phương có nhu cầu về chuyển giao công nghệ, nhưng thị trường sản phẩm này của Hà Giang chưa phát triển. Rất khó để người dân và nhà doanh nghiệp bỏ 100% vốn ra mua công nghệ do họ chưa được thử nghiệm và thấy rõ hiệu quả.


Không chỉ các tỉnh miền núi với điều kiện kinh tế, giao thông khó khăn như Hà Giang, mà tại một địa phương đang có tốc độ phát triển kinh tế nhanh như Vĩnh Phúc, hoạt động của Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ cũng rất hạn chế, do nguồn đầu tư tài chính luôn trong tình trạng thiếu hoặc không ổn định. Thêm vào đó, việc chưa có chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với cán bộ kỹ thuật trình độ cao đã khiến Trung tâm gặp nhiều khó khăn. Sau 14 năm hoạt động, nhân lực tại Trung tâm vẫn chỉ vỏn vẹn 5 người. Bà Nguyễn Thị Thúy Ngân - Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, khó khăn nhất hiện nay là thiếu đội ngũ thực hiện chuyển giao trong các lĩnh vực. Ngoài ra, sản phẩm khoa học cho lợi nhuận còn thấp và đầu ra cho sản phẩm chưa ổn định.

Tháo gỡ khó khăn


Chính phủ đã ban hành Nghị định 115/2005/NĐ-CP ngày 5-9-2005 quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH-CN công lập. Đây được coi là sự “cởi trói” cho các đơn vị KH-CN, trong đó có các trung tâm ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH-CN.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, mới đây, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 54/2016/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của tổ chức KH-CN công lập để thay thế Nghị định 115/2005/NĐ-CP. Sau khi Nghị định có hiệu lực, đến nay, cả nước đã có 40/63 trung tâm nhận quyết định của UBND tỉnh phê duyệt chuyển đổi sang mô hình tự chủ và 23 trung tâm đã chuyển đổi. Tuy nhiên ở mỗi địa phương, việc chuyển đổi lại có sự khác nhau, dẫn tới sự thiếu thống nhất trong hoạt động.

Thành lập từ năm 1987, sau 20 năm hoạt động cầm chừng, đến năm 2007 Trung tâm Ứng dụng KH-CN mới tỉnh Hải Dương đã chuyển đổi sang cơ chế tự chủ. Tuy nhiên, đến nay, sau 10 năm, Trung tâm vẫn chưa phát huy được vai trò của mình. Ông Nguyễn Cao Đam, Giám đốc Trung tâm cho rằng, do tiềm lực khoa học của đơn vị còn hạn chế nên tính bền vững chưa cao. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách đối với tổ chức KH-CN trong những năm gần đây tuy đã được điều chỉnh, song các văn bản hướng dẫn kèm theo vẫn còn bất cập.

Đánh giá chung cho thấy hoạt động của các trung tâm tương tự hoạt động của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khi phải lo đầu vào, đầu ra cho sản phẩm nhưng mô hình và cơ chế hoạt động của trung tâm lại khác doanh nghiệp nên gặp nhiều bất cập. Bên cạnh đó, các trung tâm được xác định là mô hình hoạt động công ích nhằm hỗ trợ, kết nối nhà khoa học với doanh nghiệp và người dân, phục vụ sự nghiệp quản lý nhà nước về KH-CN nên việc tự trang trải kinh phí gặp rất nhiều khó khăn. Ông Vũ Hoàng Hiệp đề xuất: Sau khi thực hiện hiệu quả các đề tài, các trung tâm nên được bố trí một phần kinh phí có được từ việc chuyển giao để tiếp tục nhân rộng đề tài.

Theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng, các cơ quan quản lý phải nắm bắt được tình hình ứng dụng, chuyển giao công nghệ và nhu cầu của địa phương để hoàn thiện cơ chế, chính sách và xây dựng các chương trình hỗ trợ phù hợp cho các trung tâm. Bộ KH-CN đã xác định việc nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm theo hướng phục vụ hiệu quả sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh ở địa phương là một trong những ưu tiên của hoạt động KH-CN tại cơ sở. Đây là một phần trong đề án "Nâng cao năng lực của Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH-CN, Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đến năm 2020", được kỳ vọng tạo ra luồng gió mới thúc đẩy, nâng cao năng lực hoạt động của các trung tâm./.

 

Liên kết nguồn tin: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Khoa-hoc/877039/cai-cach-co-che-de-tao-luc-day

Nguồn: Báo Hànộimới

Lượt xem: 3420

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)