Thứ tư, 13/09/2017 16:47 GMT+7

Đưa công nghệ trở thành công cụ

Báo cáo mới nhất của Liên minh phần mềm (BSA) tại Việt Nam vừa công bố một tin tốt là Việt Nam đã ra khỏi danh sách các quốc gia có tỷ lệ vi phạm bản quyền cao nhất thế giới.

Sử dụng phần mềm hợp pháp giúp doanh nghiệp thêm động lực hội nhập

Báo cáo này cũng ghi nhận những nỗ lực của các cơ quan chức năng của Việt Nam cùng cộng đồng doanh nghiệp với việc có những bước tiến mạnh mẽ và khả quan nhất trong cuộc chiến chống vi phạm bản quyền phần mềm. Nếu như năm 2004, tỷ lệ này là 92% thì năm 2011 đã giảm xuống còn 81% và năm 2015 là 78%.

Các chuyên gia nhìn nhận có sự liên quan rõ ràng giữa phần mềm không có bản quyền và các phần mềm độc hại. Ông Gary Gan, Giám đốc Chương trình tuân thủ khu vực châu Á - Thái Bình Dương của BSA cho biết, lượng phần mềm độc hại tăng chóng mặt trong vài năm trở lại đây và lên đến con số 430 triệu, tính trung bình cứ 7 phút lại có một cuộc tấn công. Nhiều tài khoản doanh nghiệp, những bí mật kinh doanh, những số liệu nhiều đối thủ kinh doanh thèm muốn đã rơi vào tay những doanh nhân mũ đen, trở thành những món hàng rao bán công khai. Ông Trần Văn Minh, Phó Chánh thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng thừa nhận sự nguy hại của thói quen “xài” phần mềm lậu khi những dữ liệu quan trọng nhất liên quan đến sự sống còn của doanh nghiệp có thể không cánh mà bay. Ông Minh phân tích thêm, việc bảo hộ quyền tác giả là một vấn đề mà các doanh nghiệp cần phải đặc biệt quan tâm. Nếu không các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và khó khăn trong hội nhập.

Phân tích của các chuyên gia đã cho thấy một vấn đề cốt lõi trong liên quan đến việc sử dụng bản quyền phần mềm hợp pháp. Đó chính là việc các doanh nghiệp có thể và cần phải biến những ưu thế của công nghệ hiện đại thành trợ thủ trong việc nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ và thương hiệu, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang càng lúc càng tác động mạnh mẽ đến doanh nghiệp. Lâu nay việc sử dụng các phần mềm không rõ nguồn gốc hoặc không bản quyền trở thành một thói quen khó cưỡng của không ít doanh nghiệp. Trong khi đó các doanh nghiệp lại hầu như không biết đến hoặc không nắm được các chương trình hỗ trợ của các tập đoàn phần mềm để từ đó phát huy tối đa năng lực kinh doanh của doanh nghiệp. Các chương trình hỗ trợ này luôn được các tập đoàn phần mềm coi như mục tiêu hàng đầu của họ trong việc hướng tới các doanh nghiệp chứ không đơn thuần chỉ là bán được “key” và thu lợi nhuận. Các doanh nghiệp hoàn toàn có thể được hưởng các ưu thế công nghệ mới nhất từ các chương  trình hỗ trợ này.

Nhiều chuyên gia nhìn nhận, để nâng cao hơn nữa hình ảnh hội nhập, doanh nghiệp Việt vẫn cần quan tâm nhiều hơn nữa đến vấn đề bản quyền. Cùng với đó, các cơ quan chức năng, hiệp hội nên có biện pháp như gửi thư khuyến cáo đến doanh nghiệp để phòng, chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là bảo hộ quyền tác giả đối với các chương trình máy tính./.

Liên kết nguồn tin: http://baocongthuong.com.vn/dua-cong-nghe-tro-thanh-cong-cu.html

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử

Lượt xem: 2681

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)