Các diễn giả cùng nhau thảo luận tại Hội nghị
Đây là sự kiện thường niên do Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) và Báo Vietnamnet tổ chức dành cho các lãnh đạo doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp tiêu biểu tại Việt Nam.
Tại Hội nghị, các diễn giả đề cập đến một số vấn đề cốt lõi đáng bận tâm nhất của các nhà lãnh đạo cấp cao tại Việt Nam và châu Âu, dựa trên kết quả nghiên cứu của Vietnam Report và Viện nghiên cứu Malik. Đứng trước những thách thức mở rộng đến từ thị trường, các rào cản lớn nhất đối với đại đa số doanh nghiệp xoay quanh ba chủ đề chính: sự thay đổi, nhân viên và quản trị.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Anh Tuấn, người đồng sáng lập kiêm Tổng Biên tập Diễn đàn toàn cầu Boston; Chủ tịch Ban cố vấn quốc tế Chương trình giáo dục Công dân Toàn cầu và Học tập Toàn cầu của UNESCO - Đại học California Los Angeles, cho biết, Trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong những chủ đề nóng nhất trong các diễn đàn phát triển toàn cầu hiện nay. Từ thực tế những chiếc xe tự lái, những máy trợ lý cá nhân… có thể thấy sự hiện diện của AI đang ở khắp mọi nơi, mọi lúc, ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực và đang đặt ra những câu hỏi lớn cho chiến lược phát triển của mọi quốc gia, cũng như hầu hết mọi doanh nghiệp.
Trong thời kỳ khó khăn như hiện nay, các CEO đang đối diện với rất nhiều rào cản và thách thức lớn. Theo kết quả nghiên cứu của Vietnam Report tại Việt Nam, từ phía doanh nghiệp (DN) đánh giá, rào cản lớn nhất mà họ đang phải đối mặt là thủ tục hành chính (chiếm 64,3%), tiếp đến là gánh nặng về thuế (55,4%), tình hình tăng trưởng kinh tế không ổn định (44,6%), biến đổi khí hậu và thảm họa môi trường (41,1%)… Từ những thực tế đó, các DN đã thực hiện nhiều chiến lược nhằm đối phó với những thay đổi mang tính toàn cầu của nền kinh tế và xã hội như: thực hiện các hoạt động đổi mới, tăng cường ưu thế cạnh tranh, tối đa hóa nguồn vốn con người, giảm thiểu chi phí…
Cũng theo kết quả nghiên cứu trên, về phía các nhà quản lý cấp cao cũng gặp nhiều rào cản phức tạp trong vấn đề quản trị DN: sự trỗi dậy của các đối thủ cạnh tranh mới trên thị trường, lao động thiếu kỹ năng cốt lõi hay giá năng lượng biến động…
GS, TS Fredmund Malik, Chủ tịch Viện nghiên cứu Malik nói: “Nhiều lãnh đạo biết họ phải làm điều gì, nhưng chỉ có số ít biết phải làm điều đó như thế nào để đạt được những mục tiêu nhất định và nhanh chóng”.
Với góc nhìn từ Việt Nam trước những cơ hội và thách thức từ tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng mà mở đầu là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều giải pháp chiến lược đã được các diễn giả phân tích trong Hội nghị.
Nước ta hiện nay đang có những tiền đề rất tốt để tiếp cận với công nghệ cao, tri thức mới và cơ hội phát triển vượt bậc, đó là: dân số trẻ, nhiều người có hứng thú với công nghệ mới, có tư duy cởi mở, có điều kiện về nền tảng học vấn cao hơn so với các thế hệ trước...
Bên cạnh đó, công nghệ thông tin, viễn thông và truyền thông ở nước ta được đánh giá là phát triển mạnh mẽ trong những năm qua, tạo điền kiện ổn định hạ tầng viễn thông và mạng lưới internet, bước đầu tạo vị thế cho quốc gia trên trường quốc tế. Với những điều kiện như vậy, các lãnh đạo doanh nghiệp là những người tiên phong cần thay đổi khả năng thích ứng, làm sao để tận dụng được tiềm lực sẵn có.
Liên kết nguồn tin: http://nhandan.com.vn/congnghe/item/33503702-de-viet-nam-nam-bat-co-hoi-cua-thoi-dai-tri-tue-nhan-tao.html