Thứ tư, 19/07/2017 15:19 GMT+7

Ưu tiên phát triển ngành công nghiệp môi trường

Tại Việt Nam, hoạt động sản xuất, kinh doanh đã và đang thải ra môi trường khối lượng lớn chất thải rắn (CTR), nước thải và khí thải. Tuy nhiên, ngành công nghiệp môi trường (CNMT) mới chỉ đáp ứng từ 2% đến 3% nhu cầu xử lý nước thải đô thị; 15% nhu cầu xử lý CTR; 14% nhu cầu xử lý chất thải nguy hại (CTNH), nhiều lĩnh vực chưa phát triển để đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

Đánh giá về hiện trạng và chính sách phát triển ngành CNMT ở Việt Nam thời gian qua, thạc sĩ Phạm Sinh Thành, chuyên gia công nghệ môi trường cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển ngành CNMT đến năm 2015, tầm nhìn 2025”, ngành CNMT nước ta mới được nhìn nhận như các đơn vị sản xuất, kinh doanh và cung cấp dịch vụ trong ba lĩnh vực gồm: thiết bị CNMT; dịch vụ CNMT (xử lý chất thải, thu gom chất thải, quan trắc, phân tích, đánh giá tác động môi trường…); sử dụng bền vững tài nguyên, phục hồi môi trường.

Việt Nam hiện có hơn 900 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong cả ba lĩnh vực nêu trên. Đối với lĩnh vực sản xuất thiết bị CNMT, bước đầu đã hình thành một số DN với sản phẩm chủ lực như lò đốt CTR thông thường, công nghiệp, y tế và chất thải nguy hại; hệ thống lọc bụi, dây chuyền phân loại rác và thiết bị vận chuyển rác chuyên dụng. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có công nghệ chế tạo thiết bị CNMT đúng nghĩa, mới chỉ dừng ở mức gia công cơ khí và lắp ráp sản xuất đơn lẻ.

Về dịch vụ CNMT, cả nước hiện có hơn 100 DN đang hoạt động trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải; 473 DN làm dịch vụ xử lý CTR và gần 90 DN đang hoạt động trong lĩnh vực xử lý CTNH đã được cấp phép hoạt động. Thực tế, quy mô hoạt động của các DN thực hiện dịch vụ CNMT vẫn ở mức vừa và nhỏ, vốn điều lệ ít, không có khả năng đầu tư vào các lĩnh vực đòi hỏi nguồn vốn lớn. Thiết bị, công nghệ của các DN chưa được đầu tư bài bản, đúng mức, nhất là việc chưa có quy định rõ ràng về điều kiện hành nghề cung cấp dịch vụ CNMT dẫn đến các DN này thành lập tràn lan, hoạt động kém hiệu quả; chất lượng dịch vụ của nhiều cơ sở cung cấp còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn…

Đáng chú ý, trong lĩnh vực sử dụng tài nguyên và phục hồi môi trường, hiện phần lớn chất thải công nghiệp có khả năng tái chế làm vật liệu xây dựng như tro xỉ của nhà máy nhiệt điện đốt than; xỉ lò cao, lò điện và bụi thải của lò luyện thép… vẫn chưa có công nghệ phù hợp để tái chế. Trong khi đó, với chất thải điện, vẫn chưa có một tổ chức trong nước đủ khả năng tái chế, thu hồi nguyên liệu gốc chứa trong thành phần của chất thải, mà chủ yếu được tái chế tại các làng nghề thủ công, hoặc sơ chế xuất ra nước ngoài.

Trưởng phòng Quản lý CTNH (Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường, Tổng cục Môi trường) Nguyễn Thành Yên cũng cho rằng: Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, là do hiện nay chưa có các mô hình công nghệ xử lý CTR hoàn thiện, đạt được cả về tiêu chí về kỹ thuật, kinh tế, xã hội và môi trường phù hợp với điều kiện Việt Nam. Do vậy, việc quản lý và xử lý an toàn chất thải, nhất là nghiên cứu các công nghệ xử lý chất thải; phát triển ngành CNMT nhằm giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường và hạn chế các tác động xấu tới sức khỏe của con người, là một trong những vấn đề cấp bách trong công tác bảo vệ môi trường ở nước ta hiện nay.

Hiện nay năng lực ngành CNMT mới đáp ứng được từ 2% đến 3% nhu cầu xử lý nước thải đô thị; 15% nhu cầu xử lý CTR; khoảng 14% nhu cầu xử lý CTNH; nhiều lĩnh vực tái chế như dầu thải, nhựa phế thải, chất thải điện, điện tử… hầu như chưa phát triển. Trong khi đó, việc thu hút các nguồn vốn đầu tư vào phát triển CNMT và tiết kiệm năng lượng còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu của xã hội. Lĩnh vực dịch vụ môi trường vẫn dựa chủ yếu vào kinh phí cấp từ nguồn ngân sách nhà nước, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ xử lý nước thải đô thị.

Nhằm từng bước phát triển ngành CNMT ở Việt Nam, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1292/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động phát triển ngành CNMT và tiết kiệm năng lượng thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Một trong những mục tiêu của kế hoạch này là: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi và hấp dẫn thu hút đầu tư phát triển ngành CNMT và tiết kiệm năng lượng; thu hút đầu tư phát triển, chuyển giao công nghệ phát triển ngành CNMT và tiết kiệm năng lượng, để các doanh nghiệp sản xuất ra các sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng quốc gia…

Các cơ quan liên quan cần tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách, phân loại và xác định các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ nguồn tài chính phát triển ngành CNMT. Mặt khác, cần tạo công bằng, bình đẳng cho các nhà đầu tư trong và nước ngoài; cần có các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia áp dụng cho mỗi loại sản phẩm, thiết bị mà ngành CNMT tạo ra.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế đang diễn ra ngày càng sâu rộng, cần xây dựng và ban hành mã ngành kinh tế và danh mục mã sản phẩm của ngành CNMT Việt Nam để nhận dạng sản phẩm, thiết bị làm căn cứ để quy định các chính sách thuế xuất, nhập khẩu đối với hàng hóa là sản phẩm và thiết bị của ngành này. Đây cũng là cơ sở để các bộ, ngành có liên quan xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng với các thiết bị, sản phẩm của ngành CNMT; làm chuẩn mực cho các đánh giá, so sánh trong hoạt động thẩm định, lựa chọn, định giá thiết bị, sản phẩm của các dự án đầu tư phát triển CNMT.

Liên kết nguồn tin: http://nhandan.com.vn/khoahoc/item/33481002-uu-tien-phat-trien-nganh-cong-nghiep-moi-truong.html

Nguồn: Báo điện tử Nhân dân

Lượt xem: 3669

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)