Thứ tư, 26/07/2017 13:57 GMT+7

Xử lý rác thải công nghiệp thành điện năng

Sáng 19-7, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh và đoàn lãnh đạo các sở, ngành của thành phố đã có buổi làm việc nhằm tổng kết Đề án thực nghiệm Điện rác Gò Cát.


Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân kiểm tra thực tế tại Gò Cát

 

Đây là đề án thực nghiệm xử lý rác thải thành điện năng do Công ty TNHH Thủy Lực - Máy và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh phối hợp thực hiện.

Theo Sở Tài nguyên Môi trường TP Hồ Chí Minh, bãi rác Gò Cát đã đóng cửa từ năm 2007 và tổng lượng rác đang chôn lấp ở đây là 5,3 triệu tấn. Trên diện tích bãi rác cũ, Nhà máy Điện rác Gò Cát (được Chính phủ Hà Lan hỗ trợ xây dựng từ năm 2001) đã hòa lưới điện quốc gia bằng cách thu khí mê tan từ bãi rác để phát điện. Và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đầu tư hệ thống hạ tầng lưới điện để hỗ trợ nhà máy này hòa vào lưới điện quốc gia. Giá bán điện của nhà máy này hiện đang là 7,28 cent/kw.

Phát huy kết quả đạt được, đầu năm 2017, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố đã phối hợp cùng Công ty TNHH Thủy Lực - Máy đề xuất với UBND TP Hồ Chí Minh thực hiện Đề án thực nghiệm “Xây dựng nhà máy Điện - Rác Gò Cát”, chuyển hóa chất thải rắn công nghiệp thành năng lượng xanh (điện rác) với quy mô công nghiệp, nhằm hòa lưới điện quốc gia (trung thế) 3.500V hoặc 6.600V. Khác với dự án điện rác đang có tại bãi rác Gò Cát sử dụng công nghệ Hà Lan, đề án thực nghiệm nhà máy điện rác của hai công ty sử dụng hoàn toàn công nghệ của Việt Nam do Công ty TNHH Thủy Lực - Máy nghiên cứu và sản xuất.

Ông Nguyễn Gia Long, Giám đốc Công ty TNHH Thủy Lực - Máy cho biết, tính cho đến thời điểm cuối tháng 6-2017, nhà máy đã xử lý 500 tấn rác thải công nghiệp, đã phát và hòa vào lưới điện quốc gia 7MW. Ông Nguyễn Gia Long nhấn mạnh, bản chất của công nghệ điện rác là chuyển hóa các vật chất từ dạng rắn sang dạng khí bằng phương pháp nhiệt hóa trong điều kiện thiếu oxy.

Dây chuyền thiết bị theo Công nghệ điện rác gồm nhiều phần tích hợp thành một dây chuyền hoàn thiện bao gồm ba công đoạn: Công đoạn xử lý tiền chế, Rác công nghiệp (hỗn hợp rác) khi tập kết về sẽ được đưa vào hệ thống máy cắt, cắt đồng đều kích thước và loại bỏ kim loại có lẫn trong rác. Rác sau cắt được đưa vào hệ thống máy ép định hình thành viên nhiên liệu RDF; Công đoạn khí hóa là quá trình chuyển hóa nhiên liệu từ dạng rắn sang dạng khí, sản phẩm của công đoạn này là khí tổng hợp (syngas) và than carbon (than sạch); Nguồn năng lượng xanh này được sử dụng làm nhiên liệu cho động cơ đốt trong phát điện ở công đoạn cuối cùng của Công nghệ điện rác - công đoạn phát điện và hòa lưới điện quốc gia.

Sau khi lắng nghe ý kiến đóng góp của các sở ngành và các kiến nghị của chủ đầu tư, chỉ đạo buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Chủ đầu tư cần mô tả rõ hơn về hiệu quả kinh tế của dự án so với các phương pháp xử lý rác khác và có đề cập hiệu quả cũng như hậu quả của các phương pháp; Chủ đầu tư cần tính bền vững kinh tế của dự án cũng cần tính đến nếu triển khai trên thực tế, quy mô lớn hơn; Chủ đầu tư bảo đảm hơn các phương pháp phòng chống rò rỉ khí, phòng chống cháy nổ; Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành tạo điều kiện cho dự án có công nghệ của Việt Nam này tiếp cận với việc xử lý các loại rác y tế, sinh hoạt; Sở Tài nguyên Môi trường và Sở KH&CN phối hợp đo khí thải phát sinh tại Gò Cát vào nhiều thời điểm, các kiểu thời tiết và có đối chiếu độc lập với cách đo của đơn vị độc lập; các sở ngành phải thành lập Hội đồng nghiệm thu để đánh giá thẩm định dự án ở cấp thành phố và trong hội đồng có mời Bộ KH&CN tham gia…

Liên kết nguồn tin: http://nhandan.com.vn/khoahoc/item/33511402-xu-ly-rac-thai-cong-nghiep-thanh-dien-nang.html

 

Nguồn: Báo điện tử Nhân dân

Lượt xem: 3576

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)