Thứ ba, 25/07/2017 15:55 GMT+7

Hội nghị Quốc tế nữ KH&CN toàn cầu (GWST) và Mạng lưới các nhà khoa học nữ Châu Á - Thái Bình Dương (INWES APNN) tại thành phố Yokohama, Nhật Bản

Từ ngày 14-16/7/2017, Hội nghị Quốc tế Phụ nữ KH&CN toàn cầu (GWST) và Mạng lưới các nhà khoa học nữ Châu Á - Thái Bình Dương (INWES APNN) đã được tổ chức tại thành phố Yokohama, Nhật Bản.

Mạng lưới quốc tế nữ khoa học và kỹ sư (International Network of Women Engineers and Scientists) gọi tắt tiếng Anh là INWES hoạt động như một tổ chức phi chính phủ và là đối tác của UNESCO từ năm 2007. Hiện nay,  INWES là tổ chức tư vấn đặc biệt của Hội đồng Kinh tế - Xã hội (ECOSOC) thuộc tổ chức Liên hợp quốc (UN) từ năm 2017.

INWES xây dựng các kế hoạch hành động cho một xã hội công bằng, bền vững bằng KH&CN và hòa nhập, "kết nối chặt chẽ". Để đạt được mục tiêu này, các nhà khoa học nữ cần tạo lập "trí tuệ tập thể" để làm cho thế giới của nữ KH&CN có nhiều cơ hội bình đẳng giới hơn.  

INWES đã thiết lập các mạng lưới khu vực (Châu Âu, Châu Á và Châu Phi) để thúc đẩy các hoạt động của mình trong các khu vực gần nhau về mặt địa lý và thời gian vì họ có lợi ích chung, cũng như các vấn đề khu vực để có thể cùng nhau giải quyết. Các mạng lưới khu vực chắc chắn sẽ cung cấp cho INWES không chỉ sự đa dạng cần thiết để giải quyết những vấn đề mà thế giới đang phải đối mặt mà còn với nhiều hoạt động hữu ích đưa đến sự hợp tác giữa các Mạng lưới khu vực cũng như giữa các nước thành viên trên toàn thế giới.

APNN, Mạng lưới các nhà khoa học nữ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương do Mạng lưới quốc tế nữ khoa học và kỹ sư (INWES) thành lập vào năm 2011 tại Adelaide, Úc và là mạng lưới vùng đầu tiên của INWES với mục đích thúc đẩy kết nối các nhà khoa học nữ trong vùng hợp tác chặt chẽ và thường xuyên hơn với cộng đồng quốc tế cũng như khuyến khích họ trao đổi các vấn đề chung, dự án mục tiêu và các sáng kiến. Cho đến nay, APNN gồm có 13 nước thành viên và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm: Úc, Bangladesh, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mông Cổ, Nepal, New Zealand, Pakistan, Sri Lanka, Đài Loan và Việt Nam.    

Từ khi thành lập đến nay, APNN đã tổ chức 6 cuộc họp thường niên luân phiên tại các nước và vùng lãnh thổ. Cụ thể: Hội nghị lần thứ nhất tổ chức tại Adelaide Úc; lần thứ 2  tại Kuala Lumpur Malaysia; lần thứ 3 tại Taipei Taiwan; lần thứ 4 diễn ra ở Seoul Hàn Quốc; lần 5 tại Ulan Bator, Mông Cổ; lần 6 tại Wellington, New Zealand; lần 7 diễn ra tại Yokohama, Nhật Bản từ 13 - 15/7/2017. 

 

Toàn cảnh Hội nghị INWES APNN 2017

 

Hội nghị INWES APNN 2017 được tổ chức với chủ đề “Phụ nữ khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học được tỏa sáng toàn cầu! giấc mơ của bạn thay đổi thế giới”. Hội nghị thu hút hơn 50 đại biểu đến từ 10 nước thành viên: Ấn Độ, Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc,  Mông Cổ, Nepal, New Zealand, Nhật Bản, Srilanka, Việt Nam.

Hội nghị APNN 2017 tập trung vào thực trạng và các hoạt động của các nữ khoa học của từng nước, những khó khăn đang gặp phải và bàn luận những giải pháp đề xuất. Ngoài ra, Hội nghị dành 01 ngày trao đổi về vấn đề bình đẳng giới trong KH&CN của các nước với hy vọng Hội nghị APNN 2017 là nơi gặp gỡ các nhà khoa học nữ trong khu vực để tăng cường tình đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm, năng lực và ý tưởng và học hỏi lẫn nhau. Chính điều đó sẽ trao quyền cho nhà khoa học nữ và kỹ sư một vai trò quan trọng trong việc thay đổi một thế giới tốt đẹp hơn.
 

 

Qua các báo cáo của các nước thành viên cho thấy, phụ nữ làm khoa học ở các nước Châu Á không nhiều, cụ thể: Nhật bản có 15,3%, Korea có 18,9%  trong khi đó các nước phát triển tỷ lệ nữ làm khoa học đều cao từ 26,1% (Pháp) đến 26,5% (Iceland) đến 45,6% (trích dẫn từ Báo cáo của Nhật Bản).

Các hoạt động hỗ trợ cho các nhà khoa học nữ rất phong phú, đa dạng, đặc biệt là các hoạt động nâng cao năng lực: Từ việc hỗ trợ cho các nữ khoa học trẻ  trao đổi hợp tác nhiều hơn với các nữ khoa học thế giới thông qua tham dự nhiều hơn các hội thảo, hội nghị quốc tế đến các khoa học nữ kết nối, hợp tác với doanh nghiệp để đưa nhanh các kết quả nghiên cứu vào sản xuất.

Đại biểu của các nước thành viên đều kiến nghị nên tổ chức các hội thảo, hội nghị quốc tế theo lĩnh vực nhiều hơn trong mạng lưới và cần có các chuyên gia tư vấn giúp đưa ra chính sách khuyến khích các nhà khoa học nữ một cách hiệu quả hơn. Tổ chức các buổi truyền cảm hứng cho các cố vấn trẻ cho các nghề nghiệp có nhu cầu lớn hiện nay và thành lập Mạng lưới cấp quốc gia có dự hiện diện các nhà khoa học nữ rộng rãi trong khu vực.

Ngoài ra, song song với Hội nghị, Ban tổ chức có dành một không gian làm triển lãm giới thiệu các kết quả nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học nữ đến từ 20 Viện nghiên cứu, trường Đại học của Nhật Bản.

 

 

 Năm 2016, Hội Nữ trí thức Việt Nam (HNTTVN) được Mạng lưới các nhà khoa học nữ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APNN) bầu chọn tổ chức Hội nghị khu vực APNN 2018. Do vậy, tham dự Hội nghị INWES APNN 2017, Đoàn của Hội nữ trí thức Việt Nam đông đảo hơn mọi lần với 8 thành viên do bà Nguyễn Thị Hồi, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Canada, Áo và hiện nay là Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam làm trưởng đoàn.

 

 

Đoàn Việt Nam có 02 báo cáo: Báo cáo hoạt động của các nữ khoa học Việt Nam và Tham luận về bình đẳng giới trong KH&CN của Việt Nam. Các báo cáo của Việt Nam rất được các nước quan tâm, nhất là sự phát triển của Hội Nữ trí thức Việt Nam từ hơn 300 hội viên năm 2011 đến nay đã có khoảng hơn 3100 hội viên, đặc biệt là sự hình thành Tạp chí Phụ nữ mới  - Cơ quan ngôn luận của Hội và việc thành lập Trung tâm Ứng dụng KHCN và Khởi nghiệp thuộc Hội là những kết quả hoạt động hỗ trợ truyền thông và xúc tiến thương mại hóa kết quả nghiên cứu KH&CN của các nhà khoa học nữ Việt Nam./.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 3409

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)