Tham dự Hội nghị có đồng chí Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN); đồng chí Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục SHTT và các cán bộ chủ chốt của Cục SHTT.
Toàn cảnh cuộc họp
Báo cáo tại Hội nghị, ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục SHTT cho biết, tính đến hết ngày 30/6/2017, Cục đã xử lý 40.281 đơn các loại (tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2016), gồm: 19.692 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2016); chấp nhận bảo hộ 15.195 đối tượng sở hữu công nghiệp (SHCN), bao gồm: 1.110 sáng chế, 85 giải pháp hữu ích, 1.134 kiểu dáng công nghiệp, 12.863 nhãn hiệu, 01 chỉ dẫn địa lý, 02 thiết kế bố trí mạch tích hợp; từ chối bảo hộ 4.497 đối tượng SHCN.
Cục đã cấp 13.491 văn bằng bảo hộ SHCN (tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2016), bao gồm: 722 Bằng độc quyền sáng chế, 61 Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, 927 Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, 11.778 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, 01 Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và 02 Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp.
Tổng giám đốc Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) thăm phòng tiếp nhận hồ sơ tại Cục SHTT hồi tháng 3/2017
Công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về SHTT tiếp tục được triển khai nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời đảm bảo yêu cầu của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Trong 6 tháng đầu năm, Cục đã tham góp ý kiến về nội dung SHTT của các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm 8 luật, 4 Nghị định, 6 Thông tư, 1 Nghị quyết và 3 Quyết định. Cục đã tổ chức các hội nghị lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và chuyên gia để xây dựng báo cáo Tổng kết 10 năm thi hành Luật SHTT; xây dựng kế hoạch chi tiết sửa đổi Luật SHTT để trình Chính phủ vào tháng 6/2018; xây dựng và triển khai kế hoạch xây dựng Chiến lược SHTT quốc gia…
Cục cũng đã xây dựng phương án đàm phán và tiếp tục tham gia đàm phán một loạt các hiệp định song phương và đa phương về SHTT như: Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 6 nước Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Niu Di-lân; thực hiện rà soát pháp lý nội dung SHTT trong các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EFTA. Tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế về SHTT trong khuôn khổ các tổ chức đa phương như WTO, APEC, ASEAN. Đẩy mạnh hợp tác song phương giữa Việt Nam và WIPO, đồng thời nâng cao nhận thức của xã hội về SHTT, tranh thủ sự hỗ trợ của WIPO xây dựng Chiến lược SHTT quốc gia.
Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 vẫn tiếp tục được thực hiện khẩn trương theo kế hoạch, đã phê duyệt Danh mục gồm 58 dự án thuộc các lĩnh vực: truyền thông, đào tạo về SHTT, hỗ trợ tăng cường thực thi và thông tin SHTT…
Bên cạnh đó, công tác quản lý và phát triển hoạt động sáng tạo, công tác nghiên cứu, đào tạo và tuyên truyền về SHTT, công tác thực thi và giải quyết khiếu nại, công tác thông tin SHCN…cũng được Cục chú trọng, triển khai.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới liên quan đến công tác pháp chế, công tác tiếp nhận và xử lý đơn đăng ký SHCN, công tác công nghệ thông tin, công tác đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị làm việc… trong thời gian qua còn chậm, chưa đạt được mục tiêu đề ra do rất nhiều nguyên khách quan và chủ quan, mà một trong những nguyên chính là̀ khối lượng công việc của Cục rất lớn, lượng đơn SHCN tồn đọng từ nhiều năm qua chưa được tháo gỡ kịp thời, số lượng cán bộ chưa được tăng cường đủ để đáp ứng nhu cầu công việc…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh biểu dương những kết quả mà Cục SHTT đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2017. Theo Thứ trưởng, Cục SHTT còn rất nhiều việc cần phải làm trong năm 2017 và những năm tiếp theo, nhất là khi nền kinh tế Việt Nam ngày hội nhập sâu rộng với kinh tế quốc tế, đòi hỏi Cục sự đổi mới mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, theo đó Cục cần tập trung thực hiện thành công những nhiệm vụ trọng điểm để đạt được mục tiêu đề ra.
Thứ trưởng Trần Việt Thanh nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ quan trọng Cục SHTT cần triển khai từ nay đến cuối năm là hoàn thiện Chiến lược SHTT quốc gia. Thứ trưởng khẳng định, Chiến lược SHTT quốc gia là định hướng hết sức quan trọng cho hoạt động của Cục SHTT. Chiến lược sẽ nêu bật được tầm quan trọng và đóng góp của SHTT vào phát triển kinh tế - xã hội. Bộ KH&CN sẽ đồng hành cùng Cục SHTT trong việc xây dựng thành công Chiến lược.
Đồng tình với những chỉ đạo của Thứ trưởng Trần Việt Thanh, Cục trưởng Đinh Hữu phí cho biết, song song với việc hoàn thiện xây dựng Chiến lược SHTT quốc gia, trong 6 tháng cuối năm 2017, Cục SHTT sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về SHTT nhằm đáp ứng được các yêu cầu và đòi hỏi của giai đoạn mới; tập trung giải quyết tình trạng tồn đọng đơn; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác của Cục; đẩy mạnh triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ để chuyển hóa quyền SHTT của doanh nghiệp, tổ chức thành tài sản quan trọng, đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế; hình thành Mạng lưới các Trung tâm Phát triển tài sản trí tuệ; tiếp tục triển khai các nhiệm vụ thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020…
Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Việt Thanh thay mặt Lãnh đạo Bộ KH&CN trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ KH&CN cho những tập thể và cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác năm 2016.
Thứ trưởng Trần Việt Thanh thay mặt Lãnh đạo Bộ KH&CN trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ KH&CN cho những tập thể và cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác năm 2016