Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP/Thúy Hà
Lần đầu tiên Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam phối hợp với Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) tổ chức Hội nghị điện toán đám mây (ĐTĐM) tại Việt Nam. Hội nghị diễn ra ngày 22/6, với chủ đề “Việt Nam và cách mạng 4.0: Thúc đẩy chuyển đổi số với điện toán đám mây”, thu hút gần 400 đại biểu, trong đó có các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, nền tảng điện toán đám mây hàng đầu trong nước và quốc tế.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (còn được gọi là cuộc cách mạng số) đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, thông qua các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)...
Theo các chuyên gia, đó cũng chính là quá trình chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số. Trong đó, điện toán đám mây đóng vai trò nền tảng, có tác động lớn đến nhịp độ và lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp, các tổ chức…
Tại Hội thảo, PGS.TS.Vũ Minh Khương, Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu (Singapore) cho biết, qua khảo sát về ứng dụng điện toán đám mây tại trên 500 doanh nghiệp, tổ chức của Việt Nam cho thấy, trong các nước ASEAN, Việt Nam là nước có tốc độ tăng chi tiêu cho điện toán đám mây giai đoạn 2010-2016 cao nhất (64,4%/năm), cao hơn hẳn mức bình quân của ASEAN (49,5%) và thế giới (42,5%).
Tuy nhiên, về con số tuyệt đối, mức chi tiêu cho điện toán đám mây của Việt Nam còn rất thấp (1,7 USD/người năm 2016), thấp hơn 107 lần so với Singapore; 6,5 lần so với Malaysia; 2,4 lần so với Thái Lan và 1,3 lần so với Philippines. Những con số trên phản ánh thực tế đang còn rất nhiều rào cản trong việc thúc đẩy điện toán đám mây tại Việt Nam.
Đặc biệt, qua khảo sát của PGS.TS Khương và khảo sát nhanh của gần 200 đơn vị tham gia sự kiện hôm nay cho thấy, chi phí đầu tư không phải là trở ngại lớn nhất, mà đó chính là việc dùng phần mềm không bản quyền còn phổ biến, sự thiếu hiểu biết về lợi ích của Cloud, lo ngại về vấn đề bảo mật thông tin và chất lượng dịch vụ Cloud tại Việt Nam chưa thực sự bảo đảm.
Theo các chuyên gia, điện toán đám mây mang lại nhiều lợi ích to lớn như sự chuẩn hóa sản phẩm và dịch vụ, giảm thiểu chi phí đầu tư, rút ngắn thời gian phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ và linh hoạt trong mô hình kinh doanh, sẵn sàng mở rộng khi cần thiết… Chính vì vậy, các doanh nghiệp, tổ chức cần có những chiến lược nghiên cứu, đầu tư, ứng dụng điện toán đám mây sớm để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh góp phần phát triển kinh tế đất nước, đưa Việt Nam tiến nhanh, mạnh trong cuộc cách mạng 4.0 này.
Đặc biệt, ở giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi số rất cần ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng ICT, đặc biệt là kết nối băng thông rộng và ứng dụng điện toán đám mây tới một cấp độ chiến lược trong quy hoạch kinh tế để kích hoạt các nguồn nội lực và đạt được tăng trưởng bền vững. Đồng thời, cần có chính sách ưu tiên cho điện toán đám mây như là một chất xúc tác mạnh, để kích hoạt quá trình chuyển đổi số thông qua ứng dụng dữ liệu lớn và IoT.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp hay trong việc triển khai điện toán đám mây, cũng như lợi ích thiết thực mà điện toán đám mây mang lại từ những đơn vị cung cấp nền tảng Cloud hàng đầu thế giới như: Microsoft, IBM, GE; những doanh nghiệp cung cấp hạ tầng và dịch vụ Cloud lớn nhất của Việt Nam như: FPT, Viettel.
Liên kết nguồn tin: http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Thuc-day-chuyen-doi-so-voi-dien-toan-dam-may/309394.vgp