Thứ tư, 21/06/2017 09:07 GMT+7

Giáo dục Việt Nam trước yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) sẽ tạo ra sự thay đổi vô cùng lớn trong đời sống, kinh tế xã hội và đây chính là thách thức của ngành giáo dục trong việc đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu mới của thời đại.


Áp dụng CNTT trong dạy và học


Gần đây McDonald công bố sẽ xây thêm 25.000 nhà hàng mới, hoạt động hầu như bằng robots và tự động hóa nên có thể cắt giảm hàng trăm ngàn người lao động. Hay mới đây thông tin Foxconn Technology Group, công ty cung cấp linh kiện cho hãng Apple và Samsung, cũng tuyên bố sẽ cắt giảm 60.000 nhân công và thay thế bằng robots.

Do áp dụng các thành tựu của CMCN 4.0, khi đó nhiều lĩnh vực công nghiệp được tự động hóa thay thế con người và các yêu cầu về kỹ năng của người lao động sẽ cao. Khi đó nếu người lao động không nâng cao năng lực, kỹ năng để thích ứng nhanh với sự thay đổi của sản xuất thì bị loại khỏi thị trường lao động.

Hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước đang phát triển trong khu vực và thế giới đều đang phải đối mặt với những thách thức lớn về sự thiếu hụt lao động có trình độ cao và kỹ năng chuyên nghiệp để đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực cho cuộc CMCN 4.0. Chính vì vậy, câu hỏi đặt ra không chỉ với nền giáo dục (GD) Việt Nam mà của cả thế giới là làm thế nào để đào tạo ra nguồn nhân lực lao động để đáp ứng nhu cầu phát triển trong bối cảnh mới của thế giới.

Phân tích về tính cấp bách và quan trọng của vấn đề này, TS. Nguyễn Đắc Hưng  (Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề - Ban Tuyên giáo Trung ương) cho rằng, muốn hòa nhập vào cuộc CMCN 4.0, vào nền kinh tế số, yếu tố then chốt là nguồn nhân lực. Chúng ta cần cải cách hệ thống GD, đào tạo để tạo ra công dân toàn cầu. Do đó, nền GD Việt Nam nói chung và các trường đại học, nơi cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực, lao động sẽ phải đào tạo theo chuẩn GD 4.0 theo hướng bảo đảm khối kiến thức nền tảng vững chắc cho học sinh.

Thay đổi tư duy quá trình dạy và học

Theo TS. Nguyễn Đắc Hưng, chúng ta cần định vị một cách cụ thể cách thức, phương pháp của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Theo đó,  sự thay đổi về quan niệm, tư duy của quá trình dạy và học là một trong những yếu tố then chốt để tiến tới đổi mới căn bản và toàn diện nền GD nói chung và đổi mới theo hướng GD 4.0 nói riêng.

Đối với quá trình dạy, cần chuyển từ truyền thụ kiến thức sang hình thành phẩm chất và phát triển năng lực người học hay là tổ chức một nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp; chuyển phát triển giáo dục và đào tạo từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng cả số lượng, chất lượng và hiệu quả; chuyển từ chỉ chú trọng GD nhân cách nói chung sang kết hợp GD nhân cách với phát huy tốt nhất tiềm năng cá nhân; chuyển từ quan niệm cứ có kiến thức là có năng lực sang quan niệm kiến thức chỉ là yếu tố quan trọng của năng lực.

Còn với việc học, cần chuyển từ học thuộc, nhớ nhiều sang hình thành năng lực vận dụng, thích nghi, giải quyết vấn đề, tư duy độc lập. Không chỉ học chỉ trong sách vở, qua tài liệu mà phải học qua nhiều hình thức khác như qua trò chơi, liên hệ tương tác, cung ứng đám đông, học bằng dự án. Đặc biệt, với học sinh, sinh viên là người lao động trong tương lai cần thay đổi suy nghĩ học một lần cho cả đời bằng việc học cả đời để làm việc cả đời.

Như vậy, nền GD cần chuyển đổi cách thức GD từ truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh. Trên cơ sở đó chương trình GD phổ thông mới cần xác định các chuẩn năng lực chung và năng lực chuyên môn; các hình thức tích hợp hoặc phân hóa trong chương trình dạy học tùy theo cấp học.

Tức là phương pháp GD cũng phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa trong việc tổ chức GD qua Internet. Qua đó, hình thức GD sẽ linh hoạt về thời gian, không gian, phù hợp với điều kiện và nhu cầu cá nhân phát triển E-learning hay sử dụng ứng dụng công nghệ điện toán đám mây cho phép người dạy có thể cung cấp tài liệu học tập cho người học và thu thập lại các kết quả của quá trình dạy học từ phía người học một cách liên tục và linh hoạt.

Đối với lĩnh vực GD đại học, nơi đào tạo trực tiếp nguồn nhân lực cho cuộc CMCN 4.0 thì cần phải nhanh chóng đổi mới mô hình, chương trình và phương thức đào tạo, từ khâu tuyển sinh đến khâu đánh giá, kiểm định chất lượng, nhất là đánh giá sinh viên tốt nghiệp.

Nhanh chóng áp dụng mô hình GD 4.0 trong GD đại học

Thời đại đòi hỏi những con người có năng lực tư duy và sáng tạo, đổi mới, có kỹ năng phân tích và tổng hợp thông tin, có khả năng làm việc độc lập và ra quyết định dựa trên cơ sở phân tích các chứng cứ và dữ liệu. Đây cũng là những kỹ năng mà sinh viên Việt Nam đang thiếu nhiều nhất. Để giải quyết vấn đề này, GD 4.0 sẽ là một trong những giải pháp hiệu quả mà GD đại học cần triển khai.

Theo GS.TS Vương Thanh Sơn, Đại học British Columbia (Canada), trường đại học là nơi dẫn dắt tư duy và tạo động lực cho sinh viên cùng kết nối với thị trường và doanh nghiệp. Ngược lại, một doanh nghiệp tích cực vừa là thị trường và cũng vừa là đối tác hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu trong xu hướng cách mạng 4.0.



Ảnh: Sinh viên cần tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học

 

Chính vì vậy, Việt Nam nên nhanh chóng thử nghiệm và triển khai mô hình đại học (ĐH) thông minh 4.0 trong những dự án thí điểm. Cụ thể là xây dựng những công cụ thông minh, gồm cả công cụ quản lý đại học và săn sóc sinh viên dựa trên thẻ thông minh, phần mềm trí tuệ nhân tạo, bản địa hóa kho tài liệu học và đẩy mạnh liên kết quốc tế.

Mỗi trường ĐH nên có 1 trung tâm hay 1 ban dự án về GD 4.0 nhằm chuẩn bị chủ động đối phó với thách thức và nắm bắt kịp thời cơ hội mà CMCN 4.0 đưa đến, đặc biệt là cơ hội khởi nghiệp cho doanh nghiệp xã hội. Bởi vì, cải cách theo hướng GD 4.0 mới đáp ứng nhu cầu và tính cạnh tranh cao của nguồn nhân lực cho xã hội và đó mới là xu hướng của thời đại toàn cầu.

Tuy nhiên, theo GS.TS Vương Thanh Sơn, mặc dù rất cấp thiết nhưng ngành GD cũng như các trường đại học không nên quá vội vàng, vấp váp chạy theo xu hướng bên ngoài mà nên có lộ trình để tìm hiểu, đánh giá và áp dụng một cách đồng nhịp, phù hợp với thực tế và bối cảnh của kinh tế, xã hội của Việt Nam.

Phân tích cụ thể hơn về mô hình của quá trình đổi mới GD theo hướng GD 4.0, TS. Nguyễn Đắc Hưng chỉ rõ, CMCN 4.0 sẽ đặt các trường ĐH đứng trước thách thức rất lớn, cạnh tranh nguồn lực chất lượng cao không chỉ trong nước mà nó còn mang tính toàn cầu. Người lao động lúc này phải có tư duy sáng tạo, có khả năng thích nghi với các thách thức và yêu cầu công việc thay đổi liên tục trong thị trường lao động trong nước, khu vực và quốc tế, tránh nguy cơ bị mất việc làm.

Do đó, để có được nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thị trường, các trường ĐH cần giảng dạy những kiến thức tích hợp giữa nhiều kiến thức, đồng thời rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, tự học, biết cách tìm hiểu và tra cứu tài liệu, biết cách xử lý thông tin để trở thành tri thức của mình.

Cụ thể, cần áp dụng mô hình GD mới như phòng học ảo, thầy giáo ảo, thiết bị ảo, phòng thí nghiệm, thư viện ảo… dưới sự hỗ trợ của các thiết bị thông minh; tạo điều kiện và yêu cầu sinh viên từ năm thứ 3 phải tham gia các nhóm nghiên cứu, và các đề tài này phải gắn liền với giải quyết một vấn đề cụ thể trong chuyên môn, hoặc hoặc trong đời sống kinh tế, xã hội...

Cách tốt nhất là các trường ĐH nên liên danh với DN lớn để hình thành mô hình ĐH mới - ĐH doanh nghiệp.Thay đổi từ chỗ “dạy những gì giới học thuật sẵn có” sang cách “dạy những gì thị trường cần, DN cần”, hoặc thậm chí xa hơn là “dạy những gì thị trường và DN sẽ cần”.

Về mặt quản lý, các cơ sở GD cần chuyển hướng dần sang tự chủ trong tổ chức và hoạt động, chủ động tìm kiếm các nguồn lực đầu tư bên ngoài, mở rộng các hoạt động đầu tư liên danh, liên kết trong và ngoài nước về đào tạo, nghiên cứu khoa học. Gỡ bỏ các rào cản để hướng sự đầu tư của các thành phần kinh tế vào GD đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển đất nước.

Liên kết nguồn tin: http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Giao-duc-Viet-Nam-truoc-yeu-cau-cua-cach-mang-cong-nghiep-40/308970.vgp

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ

Lượt xem: 30854

TAGS :
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)