Thứ năm, 01/06/2017 14:28 GMT+7

Nghiên cứu biến đổi nồng độ một số hormone ở người phơi nhiễm dioxin

Ảnh hưởng của dioxin lên sức khỏe con người luôn là vấn đề được các nhà khoa học trong nước và trên thế giới quan tâm. Đã có nhiều nghiên cứu về mối liên quan giữa phơi nhiễm dioxin và các loại bệnh tật khác nhau, đặc biệt là các bệnh lý ung thư. Dựa trên những kết quả nghiên cứu khoa học trên toàn thế giới về mối liên quan giữa phơi nhiễm dioxin và các bệnh tật, viện Y học Hoa Kỳ thường xuyên cập nhật danh sách các bệnh liên quan tới phơi nhiễm dioxin.

Tuy nhiên, trong danh sách các bệnh liên quan đến dioxin của viện Y học Hoa Kỳ và danh sách 17 bệnh liên quan đến dioxin của Bộ Y tế Việt Nam, chỉ có một bệnh liên quan tới rối loạn nội tiết được liệt kê, đó là bệnh tiểu đường tuýp 2. Điều đó đặt ra yêu cầu cần có thêm các nghiên cứu về ảnh hưởng của dioxin lên hệ nội tiết của con người. Vì vậy, từ tháng 1/2014 đến tháng 12/2015, nhóm nghiên cứu tại Học viện Quân y do TS. Phạm Thế Tài dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu biến đổi nồng độ một số hormone ở người phơi nhiễm dioxin” nhằm Xác định sự biến đổi nồng độ hormone tuyến thượng thận, tuyến sinh dục, tuyến giáp, tuyến tụy ở người phơi nhiễm dioxin; và đề xuất giải pháp can thiệp.

 

 

Kết quả nghiên cứu cho thấy phơi nhiễm dioxin gây ra sự biến đổi nồng độ một số hormone quan trọng trong cơ thể.

Về nồng độ của các hormone, một số bất thường sau được ghi nhận:

- Có 25% tổng số đối tượng có nồng độ T3 TP ở mức thấp, và 11.5% đối tượng có nồng độ T3 TD ở mức cao.

- Tỷ lệ đối tượng có nồng độ các hormone tụy ở mức thấp: 45.8% đối với Insulin, 29.5% đối với C-Peptide và 33.7% đối với GLP-1.

- Tỷ lệ đối tượng có nồng độ hormone thượng thận ở mức thấp: 51.1% đối với nồng độ Aldosterone, 25.7% đối với Cortisol, và 22.9% đối với Androstenedione.

Về liên quan giữa phơi nhiễm dioxin với sự biến đổi nồng độ các hormone:

- Chỉ số dioxin BEQ trong máu có tương quan thuận có ý nghĩa thống kê với nồng độ các hormone Aldosterone, Cortisol, FSH, Prolactin, Testosterone TP, và Progesterone ở nam giới, và với T3 TP, Aldosterone, Cortisol, Prolactin và Testosterone TP ở nữ giới.

Mối tương quan giữa nồng độ dioxin BEQ với nồng độ Cortisol là chặt chẽ nhất đối với cả nhóm nam và nữ.

- Các đồng loại dioxin, nhất là đồng loại độc nhất 2,3,7,8-TetraCDD đặc trưng cho phơi nhiễm dioxin từ chất Da Cam có tương quan một cách có ý nghĩa thống kê với một số hormone.

- Ở nam giới : T3 TD, T4 TP, Insulin, Androstenedione, Aldosterone, Cortisol, Prolactin và Testosterone TP. Trong đó, mối tương quan mạnh nhất thể hiện với nồng độ Prolactin

- Ở nữ giới: TSH, T4 TD, Anti-TG, ACTH, Cortisone, Cortisol, Estradiol, Progesterone, và Testosterone TP. Trong đó, mối tương quan thể hiện mạnh nhất với nồng độ ACTH.

- Tổng độ độc TEQ tương quan một cách có ý nghĩa thống kê với nồng độ Insulin và Prolactin ở nam giới và với TSH và Estradiol ở nữ giới.

Như vậy, tương quan giữa phơi nhiễm dioxin với sự biến đổi nồng độ các hormone mang đặc trưng cho giới nam và giới nữ. Kết quả này cùng chung với xu hướng tác động của dioxin lên các khía cạnh sức khỏe khác mà các nghiên cứu trong và ngoài nước đã tiến hành.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 12333/2016) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia.

 

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 3119

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)