Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập đã chỉ đạo tại buổi làm việc với Bộ KH&CN về cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, hệ thống tổ chức KH&CN giai đoạn 2011 - 2016; định hướng và giải pháp tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức hệ thống tổ chức KH&CN vào ngày 01/6/2017.
Tham dự Đoàn công tác còn có đại diện Bộ Nội vụ; Ban Tổ chức Trung ương; Ban Kinh tế Trung ương; Văn phòng Trung ương đảng; cùng đại diện lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, các Bộ có liên quan.
Về phía Bộ KH&CN có sự tham dự của ông Chu Ngọc Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cùng lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN.
Toàn cảnh buổi làm việc
Cào bằng, dàn trải… khó mạnh
Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Văn Tùng đã nêu rõ những kết quả về việc triển khai cũng như những khó khăn vướng mắc trong việc đổi mới về chính sách quản lý, cơ chế tài chính đối với KH&CN.
Theo đó hơn 11 năm qua, thực hiện Nghị định số 115/2005/NĐ-CP quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp KH&CN công lập (Nghị định 115) đã đạt những kết quả nhất định. Việc ban hành cơ chế tự chủ quy định tại Nghị định 115 đã giải phóng được tiềm năng về nhân lực, tiềm lực của các tổ chức KH&CN, được ví như “cơ chế khoán 10” trong KH&CN. Các quy định này luôn được bổ sung, hoàn thiện nhằm giải phóng tối đa sức sáng tạo thúc đẩy, tạo điều kiện gắn kết quả KH&CN với thực tiễn.
“Trong giai đoạn 2011-2016, có 76 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ KH&CN hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm quy định tại Nghị định số 115/2005/NĐ-CP và Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ, với tổng số 3.747 công chức, viên chức và người lao động. Theo mức độ tự chủ về tài chính, có 19 đơn vị tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên, 29 đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, 28 đơn vị do Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên” – Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết.
Tính đến 31/5/2016, cả nước có 1.432 tổ chức KH&CN công lập với tổng số nhân lực nghiên cứu thuộc khu vực công lập 139.531 người (trong tổng số nhân lực nghiên cứu của cả nước là 164.744 người). Các tổ chức KH&CN công lập đã có nhiều kết quả KH&CN, đóp góp thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội. Các tổ chức KH&CN công lập trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, cơ bản cung cấp luận cứ khoa học phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, quản lý nhà nước, giúp các cơ quan chức năng hoạch định chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng đất nước bền vững.
Khẳng định những đóng góp của các tổ chức KH&CN công lập trong nhiều lĩnh vực (khoa học kỹ thuật và công nghệ đã đóng góp khoảng 30%-40% vào tăng trưởng nông nghiệp, góp phần giúp ngành công nghiệp và xây dựng đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 6,9%; tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong GDP bình quân ước đạt xấp xỉ 40%; tài nguyên, môi trường đã có những đóng góp thiết thực trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai thông qua việc dự báo, cảnh báo các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm, thiên tai; thiết kế, thi công các công trình phục vụ cấp nước ở các vùng có địa hình khó khăn, khan hiếm nguồn nước…), song Thứ trưởng Trần Văn Tùng cũng thẳng thắn nêu những điểm còn bất cập.
Cụ thể đó là sự thiếu đồng bộ, xung đột của các quy định trong hệ thống văn bản pháp luật hiện hành: tự chủ trong sử dụng đất để góp vốn, liên doanh, liên kết, sản xuất kinh doanh, thế chấp vay vốn ngân hàng khác với quy định của Luật Đất đai; tự chủ về nhân lực của tổ chức KH&CN chưa tự bảo đảm chi thường xuyên khác với quy định tại Luật viên chức và Nghị định số 41/2012/NĐ-CP; việc bổ nhiệm, thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức KH&CN là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài khác với quy định tại Luật Cán bộ, công chức;...
Về cơ chế tài chính: Các quy định về cơ chế tài chính đối với tổ chức KH&CN công lập đã được đổi mới, điều chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức KH&CN trong hoạt động nghiên cứu khoa học, triển khai công nghệ và sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, việc đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các tổ chức KH&CN công lập còn dàn trải, mang tính cào bằng, chưa thực sự chú trọng tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các tổ chức KH&CN trong một số ngành, lĩnh vực cần ưu tiên phát triển để hình thành một số tổ chức KH&CN mạnh đạt trình độ khu vực...
Một trong những lý do chính dẫn đến việc dàn trải nguồn lực đầu tư cho khoa học và công nghệ từ ngân sách nhà nước là do số lượng tổ chức khoa học và công nghệ công lập hiện nay quá nhiều. Hàng năm, trong cơ cấu chi ngân sách sự nghiệp, chi hoạt động thường xuyên cho các tổ chức khoa học và công nghệ chiếm gần 90%, phần kinh phí dành cho hoạt động nghiên cứu, triển khai chỉ chiếm khoảng 10%. Chưa có quy định về việc cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước theo hiệu quả hoạt động và hiệu quả đóng góp của tổ chức khoa học và công nghệ công lập.
Tập trung đủ nguồn lực để tăng cường tiềm lực
Đánh giá cao những điểm được nêu tại báo cáo của Bộ KH&CN, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, việc thẳng thắn nhìn nhận những vướng mắc, hạn chế sẽ là cơ sở để Trung ương, các bộ ngành cùng nhìn nhận, rà soát đưa ra những quyết sách phù hợp nhất. “Tinh thần là đổi mới mạnh mẽ tổ chức KH&CN từ trung ương đến địa phương, tạo được năng lực thực sự để các tổ chức này có kết quả trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ” – Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu đại diện Bộ KH&CN làm rõ những điểm được nêu trong báo cáo từ những vướng mắc, chính sách là gì? Cơ chế quản trị của các đơn vị ra sao? Cơ chế tài chính cần phải thay đổi như thế nào…
Theo đó Thứ trưởng Trần Văn Tùng nêu kiến nghị: tiếp tục đổi mới theo hướng giao quyền tự chủ cho tổ chức, đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực KH&CN; Ban hành quy định cấp phát hoặc tài trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho tổ chức KH&CN theo hiệu quả hoạt động và hiệu quả đóng góp của tổ chức KH&CN công lập, làm cơ sở cho việc ưu tiên đầu tư đối với tổ chức hoạt động hiệu quả đồng thời sáp nhập, giải thể tổ chức hoạt động kém hiệu quả; Giao đầy đủ quyền tự chủ cho người đứng đầu tổ chức KH&CN công lập gắn với trách nhiệm giải trình trong việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản, quản lý sử dụng nhân lực KH&CN của tổ chức, đồng thời tăng cường công tác thanh tra kiểm tra.
Về đổi mới cơ chế tài chính: Tập trung đầu tư đủ nguồn lực tài chính cho tổ chức KH&CN công lập để tăng cường tiềm lực, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KH&CN, nhất là tổ chức hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm để đạt trình độ khu vực và thế giới; Đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực xã hội, nhất là từ doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động KH&CN.Tăng cường thực hiện cơ chế hợp tác công tư và các hình thức hợp tác khác trong hoạt động KH&CN;... Thực hiện chính sách để các đề xuất nghiên cứu ứng dụng phải xuất phát từ yêu cầu của thị trường và doanh nghiệp; kết quả nghiên cứu ứng dụng phải được chuyển giao cho doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp tham gia cùng Nhà nước đầu tư, tài trợ cho các nghiên cứu ứng dụng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước; Thúc đẩy hình thành và phát triển các quỹ đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, góp phần đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho hoạt động KH&CN; Thay đổi phương thức cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước cho tổ chức KH&CN công theo nhiệm vụ…
Tại cuộc họp nhiều ý kiến đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương, Ban Kinh tế Trung ương… cũng chia sẻ thực trạng cũng như những khó khăn vướng mắc khi thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN công lập, đồng thời đưa ra nhiều ý kiến gợi mở.
Ông Nguyễn Chỉ Sáng, Viện trưởng Viện nghiên cứu cơ khí (Bộ Công Thương) nêu lên một thực tế là: năm 2010, Viện cũng có chủ trương cổ phần hóa một số đơn vị thuộc Viện nhưng cơ quan nhà nước trả lời nếu cổ phần thì Nhà nước sẽ không giao nhiệm vụ, đặt hàng nghiên cứu nữa nên việc thực hiện cổ phần hóa phải dừng lại, không thực hiện được. Viện trưởng này cho biết nếu đơn vị thực hiện được tự chủ hoàn toàn kinh phí hoạt động và tổ chức bộ máy, kế hoạch thì đơn vị hoạt động vẫn tốt, không có bất cập.
Trong khi đó, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT) cho rằng cơ chế mua sắm công, đầu tư công của Nhà nước có vai trò rất lớn trong việc phát triển các ĐVSNCL, bảo đảm tăng cường tính cạnh tranh, đổi mới hoạt động của các đơn vị nên Nhà nước cần quan tâm hơn nữa.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định việc Trung ương thảo luận Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập là cơ hội để cho đơn vị KHCN phát triển đột phá, thực sự đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế.
Bộ trưởng cũng thẳng thắn cho rằng, cái được của tự chủ, tự chịu trách nhiệm sẽ giúp khoảng cách trong việc đưa các kết quả nghiên cứu đến với doanh nghiệp/thị trường ngắn hơn, song thực tế đây là chặng đường rất dài.
Bộ trưởng cho biết đây sẽ là nhiệm vụ quan trọng của Bộ trong thời gian tới, trong đó có các lĩnh vực, đơn vị cụ thể mà tư nhân có thể tham gia đầu tư thì phải đổi mới nhanh, mạnh mẽ hơn nữa. Trong thời gian tới, Nhà nước sẽ chỉ tập trung đầu tư vào các lĩnh vực đặc thù, nghiên cứu khoa học cơ bản và chỉ tiêu đo lường chất lượng…
Đồng tình với những điểm được nêu trong báo cáo cũng như các ý kiến đưa ra tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo Bộ KH&CN tiếp tục cập nhật số liệu của các bộ, tỉnh còn thiếu đồng thời đưa ra những kiến nghị đề xuất hết sức cụ thể, rõ ràng, tinh giản ở đâu, như thế nào…
Phó thủ tướng nhấn mạnh, đây là cơ hội để ngành Khoa học và Công nghệ rà soát bộ máy, soát xét lại thông tư hướng dẫn, tổ chức thực hiện cho tốt chức năng hiện có, bám sát đánh giá đầy đủ và toàn diện hơn với tinh thần đổi mới mạnh mẽ, tăng cường năng lực thực sự, tạo động lực tăng cường hiệu quả trong nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đóng góp lớn hơn vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Ngoài ra, cũng phải đặt mục tiêu là tinh giản bộ máy và biên chế, không phải cào bằng. Nghiên cứu xây dựng cơ chế hợp đồng có thời hạn của viên chức, cơ sở khoa học, thực tiễn để thực hiện, một mặt, tinh giản bộ máy, biên chế, mặt khác, tạo điều kiện nâng cao năng lực của bộ phận này./.