Tham dự họp Hội đồng có: Ông Nguyễn Đức Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam - Chủ nhiệm đề tài; các thành viên chính tham gia thực hiện đề tài: GS.TS Dương Xuân Ngọc, Nguyên Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền; PGS.TS Lưu Văn An, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, v.v.. và các đại diện của Thông tấn xã Việt Nam;
TS. Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN; Lãnh đạo và các chuyên viên Vụ Khoa học Xã hội và Tự nhiên, Vụ Công nghệ cao.
Các sản phẩm khoa học của Đề tài đã hoàn thành gồm có: 01 Báo cáo tổng hợp, 01 báo cáo tóm tắt; 01 Báo cáo đề xuất giải pháp nhằm tăng cường chất lượng, hiệu quả của thông tin báo chí phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý; 01 Báo cáo đề xuất quan điểm về quản lý hoạt động báo chí trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế; 01 Bản thảo sách chuyên khảo; 10 Bài báo trên tạp chí khoa học; Góp phần đào tạo 01 thạc sỹ.
Đề tài thực hiện đúng tiến độ và hoàn thành số lượng sản phẩm khoa học theo Hợp đồng nghiên cứu khoa học đã ký kết, trong đó vượt mức 05 bài báo khoa học so với đăng ký.
Báo cáo tổng hợp và báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ, Báo cáo kiến nghị, đề xuất "quan điểm về quản lý hoạt động báo chí trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế" và "giải pháp nhằm tăng cường chất lượng, hiệu quả của thông tin báo chí phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý" đạt chất lượng cao, có ý nghĩa nhất định về mặt lý luận và thực tiễn.
Về giá trị khoa học và những đóng góp mới của đề tài: Báo cáo tổng hợp có giá trị lý luận ở chỗ đóng góp cho nền tảng khoa học về truyền thông chính trị và quản trị truyền thông trong các cơ quan Đảng, Nhà nước ở Việt Nam hiện nay. Báo cáo đề xuất quan điểm đưa ra có tư tưởng cấp tiến, có tính hiện đại, cập nhật, hội nhập tốt với xu thế báo chí chung của thế giới. Phần lý luận và khảo sát của đề tài góp phần củng cố thêm các quan điểm chung về vai trò của thông tin báo chí với công tác lãnh đạo và quản lý nói chung. Các sản phẩm của Đề tài có giá trị khoa học vì đã khái quát được tình hình thông tin báo chí phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý ở mức độ nhất định. Mặc dù vẫn còn một số hạn chế như chưa chỉ ra và phân tích, lý giải được một cách sâu sắc về mức độ thông tin báo chí đáp ứng yêu cầu của các nhà lãnh đạo và quản lý trong hoạt động của họ, nhưng nhóm nghiên cứu đã góp phần đưa ra một bức tranh không tươi sáng về mối quan hệ giữa thông tin báo chí và hoạt động lãnh đạo và quản lý ở nước ta hiện nay. Trên cơ sở đó, Báo cáo đã đưa ra 3 nhóm giải pháp tăng cường chất lượng hiệu quả thông tin báo chí phục vụ công tác lãnh đạo quản lý. Các nhận định, phân tích trong báo cáo có tính thuyết phục khoa học và có giá trị tham khảo cho các nhà nghiên cứu về báo chí học và khoa học quản lý.
Về giá trị thực tiễn và dự kiến triển vọng tác động xã hội từ kết quả nghiên cứu mới của Đề tài: Kết quả nghiên cứu của Đề tài có thể chuyển giao tới các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí, là tài liệu hữu ích cho Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ sở đào tạo để nghiên cứu, tham khảo, sử dụng. Các giải pháp được đưa ra có khả năng hữu ích cho các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí. Trong đó, Ban Tuyên giáo Trung ương có thể tham khảo để chỉ đạo xây dựng, đổi mới cơ chế, chính sách nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản, của người đứng đầu cơ quan báo chí theo quy định của Luật Báo chí. Bộ Thông tin và Truyền thông có thể xây dựng các quy định quy trách nhiệm giải trình đối với báo chí của các nhà lãnh đạo, quản lý, nếu làm không tốt sẽ bị phạt với các mức độ nhất định.
Với các giá trị khoa học và thực tiễn đã đạt được, Hội đồng khoa học đánh giá kết quả thực hiện Đề tài, xếp loại: Xuất sắc./.