Thứ hai, 27/02/2017 17:30 GMT+7

Ca ghép phổi đầu tiên thành công: Bước tiến mới của y học Việt Nam

Ca ghép phổi lần đầu tiên của Việt Nam đã được thực hiện thành công tại Bệnh viện Quân y 103- Học viện Quân y. Đây là bước tiến của y học Việt trong nhiều năm ghép tạng, thể hiện và khẳng định rõ nét hiệu quả đầu tư cho KH&CN trong lĩnh vực y học.

Ca ghép phổi từ người cho sống đầu tiên tại Việt Nam, nằm trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu ghép thùy phổi hoặc một phổi từ người cho sống và người chết não”, thuộc Chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) trọng điểm cấp Nhà nước do Bộ KH&CN quản lý.

Nhiều khó khăn, thử thách

Bệnh nhân của ca ghép là cháu Ly Chương Bình, 7 tuổi, quê ở xã Bát Đại Sơn (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang). Bố bé (28 tuổi) và bác ruột (30 tuổi), mỗi người tặng cháu một phần phổi của mình để tạo thành 2 lá phổi cho cháu. Cháu bé được chẩn đoán giãn phế quản bẩm sinh lan tỏa 2 phổi, đã biến chứng suy hô hấp, tâm phế mạn, suy dinh dưỡng độ III, có chỉ định tuyệt đối để ghép phổi. Ngày 21/2 vừa qua, các bác sĩ của HVQY phối hợp với một số bệnh viện và chuyên gia Nhật Bản đã thực hiện thành công ca ghép phổi cho cháu. Cháu được cắt bỏ toàn bộ 2 lá phổi, sau đó lấy 1 thùy phổi từ bố và 1 thùy từ bác ruột để ghép cho cháu. Sau phẫu thuật, cả bố và bác ruột - người cho phổi đều ổn định, hiện đã đi lại, ăn uống tốt. Đến sáng 24/2, cháu đã được rút ống nội khí quản và tự thở được, tỉnh táo, nói chuyện được, các chỉ số sinh học ổn định.
 


Các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y) và chuyên gia thực hiện ca ghép phổi


TS. Hoàng Văn Chương- Chủ nhiệm Bộ môn kiêm Chủ nhiệm Khoa Gây mê, Bệnh viện Quân y 103 (HVQY) - người trực tiếp tham gia vào ca mổ cho biết, ca phẫu thuật này có nhiều cái khó. Trước đó, các bác sỹ của Bệnh viện Quân y 103 đã thực hiện 4 ca ghép thận, gan, tim, tụy thận, đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện ca ghép phổi từ người cho còn sống và là ca ghép đặc biệt. “Người cho là 2 người trong khi các ca ghép khác chỉ cần một người. Do đó, áp lực từ những người làm chuyên môn rất lớn. Khó khăn thứ 2 là cháu bé mắc bệnh từ khi sơ sinh kéo theo nhiều cơ quan bị ảnh hưởng, ví dụ như tim. Cháu bị suy dinh dưỡng, 7 tuổi mà chỉ có 14kg”, TS. Hoàng Văn Chương nói. 
 


TS. Hoàng Văn Chương – Bệnh viện Quân y 103 (HVQY) - người trực tiếp tham gia vào ca mổ chia sẻ về khó khăn của ca ghép phổi


Khó khăn nữa theo TS. Hoàng Văn Chương là đối với ghép phổi - cơ quan hô hấp cung cấp ô xy cho cơ thể, hít thở với không khí bên ngoài, nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao. Vì vậy, nếu công tác khử khuẩn phòng mổ, trong công tác chuẩn bị, công tác hậu phẫu không đảm bảo vô trùng sẽ thất bại. Nhắc lại nhiều lần rằng, thành công của ca mổ là thành công của cả một tập thể chứ không chỉ của một cá nhân hay một khoa, bộ môn nào, bác sĩ Chương cho rằng, công tác tổ chức của lãnh đạo Học viện đã góp phần quan trọng tạo nên sự thành công này. Học viện đã cử các bác sĩ sang Nhật học kinh nghiệm ghép phổi, từ khâu gây mê, phẫu thuật tới chạy máy để đảm bảo ca ghép thành công. 

“Ca ghép được tiến hành rất thuận lợi. Tôi cũng không nghĩ là suôn sẻ được tới như vậy. Tất cả các khâu đều thực hiện một cách ăn khớp, hoàn hảo. Ca mổ đã kết thúc sớm hơn dự kiến. Ban đầu chúng tôi dự kiến là 19h sẽ kết thúc nhưng nhờ thuận lợi ở tất cả các khâu nên tới 17h30 bệnh nhân đã được chuyển về phòng cách ly”, bác sĩ Chương nhớ lại.

Theo Thiếu tướng, GS.TS Đỗ Quyết – Giám đốc HVQY, thành công này là kết quả của sự chuẩn bị nhiều năm tháng trên nền tảng rất vững, đó là kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam, cụ thể là HVQY. Bên cạnh đó là sự giúp đỡ tận tình, phối hợp đồng bộ, ăn ý của nhóm y, bác sĩ Bệnh viện Đại học Okayama, mà đại diện là GS. Oto Takahiro, kể từ quá trình chọn bệnh nhân, xét nghiệm và tiến hành phẫu thuật.
 


Thứ trưởng Trần Quốc Khánh tặng hoa và quà cho bố của cháu Bình
và cũng là người hiến một thùy phổi cho cháu


Thành công từ đầu tư cho KH&CN

Chia sẻ với phóng viên về lịch sử của những lần ghép tạng thành công của Việt Nam được thực hiện tại HVQY, GS.TS Phạm Gia Khánh - Chủ nhiệm Chương trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng” (KC.10/16-20), Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam cho biết, ông có nhiều điều kiện để theo dõi, nắm bắt về ghép tạng tại Việt Nam. Chúng ta thường nói đến ghép mô và ghép tạng. Ghép mô là ghép da, giác mạc, xương, ghép mạch máu. Ghép tạng khác ghép mô là để cứu cuộc sống. Ghép tạng chỉ có 6 tạng: thận, gan, tim, tụy, phổi và ruột. Tính đến nay, Việt Nam đã ghép thành công 5 tạng gồm thận, gan, tim, ghép khối tụy – thận và bây giờ là ghép phổi, ruột chúng ta chưa ghép. HVQY là đơn vị đầu tiên thực hiện các ca ghép đó.

Về ghép tạng, chúng ta đi sau thế giới khoảng 40-50 năm. Điều đó chứng minh sự cố gắng phi thường của đội ngũ thầy thuốc Việt Nam nói chung và các thầy thuốc của HVQY nói riêng. Ông nhấn mạnh, tất cả các thành công ghép tạng đó đều là sản phẩm khoa học của các đề tài, Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước do Bộ KH&CN trực tiếp quản lý. Nếu như không có sự đầu tư cho KH&CN, chúng ta không thể có được những thành tựu này. Điều đó khẳng định hiệu quả đầu tư cho KH&CN của Nhà nước.

Ông lấy ví dụ, năm 1992, hồi đó chưa có Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước, nhưng lần đầu tiên HVQY ghép thận thành công từ người cho sống là kết quả của Chương trình độc lập cấp Nhà nước. Sau đó, kỹ thuật đã được chuyển giao cho hàng chục cơ sở y tế trên cả nước (Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Saint Paul, Bệnh viện 198, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy…). Đến nay đã có hàng ngàn bệnh nhân được cứu sống nhờ ghép thận. Giá thành ghép thận trong nước chỉ bằng 40%-50% so với đi nước ngoài để ghép thận. 

Và sau ghép thận đó, là ghép gan, ghép tim, ghép tụy đều là sản phẩm của Chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước KC.10. Cụ thể, ngày 31/01/2004 trường hợp ghép gan đầu tiên của Việt Nam được thực hiện tại HVQY. Hiện nay, cháu bé được ghép gan đã chuẩn bị tốt nghiệp Trường cao đẳng Quân y. Đến nay, đã có 68 bệnh nhân cứu sống nhờ được ghép gan. Cụm công trình ghép thận và ghép gan của HVQY đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN năm 2006. Ngày 17/6/2010 trường hợp ghép tim từ người cho chết não đầu tiên của Việt Nam đã được tiến hành thành công tại HVQY. Đến nay đã có 15 bệnh nhân được cứu sống nhờ ghép tim. Ngày 01/3/2014 ca ghép đa tạng (ghép đồng thời cả tụy và thận) đầu tiên của Việt Nam thành công cũng tại HVQY. 

“Tôi khẳng định, nếu không có Chương trình đó chúng ta khó có thể có được kết quả của ghép gan, ghép tim, ghép tụy và bây giờ là ghép phổi thành công”, GS.TS Phạm Gia Khánh nhấn mạnh. 

Theo GS Khánh, một yếu tố rất quan trọng nữa đó là khâu tổ chức rất tốt của HVQY. Ghép tạng đòi hỏi rất cao về mặt kỹ thuật công nghệ, nhưng yếu tố quan trọng hơn là khâu tổ chức. Chúng ta có trình độ KH&CN cao nhưng không tổ chức tốt sẽ không thành công và ngược lại. Và HVQY hội tụ 2 yếu tố đó. 

Ca ghép phổi đầu tiên tại Việt Nam năm 2017 cũng là sản phẩm của KH&CN. Tháng 11/2016, HVQY được Bộ KH&CN giao nhiệm vụ thực hiện đề tài "Nghiên cứu ghép thùy phổi hoặc một phổi từ người cho sống và người cho chết não" thuộc Chương trình KC.10/16-20. Đề tài do Thiếu tướng, GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc HVQY làm chủ nhiệm, được thực hiện trong 3 năm từ tháng 10/2016 đến tháng 9/2019, với tổng kinh phí hỗ trợ từ NSNN là 13,1 tỷ đồng. Một số tổ chức tham gia phối hợp thực hiện gồm Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Chợ Rẫy.

Đề tài hướng đến mục tiêu xây dựng được chỉ định ghép thùy phổi hoặc một phổi từ người cho sống hoặc người cho chết não. Xây dựng được quy trình ghép thùy phổi từ người cho sống hoặc ghép một phổi từ người cho chết não. Triển khai đề tài này, HVQY đã tích cực nghiên cứu, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, thuốc, hóa chất và cử cán bộ đi học tập kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm ghép phổi trên người tại Bệnh viện Đại học Okayama (Nhật Bản). Đồng thời, Học viện cũng phối hợp với các bệnh viện trong nước để chọn bệnh nhân có chỉ định ghép phổi. 

GS.TS Đỗ Quyết - Giám đốc HVQY cho rằng, nếu không có Bộ KH&CN, không có sự đầu tư, sự định hướng, ưu tiên tập trung cho HVQY thông qua các đề tài, dự án, sẽ không thể có được những thành công này. HVQY sẽ hoàn thành thật tốt nhiệm vụ chủ yếu trong công tác đào tạo, điều trị, xây dựng đất nước vững mạnh và sẽ góp phần rất tốt cho việc cùng chung tay để đảm bảo công tác phòng bệnh, điều trị, cứu chữa người bệnh. Đồng thời, triển khai đúng, hiệu quả những định hướng của Bộ KH&CN là nghiên cứu, triển khai ứng dụng các kỹ thuật cao trong công tác dự phòng và điều trị người bệnh. 
 

Năm 1992, lần đầu tiên Việt Nam ghép thận thành công từ người cho sống. Tiếp đó, ghép gan thành công vào năm 2004, ghép tim từ người cho chết não năm 2010, ghép đa tạng (ghép đồng thời cả tụy và thận) năm 2014 và năm 2017, ghép phổi từ người cho sống đầu tiên. Tất cả các thành công đầu tiên đó đều diễn ra tại Học viện quân y (HVQY), thể hiện và khẳng định rõ nét hiệu quả đầu tư cho KH&CN trong lĩnh vực y học.

 

 

Nguồn: Hạnh Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 2960

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)