Thứ bảy, 30/04/2016 09:58 GMT+7

Hội nghị tổng kết Chương trình phối hợp hành động phòng và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn II (2012-2015)

Sáng ngày 28/4/2016, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN); Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Tài chính; Bộ Công thương; Bộ Công an; Bộ Thông tin và Truyền thông; Tòa án nhân dân tối cao; Viện Kiểm...


Chủ trì Hội nghị tổng kết, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh, với vai trò là đại diện cơ quan đầu mối của Chương trình 168 nhấn mạnh mục đích, ý nghĩa của Chương trình: “Với mục tiêu phát huy hiệu quả Chương trình 168 về phối hợp hành động phòng và chống xâm phạm quyền SHTT giai đoạn 2006-2010 và tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi quyền SHTT trong giai đoạn 2012-2015, 09 bộ/ngành đã cam kết cùng phối hợp hành động với các nội dung cơ bản: Đẩy mạnh hợp tác pháp lý và trao đổi thông tin; đẩy mạnh hoạt động phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục; hợp tác đào tạo và tăng cường năng lực cán bộ thực thi; tăng cường hợp tác quốc tế về SHTT. Sau một thời gian hoạt động, Chương trình phối hợp hành động phòng và chống xâm phạm quyền SHTT đã đạt được những kết quả đáng khích lệ”.
Tại Hội nghị, ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ KH&CN đã trình bày báo cáo tổng kết 04 năm thực hiện Chương trình 168 giai đoạn II. Báo cáo nêu rõ một số kết quả nổi bật như: Các bộ, ngành đã trình Quốc hội ban hành 04 Luật (Luật KH&CN; Luật hải quan; Luật Xuất bản và Luật Quảng cáo); trình Chính phủ ban hành 16 Nghị định và trực tiếp ban hành 16 Thông tư; Các lực lượng chức năng của các bộ, ngành đã chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra và tiếp nhận 25.966 vụ việc có dấu hiệu xâm phạm quyền SHTT, sản xuất, buôn bán hàng giả. Đã xử lý vi phạm hành chính 25.543 vụ việc, trong đó cảnh cáo 68 vụ việc; phạt tiền 23.197 vụ việc, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 97 tỷ đồng; khởi tố 381 vụ với 553 bị can; xét xử 55 vụ (12 vụ án hình sự). Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả: Tịch thu, buộc tiêu huỷ, loại bỏ yếu tố vi phạm đối với 980 tấn thực phẩm chức năng các loại; 80.900 tấn phân bón; 45.678 hộp mỹ phẩm; gần 27.000 sản phẩm thuốc tân dược; 523.000 bao thuốc lá; 160.559 đĩa CD-VCD không tem nhãn có nguồn gốc nhập lậu; hàng chục nghìn chai rượu ngoại các loại và hàng triệu sản phẩm điện, điện tử, túi xách, giầy dép, quần áo thời trang, lương thực, thực phẩm giả mạo nhãn hiệu và xâm phạm quyền đối với các đối tượng SHTT…
Tại Hội nghị, Thượng tá Nguyễn Hữu Cừ, Cục Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an cho biết Giai đoạn 2012 - 2015, lực lượng công an đã phát hiện tổng số 2.047 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả và xâm phạm SHTT, đã khởi tố 381 vụ, 553 bị can; chuyển xử lý hành chính 1564 vụ, phạt tổng số tiền 28,5 tỷ đồng.
Đối với công tác thực thi bảo vệ quyền SHTT, chống hàng giả tại biên giới đã được lực lượng Hải quan triển khai một cách chủ động, tích cực. Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thủy, Đội trưởng Đội Kiểm soát bảo vệ quyền SHTT, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho biết: “Tính riêng trong năm 2015, cơ quan Hải quan đã tiếp nhận, xử lý đơn yêu cầu và ra công văn chấp nhận giám sát SHTT tại biên giới đối với 250 đối tượng quyền SHTT các loại. Trong đó, phần lớn là nhãn hiệu; một số ít các đối tượng quyền SHTT được chấp nhận giám sát tại biên giới là: Sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và chỉ dẫn địa lý. Về kết quả triển khai công tác thực thi quyền SHTT, chống hàng giả tại biên giới, toàn Ngành đã bắt giữ 68 vụ việc xâm phạm quyền SHTT. Trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 66 vụ, xử lý hình sự 02 vụ. Trị giá hàng hóa vi phạm đạt gần 30 tỷ đồng, thu nộp NSNN 5,8 tỷ đồng”.
Theo ông Kiều Nghiệp, Trưởng phòng Chống hàng giả, Cục Quản lý thị trường cho biết: “Trong năm 2015, lực lượng Quản lý thị trường tiến hành kiểm tra, phát hiện 25.123 vụ vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính trên 68 tỷ đồng; trị giá hàng vi phạm trên 536 tỷ đồng, hành vi vi phạm tập trung chủ yếu như: Vi phạm về chất lượng; giả mạo nhãn hiệu; chỉ dẫn địa lý; giả về tem, nhãn hàng hoá; bản quyền, sao chép lậu, in lậu và xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất nhiều giải pháp để nâng cao hơn nữa hiệu quả về hợp tác trong giai đoạn tiếp theo”.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Quang Cường, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá cao các kết quả mà Chương trình 168 giai đoạn II đã đạt được và nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của việc cần tiếp tục có một chương trình phối hợp hành động về phòng, chống xâm phạm quyền SHTT giữa các bộ, ngành trong thời gian tới, nhằm đáp ứng các yêu cầu khắt khe của hội nhập quốc tế, đặc biệt là Hiệp định TPP.
Trong bức tranh toàn cảnh kết quả của Chương trình 168 giai đoạn II đã đạt được, không thể không nhắc đến sự hưởng ứng tích cực từ phía các địa phương trên cả nước đã chung tay phối hợp hành động. Phát biểu tại Hội nghị, Đại diện lãnh đạo Sở KH&CN Thành phố Hồ Chí Minh, Sở KH&CN Nam Định, Sở KH&CN Bắc Giang đã chia sẻ những bài học thực tế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi quyền SHTT tại địa phương. Ông Nguyễn Đức Kiên, Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang nhấn mạnh: “Để Chương trình 168 giai đoạn II thực sự trở thành cầu nối và có sức lan tỏa mạnh mẽ từ trung ương tới địa phương, trong thời gian tới cần xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các bộ, ngành; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra theo từng đợt chuyên đề diện rộng nhằm phát huy sức mạnh cộng hưởng được dư luận xã hội công nhận, đánh giá cao; chú trọng đào tạo chuyên sâu về SHTT cho cán bộ làm công tác thực thi tại địa phương”.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Như Quỳnh, Phó Chánh Thanh tra Bộ khẳng định: “Trong thời gian tới để đáp ứng yêu cầu gia tăng về bảo hộ và thực thi quyền SHTT trong các Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới (như VN-EU FTA, Hiệp định TPP), Việt Nam cần phải rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật SHTT về bảo hộ sáng chế, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh, quyền tác giả, nhập khẩu song song và đặc biệt là hoàn thiện và nâng cao hiệu quả của hệ thống thực thi quyền SHTT. Với yêu cầu đó, Chính phủ Việt Nam, cùng toàn bộ hệ thống bảo hộ và thực thi quyền SHTT cần phải có những chuyển biến cơ bản để nâng cao hơn nữa tính hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế ngày càng cao của Việt Nam. Để thực hiện nhiệm vụ trên, sự phối hợp đồng bộ, tích cực và hiệu quả giữa các bộ, ngành trong phạm vi quản lý nhà nước thuộc các lĩnh vực có liên quan đến quyền SHTT có ý nghĩa rất quan trọng, đóng vai trò then chốt. Trong nỗ lực đó, việc xây dựng và triển khai Chương trình hành động 168 giai đoạn III (2016 - 2020) là một yêu cầu cấp thiết, đáp ứng các đòi hỏi thực tiễn đang được đặt ra về một Việt Nam nỗ lực chủ động hội nhập và phát triển”.



Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh ghi nhận những kết quả mà Chương trình 168 giai đoạn II đã đạt được, đặc biệt đó là sự nỗ lực chung của các bộ, ngành và sự hưởng ứng tích cực từ các địa phương. Mặc dù còn có những tồn tại cần khắc phục, nhưng hiệu quả mà các hoạt động của Chương trình mang lại là rất đáng ghi nhận và cần được tiếp tục phát huy trong thời gian tới nhằm khẳng định sự nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện cam kết quốc tế về SHTT khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, đặc biệt là việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết khi Hiệp định TPP có hiệu lực./.

Lượt xem: 1783

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)