Thứ ba, 14/01/2025 15:26 GMT+7

Bổ sung dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025

Chính phủ đề nghị bổ sung dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).
Sáng 14/1/2025, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 30. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp.
Trình bày Tờ trình tóm tắt đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi cho biết, thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ đề nghị bổ sung 6 dự án luật, gồm: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và điều chỉnh thời gian trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua đối với dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Toàn cảnh Phiên họp thứ 30 của Ủy ban Pháp luật.
Cho ý kiến tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với sự cần thiết điều chỉnh tiến độ 1 dự án luật, bổ sung 6 dự án luật vào Chương trình năm 2025. Hồ sơ đề nghị bổ sung các luật, cơ bản đáp ứng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm của pháp luật, nhưng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát các nội dung dự kiến sửa đổi bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan...
Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, các ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật đều cơ bản tán thành việc bổ sung 6 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (Chương trình) năm 2025. Đồng thời, lưu ý, cần tiếp tục rà soát các nội dung dự kiến sửa đổi bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan.
Về thời điểm trình, các ý kiến cũng thống nhất, điều chỉnh dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) từ Chương trình cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) sang trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp bất thường tháng 2/2025. Cùng với đó, bổ sung 2 dự án, gồm: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp bất thường tháng 2/2025 theo quy trình tại một kỳ họp.
Bên cạnh đó, bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 theo quy trình tại một kỳ họp. Bổ sung dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến Kỳ họp thứ 9 và thông qua tại Kỳ họp thứ 10. Nghiên cứu bổ sung dự án Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 và thông qua tại Kỳ họp thứ 11 (lùi 1 kỳ so với đề nghị của Chính phủ).
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng lưu ý, các cơ quan có liên quan cần khẩn trương hoàn thiện hồ sơ các dự án luật đặc biệt là đối với 03 dự án trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 202

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)